Nan giải khắc phục ô nhiễm ở âu thuyền Thọ Quang

.

Tình trạng quá tải tại âu thuyền, cảng cá và chợ đầu mối thủy sản Thọ Quang làm phát sinh nhiều rác thải, nước thải và mùi hôi gây bức xúc cho người dân sống khu vực lân cận. Trong khi đó, Trạm xử lý nước thải (XLNT) Sơn Trà mới đưa vào hoạt động đã bộc lộ quá tải và vẫn còn tình trạng xả lén nước thải chưa qua xử lý cục bộ hoặc xả bùn vào hệ thống thu gom của Khu công nghiệp Dịch vụ thủy sản Thọ Quang.

Nguồn nước trong âu thuyền Thọ Quang lúc nào cũng đen kịt, kèm theo rác thải nổi lềnh bềnh.  Ảnh: NGỌC ĐOAN
Nguồn nước trong âu thuyền Thọ Quang lúc nào cũng đen kịt, kèm theo rác thải nổi lềnh bềnh. Ảnh: NGỌC ĐOAN

Theo ghi nhận của phóng viên, mặc dù vào ban ngày, các tổ thu gom rác trên mặt nước, bờ âu thuyền sử dụng các phương tiện, dụng cụ thu gom được rất nhiều rác thải, ni-lông, chai nhựa…, nhưng cứ sau một đêm chợ đầu mối thủy sản hoạt động và có nhiều tàu thuyền cập cảng, bốc dỡ cá…, lại có nhiều rác bị vứt bừa bãi.

Trong khi đó, tại một số cửa xả nước mưa vào âu thuyền, nước có màu đen, đục và bốc mùi hôi thối. Đặc biệt, tại vị trí xả nước thải sau xử lý của Trạm XLNT Sơn Trà vào âu thuyền Thọ Quang, không khó nhìn thấy có rất nhiều chất màu trắng giống như mỡ đang đọng trên mặt đá và bùn…

Ông Hà Quốc Lân (trú đường Yết Kiêu, quận Sơn Trà) cho hay: “Trong âu thuyền Thọ Quang có hàng trăm tàu thuyền về đậu chật ních và nhiều ngư dân vứt rác thải nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Mặt khác, vào những ngày mưa, nước thải chưa qua xử lý từ các cống tràn vào âu thuyền và mốc mùi hôi thối”.

Còn ông Lê Văn Cầm (một công nhân ở xưởng cơ khí đối diện trạm bơm ST4, sát bờ âu thuyền Thọ Quang) cho hay: “Mặc dù trạm bơm nước thải vận hành liên tục, nhưng thường xuyên có nước thải tràn lên mặt đường, ứ đọng và gây mùi hôi thối. Tình trạng này tồn tại đã lâu, nhưng chưa được khắc phục”.

Ông Huỳnh Văn Phương, Trưởng Ban quản lý Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang cho hay, rác thải phát sinh trong khu vực được thu gom dứt điểm trong ngày, không để tồn đọng sang ngay hôm sau. Khối lượng rác thải thu gom hằng tháng từ 130-140m3, nhưng mỗi khi có tàu, thuyền về neo đậu nhiều, khối lượng rác thải phát sinh tăng gấp 2-3 lần, việc thu gom rác phải mất từ 2-3 ngày mới xong...

Đối với nước thải, sau khi cải tạo hệ thống thu gom nước thải đấu nối về Trạm XLNT chợ đầu mối, gần như toàn bộ nước thải phát sinh tại chợ cá và đường nội bộ đã được thu gom, xử lý, không có tình trạng thải xuống mương, cống và thoát ra môi trường như trước đây. Riêng nước thải từ tàu cá, đơn vị đã triển khai thu gom thí điểm, nhưng chưa thiết thực, đây vẫn là vấn đề nan giải hiện nay. Đơn vị đang nhắc nhở, kiểm tra, yêu cầu tàu không được rửa, vệ sinh tàu tại khu vực cầu cảng…

Để hạn chế mùi hôi thối phát sinh, đơn vị đã kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm, không để tồn đọng rác và nước thải; nhắc nhở hạn chế tối đa hải sản rơi vãi trong quá trình buôn bán, vận chuyển; không cho sơ chế, chế biến trong khu vực cảng cá và chợ đầu mối. Đơn vị cũng tổ chức phun vi sinh khử mùi tại khu vực chợ, nhà chứa rác và các cầu cảng ít nhất 2 lần/ngày; đồng thời sử dụng dung dịch nước điện giải để vệ sinh, khử trùng, hạn chế đáng kể mùi hôi, vi sinh vật, côn trùng có hại phát triển…

“Tuy nhiên, công tác bảo vệ môi trường ở âu thuyền và cảng cá Thọ Quang vẫn còn nhiều bất cập chưa giải quyết dứt điểm được. Trong đó, ý thức chấp hành của đại đa số ngư dân, thương nhân chưa tốt; tình trạng xả rác thải, nước thải vẫn còn phổ biến; năng lực thu gom, xử lý nước thải và rác thải vẫn có bất cập; mức xử phạt vi phạm hành chính còn nhẹ… Trong thời gian tới, việc thực hiện các biện pháp đồng bộ về cải thiện và bảo đảm môi trường tại khu vực âu thuyền và cảng cá Thọ Quang cần được đẩy mạnh để có những chuyển biến tích vực về môi trường”, ông Huỳnh Văn Phương nhìn nhận.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, năm 2018, đơn vị kiểm tra việc xả thải của các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp (KCN) Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng và phát hiện 2 doanh nghiệp xả nước thải có nồng độ cao hơn nồng độ cho phép. Việc kiểm soát chất lượng nước thải sau xử lý cục bộ từ doanh nghiệp không được đơn vị chức năng thực hiện chặt chẽ, có tình trạng xả lén nước thải chưa qua xử lý hoặc xả bùn vào hệ thống thu gom của KCN.

Bên cạnh việc xử lý vi phạm của 2 doanh nghiệp trên và xử lý vi phạm của Ban quản lý Các dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên do nước thải của Trạm XLNT Sơn Trà vượt quá quy chuẩn xả thải cho phép, sở đã báo cáo UBND thành phố một số bất cập trong công tác quản lý, vận hành của Trạm XLNT Sơn Trà để có hướng chỉ đạo xử lý, trong đó có tình trạng sốc tải đối với Trạm XLNT Sơn Trà và nguy cơ xảy ra sự cố môi trường.

Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đang tiếp tục thực hiện quan trắc chất lượng nước tại các cửa xả vào âu thuyền Thọ Quang và đang đánh giá hiện trạng bảo vệ môi trường ở âu thuyền cũng như ở các doanh nghiệp trong KCN dịch vụ thủy sản Đà Nẵng, để có cơ sở đề xuất giải pháp khắc phục các bất cập nói trên trong thời gian tới.

Mới đây, ngày 1-2, Văn phòng UBND thành phố có Công văn số 44/TB-VP thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường kiểm tra, xử lý, bảo đảm vệ sinh môi trường tại khu vực âu thuyền và cảng cá Thọ Quang.

Ban quản lý Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang tăng cường nhân viên bảo đảm vệ sinh môi trường tại khu vực và tiến hành nạo vét, khơi thông cống thoát nước ở cảng cá. Ban quản lý Các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên khẩn trương đánh giá lại hệ thống thu gom nước thải ở lưu vực xung quanh âu thuyền và có giải pháp khắc phục tình trạng quá tải hiện nay; nghiên cứu phương án chuyển nước thải sau xử lý từ Trạm XLNT Sơn Trà vào âu thuyền cho phù hợp.

Công ty Phát triển và Khai thác hạ tầng KCN khẩn trương tiếp nhận hệ thống thu gom nước thải tại KCN Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng từ Công ty Thoát nước và XLNT Đà Nẵng và chịu trách nhiệm đối với việc xả thải của các doanh nghiệp.

Đồng thời, chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Công ty Thoát nước và XLNT Đà Nẵng cùng các cơ quan, đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra việc xả thải vào hệ thống thu gom của các đơn vị hoạt động trong KCN, xử lý nghiêm theo quy định các trường hợp xả lén, xả nước thải vượt quy chuẩn cho phép. Nếu đơn vị nào tái phạm nhiều lần, báo cáo UBND thành phố xem xét rút giấy phép hoạt động theo quy định…

Ông Võ Đình Công, Chủ tịch UBND phường Thọ Quang thừa nhận, tình trạng ô nhiễm môi trường ở Âu thuyền Thọ Quang diễn ra lâu nay và ít nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống người dân trong khu vực. Để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng ô nhiễm, theo ông Công, cơ quan chức năng thành phố cần có giải pháp xử lý triệt để môi trường nước trong khu vực âu thuyền; đồng thời tăng cường kiểm tra, xử lý các chủ tàu, thuyền có hành vi xả rác, đổ nước thải dơ bẩn xuống âu thuyền.  

PHƯƠNG CHI

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.