.

Trẻ lọt lòng không lo thiếu sữa mẹ

.

Ngày 17-2, tại Đà Nẵng, Bộ Y tế phối hợp với Sở Y tế thành phố, Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng cùng tổ chức phi chính phủ Program for Appropriate Technology in Health (PATH - Hoa Kỳ) và FHI 360 thông qua dự án Alive & Thrive lần đầu tiên khai trương Ngân hàng sữa mẹ tại Việt Nam. Đây là bước tiến quan trọng trong hoạt động chăm sóc sức khỏe cho trẻ, giúp nhiều trẻ không bị thiếu sữa mẹ ngay từ khi lọt lòng.

Ngân hàng sữa mẹ đầu tiên tại Việt Nam sẽ hỗ trợ chăm sóc điều trị cho 3.000 - 4.000 trẻ nhỏ mỗi năm. Trong ảnh: Ông Roger Mathisen, Giám đốc Chương trình Alive & Thrive Đông Nam Á thăm một trẻ sơ sinh vừa chào đời tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng.
Ngân hàng sữa mẹ đầu tiên tại Việt Nam sẽ hỗ trợ chăm sóc điều trị cho 3.000 - 4.000 trẻ nhỏ mỗi năm. Trong ảnh: Ông Roger Mathisen, Giám đốc Chương trình Alive & Thrive Đông Nam Á thăm một trẻ sơ sinh vừa chào đời tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng.

Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng cho biết, bình quân mỗi năm, bệnh viện này có khoảng 15.000 trẻ được sinh ra, trong đó có khoảng 3.000 - 4.000 trẻ không được tiếp cận nguồn sữa mẹ. Đó là những bé sinh non, nhẹ cân, bị bỏ rơi, hoặc mắc bệnh phải cách ly mẹ từ sớm, hoặc người mẹ bị các bệnh lây truyền... Con số này nếu tính chung tại Việt Nam sẽ gấp nhiều lần.

Trong khi đó, theo Bộ Y tế, mặc dù Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu trong lĩnh vực sức khỏe trẻ em nhưng tỷ suất tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi vẫn ở mức 22‰. Hằng năm, hơn 33.000 trẻ em Việt Nam tử vong trước 5 tuổi. Các nghiên cứu cho thấy, trong những giải pháp nhằm giảm tử vong trẻ nhỏ, sữa mẹ là giải pháp quan trọng nhất và có tiềm năng to lớn tác động đến sự sống còn, giúp trẻ tăng cường hệ miễn dịch, lớn nhanh và phát triển toàn diện.

Bác sĩ Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh: Trong nhiều năm qua, ngành y tế thành phố luôn đặc biệt chú trọng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe trẻ em. Trong nhiều biện pháp đã triển khai, nuôi con bằng sữa mẹ là biện pháp quan trọng nhằm đẩy mạnh dinh dưỡng tối ưu cho trẻ.

“Ngân hàng sữa mẹ thí điểm đầu tiên ở Việt Nam tại Đà Nẵng là một bước tiến quan trọng trong hoạt động chăm sóc sức khỏe cho trẻ sơ sinh. Đây sẽ là một trung tâm hỗ trợ đặc biệt cho việc nuôi con bằng sữa mẹ, đồng thời thúc đẩy hơn nữa hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe trẻ em của thành phố và khu vực”, bà Yến cho biết.

Ngân hàng sữa mẹ tại Đà Nẵng sẽ thu thập, thanh trùng, xét nghiệm và bảo quản an toàn sữa mẹ từ những người hiến tặng và cung cấp cho nhóm trẻ có nhu cầu. Theo đó, sữa mẹ thu thập vào ngân hàng sữa mẹ sẽ được thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt, với bước đầu tuyển chọn và sàng lọc người hiến sữa; kế đến là vắt sữa bảo đảm vệ sinh; sau đó sẽ xử lý sữa có kiểm soát nhiệt độ; tiếp đến sẽ tiệt trùng, xét nghiệm vi khuẩn và vận chuyển có kiểm soát nhiệt độ. Số sữa này sẽ được đưa đến những trẻ sơ sinh cần sữa mẹ.

Bà Nemat Hajeebhoy, Giám đốc dự án Alive & Thrive Việt Nam chia sẻ, tại các quốc gia phát triển trên thế giới đều xây dựng mô hình ngân hàng sữa mẹ từ hàng chục năm qua. Bà Nemat Hajeebhoy cho rằng, việc thành lập ngân hàng sữa mẹ tại Việt Nam là vô cùng cần thiết và cấp thiết, sẽ là động thái tuyên truyền mạnh mẽ đến các bà mẹ Việt Nam về sự quý báu của nguồn sữa mẹ, qua đó họ sẽ trân trọng và gìn giữ, bằng mọi cách để con mình có thể bú được sữa mẹ thay vì nuôi con bằng sữa
công thức.

Theo các bác sĩ, trẻ được bú sữa mẹ sẽ ít mắc các bệnh nhiễm khuẩn, giảm tỷ lệ mắc chứng đột tử, tỷ lệ bệnh tật và tử vong có sự liên quan với thực hành nuôi con. “Chúng tôi hy vọng với ngân hàng sữa mẹ thí điểm này, các trẻ em của Đà Nẵng sẽ được tiếp cận với sữa mẹ an toàn, bất kể trẻ được sinh ra trong tình huống nào”, bác sĩ Nguyễn Đức Vinh, Vụ Trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em (Bộ Y tế) cho biết.

Ngân hàng sữa mẹ thí điểm đầu tiên ở Việt Nam tại Đà Nẵng là điểm khởi đầu cho xu hướng thành lập các ngân hàng sữa mẹ khác trong toàn quốc, để có thể giúp nhiều hơn nữa các em bé cùng có cơ hội sống khỏe mạnh.

Bài và ảnh: PHAN CHUNG

;
.
.
.
.
.