.

Lưu giữ và tôn tạo cầu Nguyễn Văn Trỗi, một tin vui

.

Báo Đà Nẵng số ra ngày thứ năm, 2-2-2012 đưa tin: Nhân dịp đầu xuân Nhân Thìn, ông Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố đi kiểm tra thực tế tiến độ thi công các cây cầu mới qua sông Hàn, đã có một quyết định làm nức lòng người dân Đà Nẵng, nhất là những người quan tâm đến di sản văn hóa-lịch sử của quê hương - đó là việc ông không cho phá vỡ mà yêu cầu lưu giữ, tôn tạo cầu Nguyễn Văn Trỗi, cây cầu gắn liền với lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hào hùng của quân và dân Đà Nẵng.

Cầu Nguyễn Văn Trỗi.                                                                         (ảnh tư liệu)
Cầu Nguyễn Văn Trỗi. (ảnh tư liệu)

Khi những tên lính viễn chinh Mỹ đầu tiên đổ bộ lên đất Đà Nẵng vào đầu tháng 2 năm 1965, mở đầu chiến tranh cục bộ, ồ ạt xâm lược Việt Nam, đế quốc Mỹ đổ tiền của xây dựng Đà Nẵng thành căn cứ liên hợp quân sự hải-lục-không quân lớn nhất miền Nam. Có thời điểm quân Mỹ và chư hầu chiếm đóng tại Đà Nẵng lên đến 100.000 quân, với quyết tâm đè bẹp phong trào cách mạng ở một địa bàn xung yếu nhất trên chiến trường miền Nam.

Xuân Mậu Thân 1968, sau cuộc tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân Đà Nẵng đánh vào các căn cứ yết hầu của Mỹ-ngụy ở nội ô, bến cảng, sân bay… gây cho địch nhiều tổn thất nặng nề, Mỹ gấp rút xây dựng một cây cầu mới bắc qua sông Hàn – cách cây cầu đường sắt 20m về phía hữu ngạn, thời đó mang tên Trịnh Minh Thế, do người Pháp xây dựng vào năm 1950 - nhằm tăng cường năng lực vận chuyển hậu cần cho binh lính Mỹ.

Cầu có kết cấu hoàn toàn bằng thép, nhịp cầu bằng thép ống lớn với hình dáng cầu vồng khá đẹp mắt, được đúc sẵn từ một nhà máy ở Mỹ chuyển sang lắp dựng. Sau ngày giải phóng, chính quyền cách mạng đổi tên là cầu Nguyễn Văn Trỗi.

Sau 37 năm giải phóng, Đà Nẵng có tốc độ đô thị hóa khá nhanh, những di tích lịch sử gắn liền với những chiến công hiển hách trong kháng chiến chống Mỹ, làm nên một thành phố được phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, có nguy cơ dần mai một. May thay một cây cầu là nhân chứng sống của “hiện vật chiến tranh” còn nguyên vẹn trên sông Hàn lịch sử và thơ mộng, được người lãnh đạo cao nhất của thành phố cho giữ lại.

Có một tấm ảnh lịch sử chiến tranh đang trưng bày tại Bảo tàng Đà Nẵng chụp đoàn xe tăng và bộ binh quân Giải phóng tiến vào Đà Nẵng ngày 29-3-1975 từ cửa ngõ phía Đông băng qua cây cầu này, không lẫn vào đâu được trên đất nước ta. Đó là những hiện vật quý giá nhằm giáo dục truyền thống cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Mong rằng cầu Nguyễn Văn Trỗi được trùng tu tôn tạo với hình dáng nguyên gốc, mặt cầu lót bằng gỗ ván, thành cầu sơn màu xanh ô-liu và chỉ dành riêng cho người đi bộ và du khách tham quan. Điều không thể thiếu nữa là lập hồ sơ xếp hạng và gắn bia di tích lịch sử cho cây cầu.

Một cây cầu lịch sử nằm bên một cây cầu hiện đại làm cho Đà Nẵng càng đẹp hơn trong mắt mọi người.

PHƯỚC HÀ
 

;
.
.
.
.
.