.

Trạm bơm dã chiến "ngáng" đường hơn 10 năm

.

Trạm bơm chống hạn ở thôn Phong Nam (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang) được xây dựng từ năm 2001-2002 để phục vụ tạm thời cho cánh đồng Công Nông từ 1-2 vụ.

Trạm bơm chống hạn Phong Nam xả thẳng nước tràn đường, ảnh hưởng đến giao thông trong khu vực.
Trạm bơm chống hạn Phong Nam xả thẳng nước tràn đường, ảnh hưởng đến giao thông trong khu vực.

Trạm bơm này trong quá trình xây dựng và hoạt động đã lấn chiếm vỉa hè, lòng đường; bơm thẳng nước ra đường rồi mới đổ xuống đường ống dẫn nước ra đồng, ảnh hưởng việc lưu thông của người và phương tiện trong khu vực.

Một số người dân thôn Phong Nam cho biết, trạm bơm được đặt sát mé đường (trên vỉa hè), vòi xả nước đặt lồi ra, lấn lòng đường khoảng 20cm và nước xả trực tiếp xuống lòng đường. Đơn vị quản lý trạm bơm xây con lươn bằng gạch chắn ngang giữa đường để không cho nước tràn ra rộng rãi, nước bơm được gom vào ống cống thoát nước thuộc dự án khu dân cư (KDC) Phong Nam, từ đó dẫn ra kênh dẫn nước đổ ra đồng. Tình trạng này không chỉ làm mặt đường ngập nước cục bộ, ảnh hưởng đến hoạt động giao thông mà còn làm hỏng đường.

Phóng viên Báo Đà Nẵng đã có mặt tại trạm bơm này để ghi nhận thực tế. Theo đại diện Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Đà Nẵng (gọi tắt là Công ty Thủy lợi Đà Nẵng), trước đây, cánh đồng Công Nông của thôn Phong Nam được tưới nước từ tuyến kênh thủy lợi KN11 dẫn từ trạm bơm Bích Bắc (Điện Hòa, tỉnh Quảng Nam).

Năm 2000, dự án KDC Phong Nam được quy hoạch, triển khai, trong đó đoạn cuối tuyến kênh KN11 nằm trong dự án. Thực hiện chủ trương thu hồi đất theo quy hoạch của thành phố, Công ty Thủy lợi Đà Nẵng đã bàn giao đoạn kênh thuộc dự án để san lấp, bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư, tuyến kênh KN11 ngừng dẫn nước về tưới cánh đồng Công Nông.

“Trước thực trạng trên, vụ đông xuân 2001-2002, Hợp tác xã nông nghiệp 1 Hòa Châu và UBND xã Hòa Châu yêu cầu Công ty Thủy lợi Đà Nẵng khảo sát, kiểm tra địa điểm xây dựng một trạm bơm dã chiến để phục vụ tưới nước chống hạn cho cánh đồng Công Nông. Trạm bơm dã chiến này dự kiến chỉ hoạt động từ 1-2 vụ mùa, chờ quy hoạch dự án thu hồi hết diện tích đất toàn bộ cánh đồng. Trạm bơm được xây dựng, sau đó dự án có điều chỉnh, cánh đồng lúa được tồn tại và trạm bơm tiếp tục hoạt động phục vụ cho hơn 10ha lúa”, ông Trương Văn Lân, Giám đốc Công ty Thủy lợi Đà Nẵng cho biết.

Lý giải nguyên nhân vì sao sau khi dự án “án binh bất động”, cánh đồng lúa tiếp tục… sản xuất lúa, trạm bơm dã chiến tiếp tục hoạt động theo nguyên trạng mà không được kiên cố hóa, khắc phục, ông Trương Văn Lân nói rằng, do khu vực này trước đây chưa có người ở nên không tác động gì nhiều đến hoạt động sinh hoạt của người dân và chưa có ai ý kiến phản ánh.

“Hiện nay, để đầu tư trạm bơm mới cố định, kinh phí dự kiến không dưới 2 tỷ đồng, công ty không thể đáp ứng được. Mặt khác, hiện dự án trong khu vực còn hiệu lực hay không, công ty cũng không nắm rõ. Trường hợp có kinh phí đầu tư trạm bơm mới, làm xong thì dự án triển khai, thu hồi đất ở cánh đồng Công Nông, đồng nghĩa trạm bơm cũng bị xóa sổ, coi như tiền mất, trạm bơm cũng mất”, ông Lân nói.

Được biết, sau khi có phản ánh từ dư luận và người dân, Công ty Thủy lợi Đà Nẵng và UBND xã Hòa Châu cùng các cơ quan chức năng đã kiểm tra, làm rõ vấn đề, cùng tìm hướng khắc phục.

Theo đó, trạm bơm dã chiến sẽ tiếp tục tồn tại, vòi bơm được hạ xuống, làm âm theo đường ống dẫn qua lòng đường, đấu nối vào hệ thống thoát nước trong KDC dẫn ra kênh tưới nước ở đồng lúa. Trước ngày 3-9, công ty sẽ hoàn trả mặt bằng lòng đường và tiến hành hạ ống nước.

Một đại diện Công ty Thủy lợi Đà Nẵng thừa nhận trạm bơm chống hạn Phong Nam có nhiều bất cập, nhất là phần tuyến dẫn nước từ trạm ra kênh nội đồng còn phải “mượn” hệ thống cống thoát nước trong KDC Phong Nam. “Nếu tồn tại lâu dài, buộc phải làm trạm bơm mới khi KDC Phong Nam đông đúc dân cư”, người đại diện này nói.

Bài và ảnh: TRỌNG HUY

;
.
.
.
.
.