.

Nỗi khổ không nhà

.

Sau khi Báo Đà Nẵng đăng bài “Đà Nẵng: Những căn hộ siêu chật” (ngày 14 và 15-12-2010), phản ánh nỗi khổ của những gia đình nghèo ở trung tâm thành phố có 3-4 thế hệ cùng sống chen chúc trong những căn nhà siêu chật, chúng tôi đã nhận được một số đơn thư của người dân phản ánh cảnh không nhà, phải đi ở nhờ với trăm nỗi trần ai...

Mô tả ảnh.
Hoàn cảnh quá bi đát, gia đình bà Nguyễn Thị Liên phải ra vỉa hè dựng lều để ở.
Ở nhờ trên vỉa hè

Trên vỉa hè đường Phạm Ngọc Thạch, bên hông dãy nhà 2 - Khu chung cư Thuận Phước, có một cái lều che tạm bằng mấy cọc sắt và tấm nilon rộng, 2 năm qua vừa làm nơi bán bánh xèo, bánh mỳ, cà-phê sáng lặt vặt, vừa làm nơi tá túc của 7 người - 3 thế hệ gia đình bà Nguyễn Thị Liên (SN 1953, thường trú phường Thuận Phước). Tìm hiểu lý do bà phải sống nhờ trên vỉa hè mặc dầu phường đã nhiều lần vận động bà vào ở nhà thuê để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản, an sinh xã hội, vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị, chúng tôi khá ngỡ ngàng về hoàn cảnh bi đát, cùng cực của gia đình nghèo này.

Chồng mất năm 1994, bà Liên một nách tần tảo nuôi 5 con đang độ lớn. Năm 2000, ngôi nhà dựng cạnh cảng cá Thuận Phước, nơi tá túc của 6 mẹ con bà phải giải tỏa để thực hiện dự án đường Liên Chiểu – Thuận Phước. Nhận được một ít tiền đền bù, hỗ trợ và bố trí 2 phòng ở (Phòng 102 và 206) ở dãy nhà 1, khu chung cư Thuận Phước, những tưởng gia đình bà Liên từ nay đổi đời, nhưng không ngờ mọi biến cố bắt đầu từ đây, đến nỗi 2 năm nay phải ra vỉa hè che tấm nilon để ở. Năm 2001, người con trai đầu là Trần Ngọc Quang (SN 1974) bị bệnh hiểm nghèo giai đoạn cuối.

Hơn 100 triệu đồng vốn liếng dành dụm, làm quần quật, vay mượn đã đội nón ra đi, bà với các con đã quyết định bán Phòng 102 được 18 triệu đồng để thuốc thang, mong Quang sống thêm ít ngày. Nhưng khi số tiền này vừa hết thì Quang cũng trút hơi thở cuối cùng… Năm 2006, anh con trai Trần Ngọc Ánh (SN 1975) bị chấn thương sọ não do tai nạn giao thông. Tiền phẫu thuật, thuốc thang chạy chữa cho anh Ánh đã ngốn hơn 50 triệu đồng vẫn chưa ăn thua, gia đình bà quyết định bán căn phòng còn lại được 60 triệu đồng. Thật may, vừa đủ để anh qua khỏi, lành lặn, nay đang thuê nhà ở tại quận Sơn Trà, ngày ngày cùng vợ quần quật chèo thuyền, vận chuyển cá thuê từ tàu đánh cá vào cảng cá Thọ Quang để nuôi 3 con ăn học.

Ở trong ngôi lều nilon trên vỉa hè đường Phạm Ngọc Thạch cùng với bà Liên từ cuối năm 2008 đến nay, có cô con gái là Trần Thị Đạt (SN 1981, làm nghề phục vụ quán ăn) lấy chồng sinh được 2 con thì bị chồng bỏ do nhà quá nghèo và hoàn cảnh quá bi đát. Hiện 2 cháu Trần Thị Huỳnh Như và Trần Hoàng Long đang học tại Trường tiểu học Võ Thị Sáu có nguy cơ phải bỏ học vì cả gia đình chưa lo đủ miếng ăn, nói gì đến chuyện nộp tiền cho 2 cháu học. Cách đây hơn 1 tháng, vợ của anh Trần Ngọc Hạnh (SN 1989, làm thợ đụng) không chịu nổi cảnh nghèo đã giao lại đứa con nhỏ vừa sinh ra cho gia đình bà Liên nuôi dưỡng. Nay, ngày ngày bà Liên đóng cửa quán do tháng trước lo cho con dâu sinh nở đã hết vốn, vừa chăm đứa cháu nội 1 tháng rưỡi thiếu sữa mẹ, vừa ho hen liên tục bởi đang mang trong mình căn bệnh sỏi mật hành hạ mấy năm nay không có tiền chữa bệnh. Còn các con của bà đi làm thuê, làm mướn kiếm ít đồng nuôi các cháu. Tối về, cả bà, bố, mẹ, dì và 3 cháu cùng chia nhau ngủ trên 1 chiếc xe bò tận dụng làm giường, 1 giường xếp, 1 bàn gỗ.

Đảng ủy, UBND phường Thuận Phước và quận Hải Châu vận động gia đình bà Liên không dựng lều tạm ở trên vỉa hè đường Phạm Ngọc Thạch quan tâm hỗ trợ 1 tháng tiền thuê nhà. Tuy nhiên, sau đó gia đình bà Liên lại về ở trên vỉa hè vì không có tiền thuê nhà. Theo ông Nguyễn Dũng Sĩ, Chủ tịch UBND phường Thuận Phước, phường và quận đã có kiến nghị Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh thành phố, nhưng không được giải quyết vì lý do thành phố đã cấp 2 căn hộ chung cư khi giải tỏa dự án đường Liên Chiểu – Thuận Phước nhưng đã bán đi. Phường sẽ vận động và chi trả trực tiếp 3 tháng tiền thuê nhà từ nay đến sau Tết Tân Mão cho gia đình bà Liên ở, sau đó rồi bàn tính tiếp. Về lâu dài, kiến nghị Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh thành phố xét cấp 1 căn hộ liền kề cho hộ bà Liên, đồng thời qua kênh thông tin báo chí, các cơ quan chức năng, các nhà hảo tâm quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện ăn học, việc làm cho các con và cháu của bà.

Cực quá ở nhờ

 

Theo ông Bùi Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND quận Hải Châu, ngay sau khi Báo Đà Nẵng đăng loạt bài “Đà Nẵng: Những căn hộ siêu chật”, UBND quận đã chỉ đạo các phường rà soát, thống kê các hộ có nhà ở siêu chật. Quận cũng đã nhận được thông tin về trường hợp gia đình bà Nguyễn Thị Liên chiếm dụng vỉa hè đường Phạm Ngọc Thạch che lều ở do phường Thuận Phước báo cáo, quận đang đề nghị Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh thành phố xét cấp 1 căn hộ liền kề cho hộ bà Liên để bảo đảm an sinh xã hội, trật tự, mỹ quan đô thị.    

Trong đơn, thư gửi đến Báo Đà Nẵng, ông Phạm Công Tâm (SN 1965, thường trú tổ 32, phường Thạc Gián, quận Thanh Khê, bộ đội Đoàn B75 phục viên) phản ánh, ngôi nhà số 53 đường Trần Tống, gia đình ông đang ở chỉ rộng 50m2 song có đến 13 người, 3-4 thế hệ cùng chung sống. Riêng vợ chồng ông và 2 đứa con, cách đây 2 năm đã phải đi ở nhờ nhà bạn vì ở trong căn phòng 10m2 quá chật, nhà quá đông người. Ở nhờ được 1 năm thì bạn bán nhà, vợ chồng ông cùng 2 con phải đi ở nhờ nhà bà con trên đường Nguyễn Chánh.

Ông Tâm làm phụ xe tải, lương chưa đầy 2 triệu đồng/tháng, thường xuyên phải ngủ trên xe của công ty, nhường chỗ ngủ cho vợ và con. Vợ ông do chỗ ở không ổn định và chăm con nhỏ đang học lớp 1, bị bệnh hen suyễn nặng nên không làm lụng được gì, còn con gái là Phạm Thị Thùy Trang đang học lớp 11, Trường THPT Nguyễn Hiền cũng đi lại, học tập khá vất vả. Ông Tâm tâm sự: “Thuê phòng trọ ở thì sợ không đủ tiền nuôi con ăn học nên phải đi ở nhờ, cực quá! Nghe thành phố có chủ trương xây nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn thuê ở, mong thành phố cứu xét cho gia đình tôi thuê một căn hộ chung cư để có chỗ ở ổn định, cho con cái được học hành tử tế”.

Bài và ảnh: Hoàng Hiệp

;
.
.
.
.
.