.

Rau dớn - hương vị Trường Sơn

.

Rau dớn thuộc họ quyết, lớn hơn cây dương xỉ, cành dài lá nhỏ xòe trên đầu cây như tán một cái ô rộng lớn; có gốc đen màu cơm cháy, từ trên ngọn cây mọc lên hai, ba cái cần, có cái dài tới nửa mét, đầu cong như vòi voi.

Rau dớn không có ở đồng bằng, chỉ có ở vùng núi - nơi bờ suối, bờ khe, dưới các tán rừng thấp nơi có độ ẩm ướt cao. Hằng năm, các trận lụt đầu mùa với dòng nước đục ngầu từ thượng nguồn đổ về mang theo phù sa bón cho đám rau dớn thêm phần tươi tốt và chuẩn bị cho một chu kỳ sinh chồi, nảy lộc theo mùa xuân sắp về. Vì thế, rau dớn ăn ngon nhất là sau mùa lụt đến cuối mùa xuân.

Hái rau dớn, chỉ việc dùng tay ngắt những ngọn cọng non như cái “vòi voi” dài khoảng 1 gang  tay cho vào bao là xong. Rau dớn tươi hái về rửa sạch, chần sơ qua nước sôi và vớt ra để ráo. Khử dầu phụng với tỏi giã dập, khi khe mùi thơm bốc khói là cho rau dớn vào đảo đều 5 phút và bắc xuống nêm đường, mì chính, tương ớt, hạt tiêu, nước chanh tươi, đậu phụng rang giã dập... và gắp ra đĩa. Bạn sẽ được thưởng thức món ăn vừa dòn, vừa có vị ngọt, chua… phản phất mùi hương rừng cỏ nội hòa quyện vào nhau.

Rau dớn là loại rau chính ăn trong mùa xuân của đồng bào Cơtu và người dân quê tôi. Vào những ngày cuối năm, dù bận rộn đến mấy, người Cơtu cũng tranh thủ vào rừng hái rau dớn về để dành ăn trong dịp Tết. Có vùng, đồng bào lấy rau dớn chần qua nước muối và làm nhân bánh tét để khi “tét” bánh  ra có màu xanh non điểm xuyết trong lát bánh tét nấu bằng nếp hương trắng ngần, trông rất đẹp mắt. Ngoài ra, theo các thầy thuốc, rau dớn có tính mát, lợi tiểu, chống táo bón, làm ngưng các cơn đau âm ỉ do viêm đại tràng, và giúp dễ ngủ, ngủ sâu; giúp cơ thể khỏe mạnh.

KHÁNH LOAN

;
.
.
.
.
.