Hàng rong tràn ra vỉa hè

.

Gần Tết là thời điểm các xe hàng rong tràn xuống đường, tập trung tại các khu vực chung quanh chợ, tạo cảnh nhếch nhác, lấn chiếm lòng lề đường, gây mất an toàn giao thông. Dù lực lượng chức năng liên tục tuần tra, kiểm soát nhưng tình trạng này vẫn chưa được cải thiện.

Tình trạng buôn bán hàng rong diễn ra ngay dưới biển cấm tại khu vực chợ Cồn (quận Hải Châu).
Tình trạng buôn bán hàng rong diễn ra ngay dưới biển cấm tại khu vực chợ Cồn (quận Hải Châu).

Có mặt tại chợ Nại Hiên Đông (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) từ 9-10 giờ các buổi sáng, chúng tôi chứng kiến cảnh buôn bán lộn xộn diễn ra trên tuyến đường Ngô Trí Hòa dẫn vào chợ. Ngay góc ngã ba Ngô Trí Hòa - Trần Thánh Tông là chiếc xe đẩy bán mía để dưới lòng đường.

Đặc biệt, suốt đoạn đường ngắn từ Trần Thánh Tông vào chợ là tràn lan các loại xe đẩy bày bán trái cây, quần áo, hoa; một số người còn bày thau cá, tôm, cua, ghẹ..., tạo cảnh lộn xộn, nhếch nhác, mất vệ sinh. Thậm chí, nhiều người đi chợ dựng hẳn xe máy dưới lòng đường để mua hàng.

Ông Đỗ Văn Bé, Tổ trưởng Tổ quản lý chợ Nại Hiên Đông cho hay, vấn đề này vượt quá thẩm quyền xử lý của tổ. Thời gian qua, UBND phường cũng thường xuyên ra quân bảo đảm trật tự đô thị nhưng việc xử lý gặp trở ngại do hầu hết các hộ dân có nhà mặt tiền trên đường Ngô Trí Hòa đã cho các hộ kinh doanh thuê mặt bằng.

UBND phường Nại Hiên Đông đã tiến hành kẻ vạch và có hình thức xử phạt theo quy định. Tuy nhiên, rất khó xử lý các trường hợp bán hàng rong bằng xe đẩy vì đây là loại hình kinh doanh linh động, nay người bán có mặt ở điểm này, mai có thể ở điểm khác.

Tình trạng buôn bán lộn xộn như trên cũng diễn ra tại cuối đường Lê Tấn Trung, đoạn giáp đường Hồ Học Lãm (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà). Anh Hồ Công Thạnh có mặt bằng kinh doanh tại điểm này cho biết, cảnh tượng trên diễn ra trong thời gian dài.

“Ban đầu, họ bán trên vỉa hè, sau đó tràn xuống lòng đường, bít lối ra vào nhà của một số hộ dân. Việc buôn bán rất mất vệ sinh nhưng cứ vắng bóng lực lượng kiểm tra quy tắc đô thị thì tình trạng lấn chiếm lòng đường và vỉa hè tái diễn”, anh Thạnh nói.

Quy định về việc cấm bán hàng rong tại một số khu vực đã có, nhưng việc buôn bán hàng rong tại các tuyến đường cấm vẫn diễn ra, nhất là thời điểm giáp Tết. Đơn cử, trước số nhà 290 Hùng Vương (quận Hải Châu), UBND thành phố đặt bảng “Tuyến đường cấm đánh giày, bán báo, bán hàng rong, tụ tập mua bán” nhưng ngay chân trụ là san sát hàng tủ di động bày bán mít, mặt hàng hải sản khô…

Được biết, UBND quận Hải Châu đã tổ chức nhiều cuộc tiếp xúc với các hộ kinh doanh hàng rong trên địa bàn nhằm tìm phương án xử lý hiệu quả nhưng mỗi khi địa phương “lơ là” thì hàng rong lại tràn ra vỉa hè.

Ông Lê Anh, Chủ tịch UBND quận Hải Châu cho biết, đối với các hộ buôn bán mít, ốc, hải sản khô quanh khu vực chợ Cồn, từ giữa năm 2018, địa phương đã giao cho UBND phường Hải Châu 2 xử lý dứt điểm; đồng thời yêu cầu UBND phường Hải Châu 2 phối hợp với Phòng Y tế quận kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các hộ kinh doanh. Tuy nhiên, thực tế khu vực này vẫn rất lộn xộn khi nhiều xe đẩy hàng hóa do người từ địa phương khác đưa đến, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường.

Ông Lê Anh cho biết, với các hộ được địa phương tạo điều kiện buôn bán trên vỉa hè, UBND quận giao cho UBND các phường và Đội Kiểm tra quy tắc đô thị quận, Tổ công vụ quận thường xuyên kiểm tra, quay phim, chụp ảnh thực trạng kinh doanh; nếu có tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường thì tiến hành xử lý và chấm dứt việc cho hoạt động buôn bán tại địa điểm này. Tất cả các hộ phải cam kết với UBND phường nếu vi phạm sẽ chấm dứt việc sử dụng vỉa hè để kinh doanh, buôn bán.

Bài và ảnh: HUỲNH LÊ

;
;
.
.
.
.
.