Ôm nợ vì mất mùa dưa

.

Mùa dưa hấu năm nay ở thôn Trường Định, xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang) bị mất trắng. Nông dân trồng dưa rơi vào cảnh trắng tay, đang khốn đốn trước nguy cơ vỡ nợ.

Bà Nguyễn Thị Nở mang mấy quả dưa mót lại từ một mẫu dưa bày bán ở vệ đường.
Bà Nguyễn Thị Nở mang mấy quả dưa mót lại từ một mẫu dưa bày bán ở vệ đường.

Những ngày này, tại cánh đồng dưa thôn Trường Định đìu hiu, thưa thớt người làm. Đang đúng rộ mùa thu hoạch nhưng cả cánh đồng 24ha dưa hấu chỉ rải rác vài người mót dưa mang ra đường bán lẻ.
Bà Nguyễn Thị Nở trồng một mẫu dưa, đến nay chỉ mót được khoảng ít tạ dưa, bán chưa đến 2 triệu đồng. Bà Nở cho biết, cùng với diện tích đó, năm ngoái, bà thu về 12 tấn dưa, bán được 60 triệu đồng; trừ chi phí tiền giống, phân bón, điện nước, vẫn lãi hơn 30 triệu đồng. “Từ mờ sáng đến gần trưa như hôm nay, tôi mót được 2 gánh dưa mang ra đây “phơi” để người qua đường ai thương thì mua giúp. Quả dưa năm nay nhỏ bằng nửa năm ngoái. Mất trắng! Nợ tiền phân bón, tiền giống, tiền công làm đất…, chừ không biết lấy gì để trả đây”, bà Nở nói.

Cùng cảnh ngộ, bà Nguyễn Thị Đây trồng 9 sào dưa, trong đó có 2 sào dưa vàng đều bị mất trắng. “Năm ngoái, 2 sào dưa vàng tôi thu lại gần 30 triệu đồng. Năm nay, gần 20 triệu đồng đầu tư vào dưa vàng coi như bỏ trôi sông”, bà Đây than thở. Còn bà Nguyễn Thị Yến trồng một mẫu dưa, giờ chỉ mót được ít dưa mang ra đường bán…

Những người trồng dưa ở đây cho biết, thời điểm này năm ngoái, tuyến đường thôn Trường Định rộn ràng vì trúng mùa dưa. Xe lớn, xe nhỏ vào ra liên tục để thu mua, người dân ai cũng hớn hở, vui mừng. Còn năm nay đìu hiu, lo lắng vì dưa mất mùa, lo vỡ nợ. “Có nhà bán vàng, có nhà vay nóng, còn đa số cầm “sổ đỏ” (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhà ở - PV) để có tiền trồng dưa. Cứ nghĩ sau 2 tháng thu hoạch sẽ có tiền bán dưa để trả nợ thì lấy lại sổ. Ai ngờ năm nay mất trắng”, bà Đây nói.

Theo bà Phan Thị Thục, Phó thôn Trường Định, hơn 90% trong tổng diện tích 24ha dưa hấu bị mất trắng. Năm 2016, có 40 hộ trồng dưa với 18ha, năm nay tăng lên 24ha với 97 hộ trồng. Hiện thôn đã lập danh sách các hộ bị thiệt hại gửi lên chính quyền, mong nhận được sự hỗ trợ phần nào để động viên tinh thần người dân trong năm tới không bỏ vụ. Ước tính thiệt hại năm nay khoảng trên 2 tỷ đồng.
Theo ông Ngô Thành Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Liên, do thời tiết mưa kéo dài nên dưa hấu bị hư hỏng, còi cọc và thối rễ. Xã đã báo cáo với UBND huyện để chờ quyết định hỗ trợ thiệt hại cho người dân trồng dưa.

Xung quanh việc người dân “tố” đường điện dẫn ra đồng phục vụ tưới nước cho dưa đã bị hỏng từ đầu mùa, nhiều lần người dân phải tự bỏ tiền chung nhau thuê thợ sửa, cũng là một phần tác động đến việc hạn chế phát triển cây dưa, ông Tâm khẳng định ngay từ đầu mùa đã bỏ ra 21 triệu đồng để sửa chữa đường điện. Và chính ông Tâm nói rằng, đến nay đường điện đã hư hỏng hoàn toàn (!).

Đối với chính sách hỗ trợ người trồng dưa của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, ông Tâm cho biết, đã hỗ trợ 130 triệu đồng tiền giống, tương đương 13ha trong tổng số 24ha diện tích trồng dưa cho người dân. Tuy nhiên, theo người dân, chỉ nhận được 3 gói giống (trồng được 2 sào), như vậy 97 hộ tương đương 180 sào, chưa đến 10ha. “Chắc có hộ được hỗ trợ từ 5-7 sào”, ông Tâm nói. Trong khi đó, bà Thục khẳng định, chỉ có bình quân mỗi hộ 3 gói dưa giống mà thôi. Bà Thục cũng ghi nhận, để có tiền trồng dưa, rất nhiều hộ đã vay tiền, đến nay dưa mất mùa, nợ nần là khó tránh khỏi.

Bài và ảnh: TRỌNG HUY

;
.
.
.
.
.