Chú Kỳ ơi!

.

Nghe tin chú Đỗ Kỳ, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Đà Nẵng về cõi vĩnh hằng, dù biết sự chia ly này phải đến, nhưng sao khi biết chính thức, lòng rất buồn. Trong đầy đặn cảm xúc, biết bao hình ảnh, kỷ niệm ngày xưa hiện về. Mới cách đây vài hôm, ngày 21-6, tôi còn gặp chú, vẫn còn nghe chú ân tình “cảm ơn” khi cơ quan tới thăm. Vậy mà thoáng chốc…

Đồng chí Đỗ Kỳ, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Đà Nẵng (hàng ngồi, ngoài cùng bên trái) tại buổi gặp mặt mừng xuân Kỷ Hợi 2019 với Ban Biên tập Báo Đà Nẵng và nguyên lãnh đạo Báo Đà Nẵng qua các thời kỳ.
Đồng chí Đỗ Kỳ, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Đà Nẵng (hàng ngồi, ngoài cùng bên trái) tại buổi gặp mặt mừng xuân Kỷ Hợi 2019 với Ban Biên tập Báo Đà Nẵng và nguyên lãnh đạo Báo Đà Nẵng qua các thời kỳ.

Là hậu sinh, tôi vào làm việc khi chú là Phó Tổng Biên tập Báo Quảng Nam-Đà Nẵng. Mấy lần cơ quan chuyển chỗ, lãnh đạo nhiều lần thay đổi, nhưng với chú vẫn nguyện vẹn một tấm lòng. Chú Kỳ hiền, nhẹ nhàng, sống trách nhiệm và tôi chưa hề thấy chú nặng lời với ai. Có lẽ “công trình” lớn nhất cuộc đời của chú là thuở còn trên núi, trong khói lửa ác liệt của đạn bom, chú lăn vào học “ngoại ngữ” tiếng Cơ tu.

Để làm gì? Để ra báo bằng tiếng Cơ tu nhằm tuyên truyền, giác ngộ đồng bào biết căm thù giặc xâm lược, biết yêu nước, yêu buôn làng… cầm súng đánh giặc, và cũng bằng các tờ “báo” in thạch, lớn chỉ bằng nửa trang giấy manh ấy, hướng dẫn cách gieo lúa, tăng gia... từ chỗ mày mò từng con chữ, đến khi trở thành người chủ biên, một mình dịch hầu hết các bài, ban đầu mỗi tháng “phát hành” một số 4 trang, sau hai tuần một số, chú Kỳ bền bỉ công việc ấy 6 năm cho đến khi giải phóng Quảng Nam-Đà Nẵng. Người Cơ tu năm xưa chắc không ai còn nhớ những trang báo ngày nào, nhưng anh em làm báo nhất là những người cùng thời, sẽ không bao giờ quên người cán bộ gắn bó với báo chí và đồng bào Cơ tu như là số phận, để rồi tiếng Cơ tu trở thành duyên nợ của mình.

Trong đầy đặn cảm xúc, tôi bỗng nhiên thấy mình như người có lỗi bởi lời dặn của chú từ năm 2005, trước lúc nghỉ hưu: “Khi mô chú chết mấy đứa mới được mở cái tủ hồ sơ ni của chú nghe!”. Cái tủ tài liệu bằng gỗ đơn sơ chú bàn giao khi chia tay nơi chú gắn bó cả cuộc đời làm báo, nó vẫn nằm nguyên hiền từ theo năm tháng trong góc kho tạm bợ của cơ quan tôi gần 10 năm.

Năm 2016 vì cơ quan di chuyển, tôi buộc phải xin phép chú được mở cái tủ đó tại trụ sở 42 Trần Phú, Đà Nẵng. Có điều gì đó bí mật của chú hay chăng! Tài sản chú để lại cho cơ quan là gì? Vài vật dụng làm việc khi còn ở chiến khu và một bộ tài liệu được viết tay cẩn thận về quá trình gần 80 năm ra đời và phát triển của Báo Quảng Nam-Đà Nẵng và Đà Nẵng, trong đó có một phần chú viết riêng về việc học và ra báo bằng tiếng Cơ tu. Lần giở từng trang viết ngay ngắn, cẩn thận, tôi hình dung được phần nào tính cách con người, việc chú làm chỉ là nhỏ bé, chẳng dám phiền ai bận tâm.

Riêng tôi, còn có sự hàm ơn về sự ân cần, chỉ bày chu đáo của chú. Nhớ hồi đó, trong thời gian thử thách kết nạp Đảng, chú Đỗ Kỳ với tư cách lớp đàn anh, chú dặn tôi từng chút, chú bày tôi từng việc, chú viết lời nhận xét với biết bao tình cảm và nghiêm túc. Sự mẫn cán trong công việc và hồn nhiên trong từng cái bắt tay, chân thành và tin cậy một nụ cười rất hiền. 

Thời đó, nhiều người hay nhắc trong sự tâm phục, mỗi khi biên tập, nếu cần đổi tít, chú đặt luôn tít mới cho anh em, không bao giờ phán như một mệnh lệnh “đổi tít” lạnh lùng quan phương. Có ý nào chưa rõ, chú nhẹ nhàng bên góc bản thảo dòng đề nghị của mình, như một người bạn, một sự tôn trọng cấp dưới. Chú sống hòa đồng với anh em như người trong một nhà tin cậy. Không nói xấu ai, không xu nịnh, không làm hại ai dù trong ý nghĩ.

Cuộc đời chú không dám làm phiền ai, không đòi hỏi so bì. Hình như với chú, được sống đến hôm nay là quá “lãi” rồi. Năm 1993, chú đang ở căn phòng tập thể của cơ quan chưa đến 30m2, ngôi nhà ấy chú ở cho đến hôm nay. Tôi nghe kể lại, theo trào lưu chung, chú làm đơn xin giải quyết lô đất ở Khuê Trung. Nhưng sau đó chú trả lại, không phải chú không đủ tiền, các con chú đủ sức giúp, hoặc nếu không ở, bán lại cũng trở thành người có chút của nả kha khá. Nhưng chú sợ. Chú sợ mang tiếng được cơ quan phân “nhà” tập thể rồi, mà còn đi xin thành phố mua đất khác. Mấy chục năm được làm việc cùng, nhiều lần tôi đến thăm, nhưng chưa khi nào nghe chú than vãn, so bì, trách móc.    

Thời gian 26 năm gắn bó với cơ quan, tôi có may mắn phục vụ nhiều đời lãnh đạo. Có người mỗi khi nghĩ đến tôi như người mang nợ. Không chỉ là sự hàm ơn về một cơ hội việc làm, hơn thế là sự định vị cho tôi những nghiêm khắc đúng sai. Có người mà mỗi công việc hôm nay, tôi nhận ra mình trưởng thành, vững vàng hơn từ sự nghiêm túc, sắc sảo và nhất là ý tưởng và kỹ năng tổ chức. Tôi như thấy rõ hơn về sự cần thiết của một tầm nhìn, sự bao dung, nhất là khách quan trong nhận xét của người lãnh đạo mà mình quý mến.

Và chú đã để lại trong tôi sự kính trọng hơn cả một tấm lòng. Mới hôm nào cơ quan tổ chức gặp mặt cuối năm, chú còn ngồi rất lâu với anh em, chú khoe với tôi sáng nào cũng hai vòng từ bến chợ Hàn đến chân cầu Thuận Phước. Chú vẫn thích mì Quảng, thịt heo luộc mỗi khi cơ quan liên hoan tất niên, hay gặp mặt lễ lộc. Vậy mà hôm nay chú nằm đấy bất động. Cuộc đời thật ngắn ngủi. Một vuông giấy nhỏ làm sao nói hết nỗi buồn.

Sự mẫn cán, chu đáo và nụ cười hiền lành, tin cậy của chú còn mãi với anh em Báo Đà Nẵng. Thương và quý chú nhiều lắm, chú Kỳ ơi!

Trần Thu Thủy

;
;
.
.
.
.
.