.

Hoa đào, dược liệu sản xuất thuốc chữa được nhiều căn bệnh

Cây gỗ nhỏ, cao 3-5m, mọc lâu năm, thân nhẵn, phân cành nhiều, chồi có lông mềm. Lá đơn, hình mũi mác, dài 8-12cm, rộng 2-3cm, có mũi nhọn dài, mép lá có răng mịn, đầu cuống lá có tuyến. Hoa đơn độc, màu hồng nhạt, có khi trắng, có cuống ngắn. Quả hạch, gần hình cầu, phủ lông tơ mịn, có một rãnh bên rõ, khi chín hơi có màu đỏ, vỏ quả trong hóa gỗ bao lấy hạt. Mùa hoa tháng 1-3, quả tháng 6-8.

Cây đào có nguồn gốc ở vùng Bắc Trung Quốc và Mông Cổ, đã được trồng lâu đời ở các vùng núi cao của Việt Nam, thuộc các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Lạng Sơn. Nó cũng được trồng ở những nơi có khí hậu mát và ấm ở miền Bắc nước ta.

Đào nhân có vị đắng, ngọt, tính bình; vào kinh tâm, can và tiểu trường. Có tác dụng phá huyết, khử tích trệ, nhuận táo, thông tiện, lợi tiểu. Dùng sống trị kinh nguyên bế tắc, sinh hòn cục, bụng dưới đầy, đau, vấp ngã ứ huyết; dùng chín thì hoạt huyết, chữa đại tiện khó đi huyết táo, ngày dùng 6-12g, dạng thuốc sắc. Đào nhân còn dùng chữa ho như hạt mơ. Kiêng kỵ: Không có ứ trệ, phụ nữ có thai không nên dùng. Lá đào có vị đắng, tính bình, có tác dụng làm tan kết tụ và giảm đau. Ngoài ra, còn có tác dụng lợi tiểu mạnh. Thường dùng sắc nước hoặc vò lấy nước tắm ghẻ, sưng ngứa, chốc lở, xát và ngâm chữa đau chân. Lá đào còn có tác dụng diệt khuẩn, tẩy và diệt giun. Hoa đào có khi cũng được dùng làm thuốc thông tiểu và tẩy, dùng chữa thủy thũng, bí đại tiện, ngày dùng 3-5g hãm uống. Nhựa tiết ra từ cây đào dùng trị đái ra dưỡng trấp, đái đường.

PHẠM THÀNH NGHI (st)
;
.
.
.
.
.