.

Kiến nghị đắp đập ngăn mặn trên sông Cầu Đỏ

.

Trước tình hình nhiễm mặn dài ngày ở sông Cầu Đỏ và dự phòng trường hợp nước sông Yên về đập dâng An Trạch cạn kiệt, Công ty TNHH MTV Cấp nước Đà Nẵng (DAWACO) vừa đề xuất UBND thành phố và Sở Xây dựng cho phép nghiên cứu đánh giá chi tiết phương án đắp đập ngăn mặn trên sông Cầu Đỏ để chủ động khai thác nước sông Túy Loan cấp nước sinh hoạt cho người dân thành phố.

Từ thành công và hiệu quả kịp thời của việc đắp đập ngăn mặn, giữ ngọt trên sông Vĩnh Điện, DAWACO kiến nghị đắp đập ngăn mặn trên sông Cầu Đỏ để chủ động nguồn nước thô sản xuất nước sinh hoạt.
Từ thành công và hiệu quả kịp thời của việc đắp đập ngăn mặn, giữ ngọt trên sông Vĩnh Điện, DAWACO kiến nghị đắp đập ngăn mặn trên sông Cầu Đỏ để chủ động nguồn nước thô sản xuất nước sinh hoạt.

Theo ông Nguyễn Trường Ảnh, Giám đốc DAWACO, trong trường hợp nước sông về An Trạch cạn kiệt, cần khai thác thêm nước sông Túy Loan cho các nhà máy nước hoạt động. Trước mắt, có thể đắp đập tạm bằng đất băng qua sông Cầu Đỏ tại vị trí sau cửa thu nước sông của Nhà máy nước Cầu Đỏ (tính từ phía thượng lưu). Đập tạm này có kết cấu bằng đất đỏ và đóng cọc cừ larsen với khối lượng đất đắp khoảng 11.000m3, thi công trong 15-20 ngày, kinh phí từ 5 - 7,5 tỷ đồng… và sẽ phá vào mùa mưa để thoát lũ, nên chỉ triển khai xây dựng trong trường hợp khẩn cấp.

Trong khi đó, theo thống kê của DAWACO, tính từ đầu năm 2013 đến nay, có 115 ngày nước sông Cầu Đỏ bị nhiễm mặn gần như liên tục, cả 6 máy bơm của Trạm bơm phòng mặn An Trạch vận hành gần 8.000 giờ, đưa 15,2 triệu m3 nước thô về sản xuất nước sinh hoạt. Chi phí sản xuất nước sinh hoạt do vận hành trạm bơm này đã tăng hơn 7,63 tỷ đồng (trong đó, tiền điện là 3,41 tỷ đồng, tiền mua nước thô là 4,22 tỷ đồng, chưa kể tiền nhân công, sửa chữa, bảo dưỡng máy bơm…), trội hơn chi phí xây dựng một đập tạm ngăn mặn trên sông Cầu Đỏ. Còn trong năm 2012, với 87 ngày nước sông Cầu Đỏ nhiễm mặn nặng, chi phí sản xuất nước trội thêm hơn 4,5 tỷ đồng.

Cũng theo ông Nguyễn Trường Ảnh, hiện nguồn nước tại thượng lưu đã có thay đổi do suy kiệt nguồn nước, biến đổi khí hậu, lượng mưa giảm trên diện rộng. Lượng nước từ sông Yên về sông Cầu Đỏ phụ thuộc hoàn toàn vào việc vận hành các hồ chứa thủy điện trong hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn, không còn phụ thuộc đơn thuần vào chế độ bán nhật triều như trước đây. Về lâu dài, do điều kiện nguồn nước suy kiệt, tình trạng nhiễm mặn có khả năng xảy ra liên tục trong năm, có thể xây dựng một đập ngăn mặn vĩnh cửu ở phía sau vị trí thu nước tại Nhà máy nước Cầu Đỏ. Đập có kết cấu mềm, cho nước tràn qua thân đập vào mùa lũ và tự động đóng lại để ngăn mặn, giữ ngọt cho các nhà máy lấy nước sản xuất nước sinh hoạt với kinh phí đầu tư khoảng từ 80-100 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Trường Ảnh cho hay: “Phương án này có ưu điểm là thu thêm được nguồn nước từ sông Túy Loan, giảm chi phí sản xuất nước (so với bơm nước về từ Trạm bơm phòng mặn An Trạch), ổn định nguồn nước và an toàn cho hệ thống cấp nước. Tuy nhiên, phương án này có thể có một số hạn chế như: ảnh hưởng đến việc thoát lũ, giao thông đường thủy và chi phí đầu tư xây dựng lớn. Vì vậy, để quyết định đầu tư cần phải có nghiên cứu đánh giá chi tiết, DAWACO đề nghị Sở Xây dựng báo cáo UBND thành phố cho chủ trương triển khai nghiên cứu”.  

Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP

;
.
.
.
.
.