Xử lý hàng rong chèo kéo khách - Bài cuối: Tìm phương án hỗ trợ sinh kế phù hợp

.

Phần lớn người bán hàng rong, chèo kéo khách, hay lang thang xin ăn đều có đời sống kinh tế khó khăn hoặc là người khuyết tật. Do đó, việc xử lý hợp tình, hợp lý là điều không dễ.

Thời gian gần đây, bà Lê Thị Hường (80 tuổi) thường đau ốm nên chị Đinh Thị Kim Loan (ảnh) phụ mẹ bán mì. Gia đình chị Loan được hỗ trợ mặt bằng, bếp điện để buôn bán ổn định cuộc sống.
Thời gian gần đây, bà Lê Thị Hường (80 tuổi) thường đau ốm nên chị Đinh Thị Kim Loan (ảnh) phụ mẹ bán mì. Gia đình chị Loan được hỗ trợ mặt bằng, bếp điện để buôn bán ổn định cuộc sống.

Chuyển đổi ngành nghề

Từng là hộ buôn gánh bán bưng, ngược xuôi trên các tuyến đường thuộc trung tâm Đà Nẵng, bà Lê Thị Hường (80 tuổi), sống trong ngôi nhà nhỏ chỉ rộng 12m2, với 7 nhân khẩu tại số 10/10 Pasteur, thuộc tổ 28, phường Hải Châu 1 (quận Hải Châu), được địa phương tạo điều kiện bán mì Quảng trên vỉa hè đường Pasteur. Cách đây 2 năm, trong quá trình chỉnh trang đô thị, chổ bán mì Quảng của bà Hường được địa phương cho dời vào đầu con hẻm số 10 đường Pasteur.

Bà Hường, gần như trọn một đời mưu sinh trên vỉa hè, vô cùng xúc động khi nhận sự hỗ trợ này. Cách đây không lâu, Hội LNPN thành phố Đà Nẵng tiếp tục hỗ trợ gia đình bà Hường một nồi bếp điện, sắp xếp lại quán để việc buôn bán thuận lợi hơn. Phó Chủ tịch Hội LHPN thành phố, bà Tăng Hoàng Hôn Thắm cho biết, trong năm qua, Hội LHPN các cấp thường xuyên chú trọng công tác an sinh xã hội, tạo điều kiện sinh kế cho những gia đình hội viên hội phụ nữ khó khăn, giúp họ ổn định cuộc sống, qua đó hạn chế những trường hợp buôn bán vỉa hè hoặc buôn bán rong trên các tuyến đường.

Tuy nhiên, không phải người bán hàng rong nào cũng được tạo điều kiện ổn định cuộc sống như bà Hường. Rất nhiều người bán hàng rong trong độ tuổi lao động mà chúng tôi có dịp tiếp xúc đều mong muốn được địa phương hỗ trợ học nghề hoặc giới thiệu nhận gia công sản phẩm cho các công ty giày dép, may mặc…

Tại căn hộ chung cư nhỏ trên đường Chu Huy Mân, phường Nại Hiên Đông, chị M. (đề nghị không nêu tên) cho biết, ban ngày, chồng chị ra khỏi nhà từ sáng sớm đến tối mịt để bán vé số, trong khi chị tất tả đi chợ mua trái cây về sơ chế rồi đạp xe rong ruổi hàng cây số đến bán ở các quán hải sản trên đường Hồ Hán Thương, Trần Hưng Đạo, xa hơn thì đường Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp… Hơn 10 năm nay, hai vợ chồng cứ ngược xuôi buôn bán như thế để kiếm tiền nuôi 3 đứa con lần lượt chào đời, trong khi chồng chị M. là người khiếm thị. Hỏi sao chị không tìm công việc khác để có thu nhập ổn định, chị M. thiệt thà: “Vợ chồng tôi không học hành, lại chậm chạp, khuyết tật nên chẳng ai chịu thuê. Nếu có một công việc nào đó phù hợp, chắc chắn tôi sẽ làm vì đi bán như thế này cực lắm, lời lãi chẳng đáng bao nhiêu, lại dễ đau ốm, bệnh tật”.

Trong Kế hoạch số 6629/KH-UBND ngày 4-8-2016 về thực hiện mục tiêu chương trình “Không có người lang thang xin ăn” giai đoạn 2016-2020, UBND thành phố giao trách nhiệm cho UBND các quận, huyện trên cơ sở chỉ đạo, hướng dẫn của thành phố ban hành kế hoạch hoặc văn bản giao các phòng chức năng, UBND các phường, xã phối hợp tuyên truyền, vận động người dân không cho tiền, quà, không để người dân của địa phương đi xin ăn; phối hợp tập trung kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn, xử lý người lang thang, lang thang xin ăn, xin ăn biến tướng, bán hàng rong, đeo bám chèo kéo khách; tổ chức xác minh thân nhân các đối tượng tập trung vào Trung tâm Bảo trợ xã hội; đồng thời vận động gia đình nhận về quản lý, hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề...

Sở LĐ-TB&XH cho biết, trong năm 2019, các trung tâm bảo trợ xã hội đã phân loại, tổ chức giáo dục, lao động sản xuất, điều trị ổn định, kiểm tra, xác minh, liên hệ với các địa phương và gia đình, đưa 138 đối tượng trở về gia đình, cộng đồng. Bên cạnh đó, các địa phương lồng ghép vào các chương trình, dự án hỗ trợ những người còn khả năng lao động được tiếp cận hỗ trợ vốn, sinh kế, hướng dẫn làm ăn để chuyển đổi việc làm, ổn định cuộc sống.

Đối thoại để có phương án hỗ trợ phù hợp

Quận Hải Châu là một trong số ít địa phương làm khá tốt công tác hỗ trợ người bán hàng rong ổn định cuộc sống. Để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các hộ kinh doanh hàng rong trên địa bàn, UBND quận đã lên danh sách, tổ chức nhiều cuộc tiếp túc, tìm phương án xử lý hiệu quả; giao trách nhiệm cho UBND các phường trực thuộc theo sát, động viên cũng như tìm kiếm cách thức hỗ trợ sinh kế cho người bán hàng rong ổn định cuộc sống, đồng thời lấy đó làm tiêu chí đánh giá thi đua cuối năm giữa các phường.

Đơn cử, đầu tháng 12-2019, nhằm chia sẻ khó khăn với 14 hộ buôn bán hàng rong xung quanh vành đai khu vực chợ Cồn, UBND phường Hải Châu 2 (quận Hải Châu) đã tổ chức gặp mặt, đối thoại để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, cũng như thông báo phương án bố trí, sắp xếp của địa phương đối với từng hộ cụ thể.

Theo bà Lê Thị Thuận, Chủ tịch UBND phường Hải Châu 2, tùy theo mặt hàng kinh doanh và nhu cầu thực tế, phường sẽ kẻ vạch, ranh giới phù hợp nhưng vẫn bảo đảm trật tự, mỹ quan theo quy định. Bên cạnh đó, phường tạo điều kiện bảo đảm điện chiếu sáng, nước sinh hoạt và nhà vệ sinh công cộng. Cũng theo bà Thuận, hiện trên địa bàn phường còn nhiều trường hợp kinh doanh, buôn bán không có mặt bằng ổn định. Thời gian tới, phường sẽ tiếp tục tổ chức gặp mặt, đối thoại nhằm tạo điều kiện cho bà con có mặt bằng kinh doanh, ổn định cuộc sống. Trên tinh thần đó, lãnh đạo phường đã làm việc với Ban quản lý chợ Cồn tạm giao mặt bằng vỉa hè trước chợ Cồn (ban đêm) cho các hộ buôn bán và người dân cũng cần phải lắng nghe, chia sẻ với địa phương trên cơ sở quy định của pháp luật.

Trước đó, phường Tân Chính (quận Thanh Khê) cũng khá thành công với việc di dời các hộ bán hàng rong trên vỉa hè đường Lê Duẩn về bán tập trung trên tuyến đường Hải Phòng. Tại đây, mỗi gian hàng bún, bánh mì, ram cuốn cải… được quy định cụ thể bao nhiêu mét vuông, ai bán sáng, ai bán chiều, được quyền sử dụng mặt bằng từ mấy giờ đến mấy giờ.

Để làm được điều này, lãnh đạo phường Tân Chính đã tổ chức nhiều buổi đối thoại, mời bà con đến nói chuyện, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng, nắm rõ từng hoàn cảnh gia đình để có phương án hỗ trợ phù hợp. Đồng thời, UBND phường kêu gọi một số doanh nghiệp hỗ trợ hàng trăm triệu đồng để các hộ dân mua sắm bàn, ghế, tủ, bạt che. Sau hơn 2 năm hoạt động, các hàng quán bình dân này đã đi vào ổn định, nền nếp, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, theo đúng tinh thần “buôn có bạn, bán có phường”, cùng giúp nhau ổn định cuộc sống.

Hướng dẫn cách làm ăn, cho vay vốn chuyển đổi công việc

Ông Thái Đình Hoàng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, hiện nay, theo chỉ đạo chung của thành phố, UBND các quận, huyện tiếp tục tổ chức lồng ghép các chương trình, dự án để hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn, buôn bán hàng rong, sống lang thang trên địa bàn học nghề, học văn hóa, hướng dẫn cách làm ăn, cho vay vốn chuyển đổi công việc. Đây là hướng đi phù hợp và cần phát huy trong thời gian tới để vừa có thể bảo đảm văn minh đô thị, vừa không “triệt” đường làm ăn, mưu sinh của người dân.

Bài và ảnh: HUỲNH LÊ

;
;
.
.
.
.
.