Qua đường dây nóng

Dự án chống ngập gây ngập nhà dân

.

Qua “đường dây nóng” của Báo Đà Nẵng, người dân khu vực Bình Hòa (phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ) phản ánh tình trạng mưa gây ngập do nước trên đường bê-tông trong khu vực mới thi công xong không thoát được đã tràn vào nhà.

Nền nhà người dân thấp hơn đường bê-tông nhánh số 3 nên trời mưa dễ gây ngập.
Nền nhà người dân thấp hơn đường bê-tông nhánh số 3 nên trời mưa dễ gây ngập.

Bà Nguyễn Thị Lữ (tổ 36 phường Khuê Trung) có nhà sát đường bê-tông mới, cho biết trận mưa ngày 8-7 vừa qua khiến nước tràn từ đường vào nhà bà, ngập lút nền, gây hư hỏng đồ đạc. Nguyên nhân do đường bê-tông mới hoàn thành thoát nước không tốt nên gây ngập cục bộ.

“Do mặt đường mới làm cao hơn nền nhà dân, cùng với hệ thống thoát nước mặt đường mới không tiêu được nên nước tràn vào. Việc thi công tuyến đường này (thoát nước) rõ ràng có vấn đề”, bà Lữ nói.

Ông Nguyễn Đăng Dương (cạnh nhà bà Lữ) bức xúc cho hay, ngày trước chưa làm đường thì không bị ngập. Sau khi làm đường, mới mưa đầu mùa mà đã ngập khiến người dân trong khu vực lo lắng.

Theo quan sát của phóng viên, đường bê-tông mới nối từ đầu đường Trần Huấn chạy song song với đường Thăng Long qua khu dân cư Bình Hòa mới hoàn thành và đưa vào hoạt động. Cốt nền đường này cao hơn nhà dân hai bên đường; có nơi cao hơn cả mét.

Đa số các hộ dân phải xây gờ cao hơn mặt đường để chắn nước tràn vào khi trời mưa lớn. Sau đợt mưa trong những ngày qua, nhiều nhà bị nước tràn vào ngập hơn 20cm. Một số người dân đã phá các bó vỉa để thoát nước trên đường bê-tông ra khu ruộng rau muống bên cạnh.

“Lỗ thoát nước giữa đường quá nhỏ, lại bị cát sỏi, bê-tông chắn hết lỗ. Mặt đường này thấp hơn đường Trần Huấn và đường gom dưới chân cầu Nguyễn Tri Phương (hai đầu đường bê-tông mới) nên nước từ các phía đổ dồn vào đường bê-tông, gây ngập”, ông Dương nói.

Theo ông Lê Công Đông, Chủ tịch UBND phường Khuê Trung, phường đã tiếp nhận kiến nghị của người dân, đợt mưa ngày 8-7 gây ngập đối với các hộ dọc đường bê-tông mới khu Bình Hòa; phường cũng đã kiểm tra và xử lý nhanh thoát nước, chống ngập.

Đường này được thi công gần 1 năm nay và đã đưa vào hoạt động, nhưng chưa nghiệm thu. Nền nhà các hộ dọc đường bê-tông đều thấp hơn so với mặt đường. Quá trình triển khai dự án, những hộ bị ảnh hưởng đã được hỗ trợ tiền để nâng nền, trong đó có 5 hộ được hỗ trợ tiền nâng nền và 50% giá trị nhà ở.

“UBND phường đã kiến nghị chủ đầu tư và điều hành dự án sớm khoan thông lỗ thoát nước; đồng thời, kiểm tra lại quá trình thi công theo thiết kế cũng như thực tế công trình nhằm thoát nước hiệu quả về lâu dài”, ông Đông cho hay.

Ông Lưu Siêu, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị - đơn vị điều hành dự án, ghi nhận tình trạng ngập như người dân phản ánh.

Theo ông Siêu, đợt mưa đầu mùa, hệ thống thu nước đường Trần Huấn (có độ dốc khá lớn từ đường Cách mạng Tháng Tám xuống đường Thăng Long) hoạt động chưa hiệu quả, trong khi mặt đường bê-tông mới kể trên thấp hơn đường Trần Huấn nên nước đổ dồn vào.

Cùng với đó, hệ thống thoát nước mặt đường bê-tông mới hoạt động chưa hiệu quả do lỗ thoát bị bít lại nhiều, nhà các hộ hai bên đường thấp hơn nền đường nên gây ngập. “Sau khi người dân phản ánh, chúng tôi đã yêu cầu đơn vị thi công khắc phục tình trạng ngập, đến nay cơ bản giải quyết xong. Tuy nhiên, để giải quyết triệt để, cần khơi thông hệ thống thu nước dọc đường Trần Huấn, khoan lỗ thoát trên đường bê-tông mới bảo đảm và người dân sớm nâng nền nhà thì sẽ không còn tình trạng ngập”, ông Siêu nói.

Bài và ảnh: TRỌNG HUY

;
.
.
.
.
.
.