Sau khi Báo Đà Nẵng ngày 1-10 và 4-10 đăng các bài viết phản ánh một số cửa hàng xăng dầu (CHXD) có vị trí ở cạnh các trường học, nhiều bạn đọc tiếp tục gửi đơn, thư đến Báo, phản ánh thêm một số CHXD cạnh trường học, bệnh viện, trụ sở UBND phường, đồng thời kiến nghị di dời những CHXD này hoặc có biện pháp không để xảy ra cháy, nổ.
Cửa hàng xăng dầu Vân Xuân ở sát Trường Trung cấp nghề Giao thông-công chính Đà Nẵng. |
Trong thư gửi đến Báo Đà Nẵng, một bạn đọc tên Hùng ở quận Thanh Khê (hung…@yahoo.com) bày tỏ: “Tôi hoàn toàn đồng ý và nhất trí cao với phản ánh của Báo Đà Nẵng về sự tồn tại của các CHXD nằm sát trường học gây nguy hiểm cho học sinh. Nhân đây, tôi phản ánh một CHXD cũng không kém phần nguy hiểm và nguy hại đến sức khỏe nhiều người. Đó là CHXD ở số 14 Nguyễn Tri Phương của Công ty TNHH TM&DVTH Hòa Khánh hiện tọa lạc sát trụ sở UBND phường Chính Gián (quận Thanh Khê). Hằng ngày, CHXD này nhập xăng từ các xe bồn, gây mùi xăng nồng nặc, nhất là các ngày nắng nóng, dễ xảy ra cháy, nổ và mất an toàn cho đông đảo người dân, cán bộ, hưu trí… đến giao dịch, làm việc tại UBND phường Chính Gián. Đề nghị cơ quan chức năng có biện pháp di dời CHXD này để bảo đảm vệ sinh môi trường, tính mạng, tài sản, an ninh chính trị đối với cơ quan Nhà nước và trong khu dân cư”.
Cùng tâm trạng bức xúc và lo lắng về an toàn tính mạng của đông đảo người dân khi xảy ra sự cố cháy nổ, nhiều bạn đọc đã gửi đơn, thư phản ánh thêm một số CHXD cạnh trường học, bệnh viện là: CHXD Vân Xuân ở ngã tư đường Nguyễn Hữu Thọ - Trịnh Đình Thảo, CHXD số 8 ở ngã tư đường Quang Trung - Đống Đa, CHXD Total ở số 405 Trưng Nữ Vương… Bởi lẽ, chỉ riêng trong năm nay, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 2 vụ cháy, nổ CHXD.
Theo Đại tá Nguyễn Huy Phong, Trưởng phòng Hướng dẫn về phòng cháy thuộc Sở Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy (PCCC) thành phố Đà Nẵng, vào tháng 7 và 8-2013, Sở Cảnh sát PCCC và Sở Công thương cùng UBND các quận, huyện kiểm tra kỹ càng tất cả CHXD trên địa bàn thành phố và thống nhất các yêu cầu khắc phục, ý kiến đánh giá về công tác PCCC.
Theo đó, đối với các CHXD mà bạn đọc phản ánh nêu trên, đoàn kiểm tra đã có kết luận và yêu cầu rất cao về công tác bảo đảm an toàn PCCC. Cụ thể, CHXD Vân Xuân (của Công ty TNHH Vân Xuân), cần lắp đặt thiết bị phòng nổ cho các biển quảng cáo đặt phía trên cột bơm và bộ dập lửa, bọc cách nhiệt cho ống khói máy phát điện dự phòng, trang bị bổ sung phương tiện và dụng cụ chữa cháy… Đối với CHXD Total số 405 Trưng Nữ Vương (của Công ty LDTTDV Total Việt Nam), tuy đoàn kiểm tra kết luận là cửa hàng mới được xây dựng vào năm 2012, có cơ sở vật chất, trang thiết bị hoàn chỉnh đạt TCVN 4530:2011, có vị trí thông thoáng, an toàn, nhưng phải thường xuyên tự tổ chức kiểm tra, duy trì các điều kiện bảo đảm an toàn PCCC và quản lý chặt chẽ các dạng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt, hệ thống điện, thiết bị tiêu thụ điện, đề phòng chạm, chập gây cháy và cháy lan. CHXD số 8 ở ngã tư đường Quang Trung - Đống Đa (của Công ty TNHH MTV Xăng dầu khu vực 5) có cơ sở vật chất, trang thiết bị hoàn chỉnh, đạt TCVN 4530:2011 nhưng cần xem xét lại khi có sự cố cháy, nổ do vị trí cửa hàng đối diện với Trung tâm cấp cứu thuộc Bệnh viện Đà Nẵng.
CHXD số 14 Nguyễn Tri Phương giáp các bờ tường rào của UBND phường Chính Gián, Công ty Kinh doanh sắt thép Lập Thịnh và sân bay Đà Nẵng, cần lắp đặt hệ thống chống sét tại công trình theo đúng quy định; di dời và vệ sinh các vật liệu dễ cháy, di chuyển máy phát điện ra khỏi khu vực bồn, bể chứa xăng đầu và cụm van thở, bảo đảm khoảng cách và điều kiện an toàn PCCC theo quy định tại TCVN 4530:2011; gắn biển cấm hút thuốc lá; quản lý chặt chẽ các dạng nguồn lửa, nguồn nhiệt, hệ thống điện, đề phòng chạm, chập gây cháy và cháy lan; thường xuyên kiểm tra, duy trì liên tục các điều kiện bảo đảm an toàn PCCC…
Trước đó, ngay sau khi xảy ra vụ cháy CHXD Hoàng Tiến ở số 543 Cách mạng Tháng Tám vào tối 20-2-2013 làm 4 ô-tô cháy rụi, Sở Cảnh sát PCCC đã có công văn yêu cầu lãnh đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn thành phố không sử dụng khuôn viên CHXD làm bãi trông giữ ô-tô hoặc đậu đỗ, sửa chữa ô-tô, nhận và trung chuyển hàng hóa dưới mọi hình thức; quản lý chặt nguồn lửa, nguồn nhiệt trong quá trình xuất, nhập xăng dầu. Đặc biệt, cần nâng cao ý thức tự giác của cán bộ, nhân viên, khách hàng trong việc sử dụng lửa, điện thoại di động và các thiết bị, vật dụng, chất có khả năng phát sinh tia lửa tại các khu vực cấm…
Để khắc phục và phòng tránh các vụ nổ tương tự từng xảy ra tại CHXD Total số 172 Nguyễn Chí Thanh, Đại tá Nguyễn Huy Phong cho rằng: “Nổ xảy ra ở cụm van thở do hơi xăng dầu tích tụ nhiều ở phòng chứa van (hộp khá kín) dẫn đến nổ. Tất cả CHXD đã có giải pháp và thực hiện khắc phục việc này. Hiện tượng nổ ở xăng dầu là nổ hỗn hợp hơi xăng dầu và không khí tích tụ do trong bồn, bể chứa còn chỗ trống hoặc xăng dầu chảy xuống hệ thống cống ngầm và tích tụ hơi ở khu vực trũng, kín, dẫn đến nổ tức thời để giải phóng áp suất. Hiện tượng nổ xăng dầu ít xảy ra và các doanh nghiệp đều đã có giải pháp khắc phục”.
Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP