Từ những bàn tay khéo léo

.

Nhờ khả năng thêu thùa, may vá, phụ nữ ở phường Thọ Quang (quận Sơn Trà) không chỉ giúp nhau vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế gia đình mà còn chung tay vào chiến dịch bảo vệ môi trường với những chiếc túi được may từ vải bạt...

Phong trào may túi từ nguồn vải bạt tận dụng được nhân rộng trên nhiều phường nhằm bảo vệ môi trường sống.
Phong trào may túi từ nguồn vải bạt tận dụng được nhân rộng trên nhiều phường nhằm bảo vệ môi trường sống.

Cứ đầu giờ chiều mỗi ngày, chị Nguyễn Thị Hạnh lại đến Nhà văn hóa phường Thọ Quang để bắt đầu công việc may vá. Gần hai năm nay, đây là địa chỉ mang lại cho chị Hạnh nguồn thu nhập và niềm vui bởi bên cạnh những “đồng nghiệp” cùng cảnh ngộ và được chia sẻ, động viên, chị Hạnh còn cảm giác vơi bớt nhọc nhằn và khó khăn đang đè nặng.

Như hầu hết phụ nữ sinh ra giữa làng chài Thọ Quang, chị Hạnh lấy chồng, sinh con và bươn chải đủ nghề nhưng kinh tế gia đình vẫn không khá lên. Chị kể, cuộc sống càng khó khăn khi chồng đau thận, không thể làm công việc nặng trong gia đình. Từ công nhân, chị chuyển sang làm giúp việc nhà theo giờ, rửa bát thuê tại một số quán ăn. Khi được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường Thọ Quang đưa vào “Nhóm sinh kế phụ nữ nghèo”, chị Hạnh cùng mọi người tạo ra những sản phẩm quà lưu niệm như may túi xách, ba lô có in hình ảnh các địa chỉ du lịch tại Đà Nẵng.

Chị Trần Thị An, thành viên “Nhóm sinh kế phụ nữ nghèo” cho biết, mỗi buổi may mang lại cho nguồn thu nhập khoảng 100.000 đồng/người. “Động lực của chúng tôi là sản phẩm được bày bán tại một số địa chỉ du lịch như chùa Linh Ứng, khu chợ đêm Sơn Trà. Để tiếp cận thêm nhiều nguồn khách, chúng tôi được UBND phường Thọ Quang, UBND quận Sơn Trà hỗ trợ việc ký gửi tại một số khách sạn, khu nghỉ dưỡng trên địa bàn... Hiện các sản phẩm của nhóm còn đơn giản về mẫu mã, chủ yếu mặt hàng cói, thổ cẩm, nguồn nguyên liệu tự nhiên thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, điểm đặc biệt của dòng sản phẩm này là tạo nét đặc trưng từ những hình ảnh quen thuộc ở Đà Nẵng như bãi biển, voọc chà vá chân nâu hay hình ảnh chùa Linh Ứng, những cây cầu bắc qua sông Hàn...”, chị An nói.

Cũng từ sự khéo léo của các chị em, Hội LHPN phường Thọ Quang mạnh dạn triển khai mô hình “Tận dụng vải bạt cũ may túi” nhằm hình thành thói quen “nói không với túi ni-lông” trong cộng đồng dân cư. Ưu điểm của mô hình này là tận dụng nguồn vải bạt sau mỗi đợt in pa-nô, backdrop các chương trình hội họp, sinh nhật, khai trương, khánh thành của các đơn vị, hội, đoàn thể trên địa bàn, từ đó hạn chế nguồn nguyên liệu thải ra môi trường. Ngoài ra, một trong những điểm cộng của mô hình này là túi vải bạt khá bền, không chảy nước, giúp việc mang thực phẩm từ chợ về nhà an toàn và sạch sẽ hơn...

Chị Vũ Thị Mai Anh, Chi hội phó Chi hội Phụ nữ Lộc Phước 4, phường Thọ Quang cho biết, chị đang sử dụng những chiếc túi vải bạt trong sinh hoạt hằng ngày. Ngoài đi chợ, chị còn may túi bạt để đựng các loại chăn, ga, gối nệm không dùng trong mùa hè. Thời gian rảnh, chị Mai Anh sẵn sàng hỗ trợ chị em cách may các loại túi từ vải bạt, thay thế túi ni-lông. Mỗi chiếc túi bạt được may khéo léo, nhiều kích cỡ để mọi người dễ dàng đựng các vật dụng trong gia đình. “Ngoài trang bị túi bạt cho hội viên phụ nữ khu phố, chúng tôi còn “ký gửi” túi bạt tại một số cửa hàng tạp hóa trên địa bàn để bán gây quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo. Vui nhất là từ phong trào này, chúng tôi đã gây được quỹ hỗ trợ các gia đình khó khăn. Nhiều hộ dân khi có vải bạt không dùng tới đã chủ động giặt sạch, mang đến cho chị em may túi, giúp chúng tôi tiết kiệm thời gian tìm nguyên liệu cũ tận dụng trong nhân dân”, chị Mai Anh bày tỏ.

Chia sẻ với chúng tôi, chị Ngô Thị Mỹ Hạnh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Thọ Quang nói rằng, mỗi phong trào, hoạt động tại khu dân cư đều mang lại nhiều tác động tích cực. Đó không chỉ là giúp nhau vươn lên thoát nghèo, tạo cho nhau một chỗ dựa tinh thần, công việc ổn định, mà còn là sự quan tâm giữa các hộ dân, gắn kết tình làng, nghĩa xóm. Những chiếc túi được may để phục vụ ngành du lịch thành phố, hay những chiếc túi bạt đơn giản, được tận dụng từ nguồn nguyên liệu sẵn có trong nhân dân đã làm nên những sắc màu ý nghĩa trong cuộc sống. Đặc biệt hơn nữa, chị em không đơn độc mà luôn có sự tiếp sức của các cấp chính quyền và người dân ở khu vực trong việc tiêu thụ sản phẩm, lan tỏa và kết nối với cộng đồng.

Bài và ảnh: HUỲNH LÊ

;
;
.
.
.
.
.