Rác chất thành đống, không ai xử lý

.

Trong khi rác thải sinh hoạt tại điểm tập kết vẫn chưa được xử lý kịp thời thì trên nhiều địa bàn dân cư thuộc quận Sơn Trà, rác được vứt thành đống, tồn tại từ ngày này qua tháng khác… 

Đống rác thải tồn tại qua nhiều tháng tại đường Vũ Ngọc Nhạ.
Đống rác thải tồn tại qua nhiều tháng tại đường Vũ Ngọc Nhạ.

Đường Chu Huy Mân (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) dài hơn 1km, dân cư thưa thớt nhưng có đến 3 điểm tập kết rác thải sinh hoạt. Tuy nhiên, ai đi trên tuyến đường này đều dễ dàng nhận thấy tình trạng ô nhiễm rác thải đáng báo động tại đây.

Theo quan sát của chúng tôi, tại mỗi điểm tập kết, Xí nghiệp Môi trường đô thị quận Sơn Trà bố trí từ 2-5 thùng đựng rác nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu sử dụng của người dân. Hầu như lúc nào các thùng rác cũng đầy ắp, không nắp đậy, bốc mùi hôi thối. Ở một số vị trí, rác thải được người dân đặt ở gốc cây, cột biển báo hoặc vứt bừa ra vỉa hè; rác thải là túi ni-lông bay theo gió bám vào các lùm cây...

Đơn cử, tại khu vực trạm chờ xe buýt gần ngã tư Chu Huy Mân - Lý Nhật Quang, gần tháng nay xuất hiện một đống rác thải sinh hoạt khá lớn nhưng không đơn vị nào đứng ra dọn dẹp. Một nam công nhân vệ sinh môi trường phụ trách khu vực này thẳng thắn nói: “Nhiệm vụ của chúng tôi là thu gom rác tại điểm tập kết, còn những nơi khác thuộc sự quản lý của chính quyền địa phương.  Không thể có chuyện người dân vứt rác ở đâu thì chúng tôi phải dọn ở đó”.

Cùng với tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ, những bãi rác tự phát cũng xuất hiện ngày một nhiều ở khu vực ven thành phố. Đầu đường Vũ Ngọc Nhạ (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) hơn 2 năm nay xuất hiện đống rác lớn, chủ yếu là rác sinh hoạt, vỏ trái dừa, bả mía do những hộ buôn bán gần đó vứt ra. Ngày nắng, mùi hôi, ruồi nhặng bay đầy gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Bà Nguyễn Thị Cúc, sống ở đầu đường Vũ Ngọc Nhạ cho biết, mới đầu, đoạn đường này xuất hiện vài túi rác nhỏ rồi dần dần rác chất thành đống nhưng không được chính quyền địa phương kiểm soát, nhắc nhở người dân. Điều đáng nói, rác tại đây không được ai dọn dẹp. Thỉnh thoảng người dân còn châm lửa đốt rác như một giải pháp tạm thời nhằm tránh rác bay vào khuôn viên nhà mình.

Ông Võ Đình Công, Chủ tịch UBND phường Thọ Quang nói rằng, địa phương rất khó xử lý những bãi rác tự phát do không nắm được vị trí và lượng rác. Rác không chỉ xuất hiện tại bãi đất trống mà còn nằm rải rác ngay tại khu dân cư. “Rất khó kiểm soát hành vi đổ trộm rác thải ở những khu vực công cộng. Ngoài nhiệm vụ tuyên truyền, UBND phường thỉnh thoảng cũng tổ chức dọn dẹp vệ sinh môi trường nhưng không thể nào dọn xuể”, ông Công nói.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại khu vực quận Sơn Trà hiện có khoảng 20 điểm tập kết rác chờ trung chuyển, chưa tính gần 40 điểm tập kết rác mỗi ngày, tập trung chủ yếu ở các phường Mân Thái, Thọ Quang và Nại Hiên Đông.

Ông Nguyễn Phước Nhiên, Giám đốc Xí nghiệp Môi trường đô thị quận Sơn Trà cho biết, mỗi ngày, xí nghiệp này thu gom khoảng 160 tấn rác thải tại các điểm tập kết. Bên cạnh thiếu thốn trang thiết bị, xe vận chuyển, nhân lực thu gom rác, nhiều vị trí xuất hiện rác thải không nằm trong sơ đồ quản lý của đơn vị nên khó theo dõi, kiểm soát. Ông Nhiên bày tỏ: “Chúng tôi mong muốn chính quyền địa phương tăng cường biện pháp tuyên truyền, vận động và có hướng xử lý những hộ dân xả rác bừa bãi. Ngoài việc tổ chức dọn dẹp, địa phương cũng cần phối hợp tốt với đơn vị thu gom để giữ gìn môi trường sống xanh, sạch, đẹp”.

Bài và ảnh: HUỲNH LÊ

;
;
.
.
.
.
.