Khu nuôi thủy sản thường xuyên ô nhiễm

.

Mặc dù UBND thành phố Đà Nẵng đã có văn bản cấm người dân nuôi các loại thủy sản tại vịnh Mân Quang (quận Sơn Trà) từ nhiều năm nay nhưng theo quan sát của chúng tôi, vẫn có rất nhiều hộ dân công khai đặt lồng bè nuôi hải sản ở khu vực này, tạo cảnh nhếch nhác, ô nhiễm môi trường…

Những lồng bè nằm dọc, ngang khiến khu vực Mân Quang trông rất nhếch nhác.
Những lồng bè nằm dọc, ngang khiến khu vực Mân Quang trông rất nhếch nhác.

Khu vực vịnh Mân Quang hiện có hơn 100 hộ dân nuôi các loại hải sản như ốc, cá mú, cá hồng, nghêu, hàu, chíp chíp… trong các lồng bè tự phát. Các lồng nằm trong lòng vịnh không theo thứ tự nào, cái nằm ngang, cái nằm dọc, cái nhỏ, cái to trông khá xấu xí. Mỗi ngày, những loài này “ăn” hàng trăm ký thức ăn chế biến từ bột tôm, bột cá, chưa kể “uống” thuốc ngăn ngừa các loại bệnh khiến nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng. Bên cạnh đó, hàng chục hộ dân sinh hoạt tại các lồng bè trong suốt quá trình chăn nuôi đã xả trực tiếp lượng lớn chất thải sinh hoạt xuống dòng nước.

Câu chuyện ô nhiễm tại khu vực nuôi cá lồng bè vịnh Mân Quang tồn tại nhiều năm qua nhưng chính quyền địa phương chưa có biện pháp xử lý ngoài việc khuyến cáo, vận động người dân tự ý tháo dỡ. Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ khi thành phố ban hành Công văn số 9339/UBND-KTN ngày 7-11-2012 về quy định cấm nuôi cá trên sông Cẩm Lệ và Cổ Cò, rất nhiều hộ dân đã chuyển lồng nuôi về khu vực vịnh Mân Quang để tiếp tục nuôi hải sản, khiến khu vực này càng thêm nhếch nhác, ô nhiễm.

Một người dân sống cuối đường Vân Đồn (thuộc phường Thọ Quang) cho hay, trước đây, khu vực trước nhà chị chỉ tồn tại hơn 20 bè nuôi thủy sản, nay con số lớn hơn rất nhiều, nằm dọc từ chân cầu Mân Quang về hướng cảng Tiên Sa.

“Muốn biết ô nhiễm thế nào, cứ trời mưa xong thì ra đây, rác khi ấy tấp đầy vào bờ, toàn là túi ni-lông, chai lọ, vỏ thùng xốp nên nhìn bẩn lắm. Những hôm trời nắng, ngồi trong nhà cũng nghe mùi hôi. Thỉnh thoảng lại thấy cá chết nhưng người nuôi tự vớt rồi mang đi vứt chứ không dám thông tin, sợ chính quyền không cho nuôi nữa”, người này nói.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Hùng - một hộ nuôi hải sản lồng bè tại vịnh Mân Quang thừa nhận tình trạng ô nhiễm đang diễn ra tại đây. Tuy nhiên, ông Hùng nói: “Nếu không nuôi hải sản lồng bè thì biết lấy gì mà sống. Vụ nào thuận lợi cũng lãi vài chục triệu đồng. Bỏ thì uổng lắm!”.

Cũng theo người đàn ông này, chưa thấy chính quyền địa phương cấm, chỉ đôi lần mời họp, khuyến cáo tình trạng ô nhiễm dễ khiến hải sản bệnh, chết và mong muốn người dân tự ý tháo dỡ, chuyển đổi ngành nghề.

Chủ tịch UBND phường Thọ Quang Võ Đình Công cho hay, toàn phường hiện có hơn 100 hộ dân nuôi trồng hải sản, chủ yếu đặt lồng bè tại vịnh Mân Quang và vùng nước yên dưới chân bán đảo Sơn Trà. Dù vậy, ông Công chia sẻ cái khó của chính quyền địa phương là thành phố chưa khoanh vùng quy hoạch nuôi hải sản lồng bè rõ ràng nên trước mắt địa phương vẫn để người dân nuôi tại khu vực vịnh Mân Quang nhằm bảo đảm cuộc sống. Theo ông Công, hầu hết các hộ nuôi hải sản lồng bè có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nếu xử lý rốt ráo - trước khi thành phố có chính sách hỗ trợ, chuyển đổi ngành nghề - thì người dân dễ rơi vào tình trạng thất nghiệp, bất ổn về kinh tế.

Trong khi đó, ông Huỳnh Văn Hùng, Chánh Văn phòng HĐND-UBND quận Sơn Trà cho biết, khu vực vịnh Mân Quang nằm trong vùng dự án mở rộng Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang nên chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền, khuyến cáo người dân không nuôi cá lồng bè tại vịnh Mân Quang. Song, người dân đang có tư tưởng chờ dự án khởi công mới dời đi khiến tình trạng ô nhiễm tiếp tục diễn ra.

Bài và ảnh: H.LÊ

;
;
.
.
.
.
.