Bạn đọc viết

Không thể xem nhẹ ô nhiễm tiếng ồn

.

Từ lâu, chúng ta nghe nói nhiều đến ô nhiễm không khí, ô nhiễm môi trường..., nhưng ít nghe nói đến ô nhiễm tiếng ồn. Dưới góc độ y học, cường độ của âm thanh ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của con người. Có nhiều loại tiếng ồn không thể tránh được, nhưng mức độ gây khó chịu có thể chấp nhận được và chưa đến mức ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhưng có những trường hợp ô nhiễm tiếng ồn đến mức báo động đối với sức khỏe nhưng chưa được quan tâm một cách nghiêm túc.

Đó là tiếng ồn từ quán nhậu với chương trình ca nhạc tự phát theo kiểu “hát cho nhau nghe”, tiếng ồn từ những chiếc loa kẹo kéo di động của những người bán dạo từ quán nhậu này đến quán nhậu khác - loại hình kinh doanh khá phổ biến, đang phát triển khá nhanh ở Đà Nẵng. Và phổ biến không kém là tình trạng hát karaoke tại gia vang cả xóm bất kể giờ giấc.

Tiếng ồn từ những loại hình nói trên khiến người dân sống ở các khu vực bị ảnh hưởng bức xúc. Không những thế, cả khách du lịch cũng bức xúc. Có những trường hợp khách du lịch ở một vài khách sạn trên địa bàn các quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn đến nơi khác lưu trú do không chịu nổi tiếng ồn từ các quán nhậu lân cận khách sạn, điển hình nhất là khu vực đường Phạm Văn Đồng.

Các quán karaoke trước đây thường bị lên án do độ ồn tạo ra cho các khu dân cư chung quanh, nay do có quy định về cách âm nên tiếng ồn từ những quán này được hạn chế đáng kể. Nhưng giờ đây, phổ biến là tình trạng hát karaoke tại nhà. Nếu ai không may ở gần những “điểm ca nhạc” này thì thật là cực hình. Mọi sinh hoạt, học tập, nghỉ ngơi bị ảnh hưởng. Tiếng nhạc có âm thanh bass nghe đinh tai nhức óc vì nó được mở hết công suất mặc dù cách xa cả trăm mét.

Tại Khoản 2 Điều 37 Luật Bảo vệ môi trường quy định: “Cơ sở sản xuất hoặc kho tàng thuộc các trường hợp sau đây không được đặt trong khu dân cư hoặc phải có khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư: ...gây tiếng ồn, phát tán bụi, khí thải quá tiêu chuẩn cho phép”. Tại Khoản 2 Điều 85 Luật Bảo vệ môi trường quy định: “Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong khu dân cư gây tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bức xạ vượt quá tiêu chuẩn cho phép phải thực hiện biện pháp hạn chế, giảm thiểu không làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, sức khỏe của cộng đồng dân cư”.

Ngoài ra, Điều 12 Nghị định số 117/2009/NĐ-CP ngày 31-12-2009 của Chính phủ về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường quy định: “Tùy thuộc vào mức độ và thời điểm vi phạm, các hành vi gây tiếng ồn vượt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn có thể bị phạt tiền từ 2 triệu đến 100 triệu đồng”. Bên cạnh đó, người vi phạm còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như: tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề cho đến khi thực hiện xong các biện pháp giảm thiểu tiếng ồn đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với các trường hợp vi phạm vượt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 1,5 lần trở lên trong khoảng thời gian từ 6 giờ đến trước 22 giờ hoặc từ 22 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ ngày hôm sau. Nếu gây ô nhiễm nghiêm trọng, người vi phạm còn có thể bị áp dụng hình thức xử lý tạm thời đình chỉ hoạt động, buộc di dời, cấm hoạt động theo các quy định của pháp luật...

Luật quy định là vậy nhưng rất ít thấy việc xử phạt những cơ sở vi phạm, nhất là đối với các tụ điểm, quán nhậu vi phạm. Nếu có chỉ là nhắc nhở hoặc xử phạt hành chính nhưng không xuất phát từ các vi phạm về tiếng ồn vượt quá mức cho phép (theo quy định, không vượt quá 85 decibel (dB) - ngưỡng cường độ âm thanh, nếu vượt qua ngưỡng này sẽ gây tác hại cho thính lực).

Ô nhiễm tiếng ồn là thực trạng đáng báo động hiện nay. Các cơ quan chức năng liên quan cần phối hợp với chính quyền địa phương sớm có biện pháp ngăn chặn, xử phạt nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng trên, bảo đảm cuộc sống và sức khỏe cho người dân, cũng là thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh đô thị, để thành phố Đà Nẵng luôn hài hòa, hấp dẫn, an bình và đáng sống trong mắt du khách.

DÂN HÙNG

;
;
.
.
.
.
.