Theo quan điểm của dinh dưỡng y học cổ truyền, không phải loại cháo nào cũng thích hợp trong mùa hè. Bởi lẽ, ngoài gạo ra, các thực phẩm hoặc dược liệu kèm theo phải làm mát cơ thể và dễ hấp thu, dễ tiêu. Có loại cháo khá đặc biệt nhưng còn rất ít người biết đến, đó là cháo lá sen.
Cách làm: Lá sen tươi một tàu, rửa sạch, thái vụn, sắc lấy nước bỏ bã (nếu không có lá tươi thì lấy lá khô, nhưng trước khi dùng phải ngâm nước cho mềm). Gạo tẻ 100g, có thể thêm đậu xanh 30g (để tăng sức thanh nhiệt, giải độc), cho vào nấu nhừ, thêm lượng đường trắng vừa đủ. Chia ăn vài lần trong ngày. Cũng có thể cho gạo vào nồi nấu thành cháo trước, sau đó dùng lá sen đã cắt bỏ cuống và diềm mép lá đậy lên mặt cháo, tiếp tục đun cho đến khi mùi thơm của lá sen thấm đượm vào cháo là được. Hoặc đơn giản dùng lá sen rửa rạch chần qua nước sôi, lót dưới đáy nồi rồi đổ cháo đang sôi lên trên, đậy kín nắp trong 5 phút, sau đó bỏ lá sen ra, chế thêm đường là được. Nếu có đậu xanh thì ninh đậu trước, khi chín, cho gạo và lá sen vào nấu thành cháo loãng, chế thêm đường, chia ăn vài lần trong ngày.
Ngoài ra lá sen còn có tác dụng làm giảm cholesterol máu rõ rệt. Đối với những người béo phì, mỗi ngày hãm 9g lá sen thay trà liên tục trong 3 tháng có tác dụng giảm béo khá tốt. Kinh nghiệm dùng lá sen hãm uống thay trà hoặc uống tro lá sen để phòng chống béo phì, làm cho thân hình thon thả, gọn đẹp đã được người xưa biết đến từ rất lâu và ghi lại trong các y thư cổ.
Như vậy có thể thấy, tuy rất giản đơn trong cấu trúc, giản dị trong cách chế, cách dùng nhưng món cháo lá sen rất có ý nghĩa trong những ngày thời tiết nắng nóng. Nó cũng có vị trí khá đặc biệt đối với cuộc sống hiện đại khi nhiều người do ăn quá nhiều đồ bổ béo và lười vận động thể lực, đang lo sợ trước căn bệnh béo phì và tình trạng rối loạn lipid máu, một hội chứng có tính nền tảng để tạo nên các căn bệnh tim mạch đáng sợ như thiểu năng mạch vành, nhồi máu cơ tim, rối loạn tuần hoàn não...
Q.Khải (st)