Lo ngại chó thả rông

.

Mặc dù thành phố đã có quy định cấm thả rông chó tại một số khu vực công cộng, khu dân cư nhưng nhiều người vẫn để chó đi lại, chạy nhảy trên phố mà không rọ mõm, hoặc để chó tự do phóng uế bừa bãi vừa gây nguy hiểm cho người dân, vừa ô nhiễm môi trường sống.

Nhiều chú chó vô tư chạy nhảy trên đường Nguyễn Chí Thanh, gây nguy hiểm cho người đi đường.
Nhiều chú chó vô tư chạy nhảy trên đường Nguyễn Chí Thanh, gây nguy hiểm cho người đi đường.

Phóng uế bừa bãi trên phố

Thời gian qua, tại khu vực Quảng trường 29-3 thường xuyên xuất hiện tình trạng người dân dẫn chó ra dạo chơi mà không rọ mõm, thậm chí vô tư dẫn chó vào một góc khuất hoặc gốc cây để chúng phóng uế.
Bà Trương Thị Thúy Ngọc, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Cường Bắc (quận Hải Châu) cho biết, từ đầu năm 2019 đến nay, phường thường xuyên nhận phản ánh về tình trạng người dân đưa chó ra thả rông tại khu vực Quảng trường 29-3, phóng uế, gây ô nhiễm môi trường. Trước thực tế này, UBND phường lập 2 tổ (mỗi tổ 3 người gồm bảo vệ công ty cây xanh, công an phường, tổ trật tự đô thị) phân công trực tại khu vực Quảng trường 29-3 từ tối thứ hai đến tối chủ nhật hằng tuần để kịp thời xử lý những trường hợp thả rông chó.

Cũng theo bà Ngọc, tình trạng chó thả rông tại khu vực Quảng trường 29-3 hiện đã giảm do thường xuyên được tổ kiểm tra nhắc nhở; nếu có thì phần lớn rơi vào trường hợp chó từ các phường khác đến, đơn vị sẽ phối hợp với UBND phường liên quan để xử lý dứt điểm.

Trong khi đó, cách đây không lâu, người dân sống tại khu vực kiệt 590 Núi Thành (phường Hòa Cường Nam) đã gọi đến đường dây nóng Báo Đà Nẵng phản ánh hộ gia đình kiệt này nuôi nhiều chó dữ. Cuối năm 2018, một con chó ở khu vực này rượt theo cắn nhiều nhát vào một em bé, may được người dân ứng cứu kịp thời. “Điều đáng nói là gia đình này nuôi một lúc 3 con chó lớn, thường xuyên thả rông, phóng uế bừa bãi và rất hung dữ, đe dọa người dân trong khu vực. Chưa kể, kiệt 590 Núi Thành cũng là lối đi tắt của các em học sinh Trường THCS Hồ Nghinh. Với tình trạng chó thả rông như trên sẽ dễ xảy ra những trường hợp đáng tiếc”, một người dân sống tại kiệt này cho biết.

Lập sổ quản lý chó, mèo nuôi

Việc xử phạt đối với vi phạm về nuôi, thả rông chó, mèo ở khu đô thị, khu dân cư thuộc thẩm quyền của UBND cấp phường, xã. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, thời gian qua, chưa có địa phương nào chủ động xử phạt người thả rông chó, mèo trên phố. Bên cạnh đó, Quyết định 08/2008/QĐ-BXD ngày 28-5-2008 của Bộ Xây dựng quy định cấm nuôi gia súc, gia cầm trong khu chung cư nhưng không làm rõ đâu là vật nuôi, đâu là vật cảnh. Do đó, khi xảy ra tình trạng nuôi thả chó trong khu chung cư, người dân thường “cãi lý” rằng mình nuôi vật cảnh chứ không phải nuôi gia súc, gia cầm. Đây là một trong những lý do khiến tình trạng nuôi chó thả rông cũng xuất hiện tại nhiều khu chung cư, dân cư trên địa bàn thành phố.

Trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng, đại diện lãnh đạo phường An Hải Bắc (quận Sơn Trà) cho biết, địa phương này cũng đang “đau đầu” với tình trạng chó thả rông, phóng uế gây ô nhiễm. Không ít trường hợp khi phát hiện gia đình nuôi chó thả rông, phóng uế, UBND phường mời lên làm việc nhưng hộ dân không chấp hành hoặc lấy lý do xin vắng mặt. Khi gặp tình huống này, UBND phường vẫn lập biên bản và yêu cầu tổ trưởng tổ dân phố phối hợp với Ban Công tác Mặt trận khu vực tăng cường tuyên truyền, quán triệt các hộ nuôi chó những quy định pháp luật về việc rọ mõm, xích giữ chó khi đưa ra nơi công cộng; tuy nhiên, kết quả ra sao thì địa phương cũng khó theo sát.

Cuối năm 2018, Đà Nẵng ban hành đề án “Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh dại ở động vật nuôi trên địa bàn các quận của thành phố Đà Nẵng” nhằm khống chế bệnh dại trên đàn chó, mèo nuôi và trên người, tiến tới loại trừ bệnh dại trên toàn địa bàn. Theo đó, từ năm 2019, các hộ dân nuôi chó, mèo phải đăng ký với UBND phường, hướng tới mục tiêu trong năm 2019 có 100% phường lập sổ quản lý chó, mèo nuôi theo quy định; tỷ lệ chó, mèo nuôi được tiêm phòng vắc-xin dại tại các quận đạt trên 90%; không có ca bệnh dại ở chó, mèo nuôi và người trên địa bàn các quận. Đến năm 2020, trên 95% chó, mèo nuôi tại các quận được tiêm phòng vắc-xin dại; tiến tới loại trừ hoàn toàn bệnh dại trên đàn chó, mèo nuôi trên địa bàn các quận. Đối tượng áp dụng của đề án là các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có liên quan đến hoạt động nuôi chó, mèo trên địa bàn.

Đề án cũng quy định, chủ vật nuôi có trách nhiệm giữ chó trong khuôn viên gia đình, bảo đảm vệ sinh môi trường, không gây ảnh hưởng xấu tới người xung quanh. Khi đưa chó ra nơi công cộng phải bảo đảm an toàn cho người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm cho chó hoặc xích, giữ chó và có người chăn dắt; đồng thời, đề nghị các phường thành lập các đội chuyên trách để bắt chó thả rông, động vật nghi mắc bệnh dại.

Bài và ảnh: HUỲNH LÊ

;
;
.
.
.
.
.