Nguy cơ mất hàng tỷ đồng vì đặt cọc mua căn hộ

.

Nhóm khách hàng gồm ít nhất 6 người (gọi tắt là các chủ đầu tư) đặt cọc tổng cộng hơn 2 tỷ đồng để được sở hữu căn hộ tại K338/20 Hoàng Diệu (phường Bình Hiên, quận Hải Châu) sẽ hình thành trong tương lai. Tuy nhiên, chủ dự án không bàn giao căn hộ và không hoàn tiền cọc dù đã quá thời hạn cam kết.

Trong giấy phép xây dựng, căn hộ tại K338/20 Hoàng Diệu chỉ được phép xây 4 tầng và tầng lửng nhưng chủ dự án là Công ty Đàm Gia Việt đã đổ trụ bê-tông cốt thép chờ lên tầng 5 (ảnh chụp ngày 9-4).	Ảnh: ĐẮC MẠNH
Trong giấy phép xây dựng, căn hộ tại K338/20 Hoàng Diệu chỉ được phép xây 4 tầng và tầng lửng nhưng chủ dự án là Công ty Đàm Gia Việt đã đổ trụ bê-tông cốt thép chờ lên tầng 5 (ảnh chụp ngày 9-4). Ảnh: ĐẮC MẠNH

Trong đơn gửi đến Báo Đà Nẵng, nhóm chủ đầu tư cho biết, người đã chuyển tiền nhiều nhất là bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (trú quận Hải Châu) đã chuyển gần 700 triệu đồng; ít nhất là ông Nguyễn Văn Tiền (trú quận Ngũ Hành Sơn) đã chuyển gần 200 triệu đồng. Các trường hợp khác gồm: bà Lê Ngọc Tâm đã chuyển hơn 396 triệu đồng; bà Hồ Thị Thanh Hòa: hơn 273 triệu đồng; bà Lê Ngọc Trang: hơn 294 triệu đồng và ông Lê Quang Vinh: hơn 312 triệu đồng.

Rao bán 7 tầng dù chỉ được cấp phép xây dựng 4 tầng

Theo ông Nguyễn Văn Tiền, qua giới thiệu, ông biết thông tin Công ty TNHH Hợp tác đầu tư KV353 (gọi tắt là Công ty KV353, trụ sở quận Thanh Khê, do bà Trần Thị Hồng là người đại diện theo pháp luật) tiến hành dự án kêu gọi vốn đầu tư cho căn hộ tiện ích ở địa chỉ K338/20 Hoàng Diệu.

Công ty KV353 ký hợp đồng đặt cọc theo hình thức cho thuê căn hộ với các chủ đầu tư. Công ty KV353 đưa giấy phép kinh doanh và các giấy tờ liên quan để chứng minh mình là chủ của dự án. Thỏa thuận đặt cọc ghi: Bên A (Công ty KV353) dự kiến sẽ bàn giao căn hộ vào ngày 31-12-2019. Sau khi ký hợp đồng đặt cọc ngày 23-11-2018, căn hộ số A701 với đơn giá hơn 396 triệu đồng/quyền sử dụng căn hộ, anh Tiền đã chuyển 2 lần tiền thanh toán cọc theo đúng tiến độ dự án.

Tuy nhiên, anh Tiền và các chủ đầu tư nói trên sau đó phát hiện chủ dự án không phải là Công ty KV353, chủ dự án thực sự là Công ty TNHH MTV Đàm Gia Việt (gọi tắt là Công ty Đàm Gia Việt). “Chúng tôi đề nghị Công ty KV353 hoàn trả tiền nhưng công ty này không chịu. Chúng tôi đã liên hệ làm việc với Công ty Đàm Gia Việt để có phương án thanh toán tiền nhưng công ty này cũng không thanh toán”, ông Tiền bức xúc nói.

Cùng chung bức xúc, ông Lê Quang Vinh cho biết đã đặt cọc tổng cộng 5 đợt hơn 312 triệu đồng để góp vốn cho căn hộ tiện ích ở K338/20 Hoàng Diệu. Sau đó, ông chưa đặt cọc tiếp theo tiến độ vì thấy công trình thi công được 4 tầng thì dừng lại.

Các chủ đầu tư cho biết, sau khi tìm hiểu tính pháp lý của dự án căn hộ tiện ích ở K338/20 Hoàng Diệu thì thấy dự án chỉ được UBND quận Hải Châu cấp phép xây dựng loại hình nhà ở, tổng cộng 4 tầng (có thêm 1 tầng lửng). Tuy nhiên, Công ty KV353 và Công ty Đàm Gia Việt đã rao bán, huy động vốn 7 tầng.

Ai chịu trách nhiệm với các chủ đầu tư?

Bà Trần Thị Hồng, Giám đốc Công ty KV353 lý giải, thực chất công ty này chỉ là đơn vị kinh doanh/môi giới và trung gian giữa khách hàng với phía Công ty Đàm Gia Việt. “Chúng tôi được phía Công ty Đàm Gia Việt ủy quyền nhận đặt cọc và thu hộ tiền cọc. Chúng tôi đã bàn giao toàn bộ tiền, hồ sơ khách hàng cho Công ty Đàm Gia Việt nên mọi thủ tục liên quan về sau thì phía Công ty Đàm Gia Việt phải có trách nhiệm với khách hàng”, bà Hồng nói.

Cũng theo bà Hồng, Công ty KV353 đã ký kết hợp tác kinh doanh và hợp đồng ủy quyền rõ ràng với Công ty Đàm Gia Việt. Theo đó, khách ký “hợp đồng đặt cọc” thì ký với Công ty KV353, sau đó khách phải ký thêm “hợp đồng thuê quyền sử dụng căn hộ có thời hạn” với Công ty Đàm Gia Việt. Trong hợp đồng này có nội dung: “Công ty Đàm Gia Việt giữ nguyên các điều khoản thỏa thuận trong hợp đồng đặt cọc mà khách hàng đã ký với Công ty KV353 cũng được xem là những thỏa thuận ràng buộc quyền lợi, trách nhiệm giữa khách hàng và Công ty Đàm Gia Việt”.

Sau khi khách hàng thắc mắc về một số nội dung pháp lý, ngày 26-5-2019, các bên đã họp để thông báo tiến độ, thỏa thuận nội dung trong hợp đồng thuê, thỏa thuận quyền và nghĩa vụ của hai bên; ký kết hợp đồng thuê quyền sử dụng căn hộ... Biên bản cuộc họp ghi rõ: Bên cho thuê là Công ty Đàm Gia Việt do bà Lương Anh Thư làm Tổng Giám đốc; bên môi giới là Công ty KV353; phía bên thuê căn hộ vẫn ghi: “Khách hàng thuê căn hộ từ tầng 1 tới tầng 7 tòa nhà K338/20 Hoàng Diệu”.

Giải đáp thắc mắc vì sao biết giấy phép xây dựng căn hộ K338/20 Hoàng Diệu chỉ được cấp xây 4 tầng và tầng lửng, nhưng biên bản vẫn đề cập 7 tầng, bà Hồng nói rằng do tin tưởng tên lô đất trong giấy chứng nhận quyền sở hữu đất ở đứng tên bà Lương Anh Thư và bà Thư luôn khẳng định sẽ xin được giấy phép bổ sung các tầng 6-7. “Nếu Công ty Đàm Gia Việt không bàn giao theo tiến độ và hợp đồng thì họ phải đền bù theo thỏa thuận. Công ty KV353 sẽ hỗ trợ khách hàng tối đa để bảo đảm quyền lợi mà khách đã ký trong hợp đồng”, bà Hồng khẳng định.

Theo hồ sơ chúng tôi có được, phía Công ty Đàm Gia Việt đã có 2 thông báo kèm công văn gửi tới khách hàng để “xin lỗi vì chậm tiến độ bàn giao”. Trong đó, thông báo lần 1 (ngày 15-12-2019) nêu lý do hệ thống phòng cháy chữa cháy của tòa nhà được thiết kế chưa đáp ứng đủ yêu cầu nên thời gian bàn giao căn hộ lùi lại đến ngày 31-3-2020. Thông báo lần 2 nêu lý do xảy ra dịch bệnh Covid-19 nên lùi thời gian bàn giao căn hộ đến ngày 30-6-2020.

Tại Công văn ngày 4-3-2020 trả lời khách hàng, Công ty Đàm Gia Việt cũng tiếp tục xin lỗi về việc chậm bàn giao căn hộ và lùi thời gian bàn giao đến 30-6-2020.

Trao đổi với phóng viên, bà Lương Anh Thư, Tổng Giám đốc Công ty Đàm Gia Việt cho biết, nếu các khách hàng cảm thấy bị lừa thì có quyền khởi kiện theo đúng hợp đồng. Khi chúng tôi hỏi về việc giấy phép xây dựng chỉ cho xây 4 tầng và tầng lửng nhưng Công ty Đàm Gia Việt vẫn rao bán các căn từ tầng 5 tới tầng 7, bà Thư nói: “Hiện công trình chưa hoàn công nên chưa thể nói có hoặc không có căn hộ để bàn giao. Khách hàng có quyền khởi kiện ra các cơ quan có chức năng để được phán xét. Còn mình ký hợp đồng thế nào mình sẽ thực hiện theo điều khoản trong hợp đồng”.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Minh Huy, Phó Chủ tịch UBND quận Hải Châu, công trình trong kiệt, hẻm chỉ được phép xây dựng tối đa cao 16,5m so với nền đường tại vị trí xây dựng. “Đối với công trình nhà ở tại K338/20 Hoàng Diệu, chúng tôi đã kiểm tra và xử phạt chủ dự án 25 triệu đồng về hành vi xây dựng công trình không phép, đồng thời buộc bổ sung giấy phép xây dựng. Còn đối với phần tầng 5 đang xây trụ bê-tông cốt thép vượt so với quy định, chúng tôi yêu cầu chủ dự án phải tháo dỡ”, ông Huy nói.

Xác nhận với phóng viên, đại diện Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và quản lý chức vụ, Công an thành phố Đà Nẵng cho biết, đơn vị đã nhận được đơn tố cáo của nhóm chủ đầu tư nói trên đối với Công ty KV353 và Công ty Đàm Gia Việt về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. “Trước mắt, chúng tôi sẽ tập hợp các lời khai của bị hại và tiến hành xác minh theo quy định”, vị đại diện này nói.

Còn một giấy phép xây dựng khác đối với khu đất K338/20 Hoàng Diệu?

Theo tài liệu chúng tôi có được, liên quan tới khu đất K338/20 Hoàng Diệu còn xuất hiện một giấy phép xây dựng số 1847/GPXD ngày 17-12-2018. Theo đó, giấy phép này thể hiện: cấp cho Công ty TNHH MTV D.N.B, vị trí xây dựng ở K338/20 Hoàng Diệu, thuộc thửa đất số 285, tờ bản đồ số 10. Điều đáng nói là ở phần chiều cao công trình trong giấy phép này thể hiện là 23m so với nền đường, với quy mô 6 tầng (trong đó tầng hầm, tầng 1 + tầng lửng và các tầng 2, 3, 4, 5, 6). Theo ông Nguyễn Minh Huy, Phó Chủ tịch UBND quận Hải Châu, nhiều khả năng đây là giấy phép giả, UBND quận đã báo cáo và giao cho các cơ quan chức năng có liên quan xác minh, làm rõ.

Làm gì để hạn chế rủi ro khi đặt cọc mua nhà, đất?

Theo luật sư Đỗ Thành Nhân, Trưởng Văn phòng Luật sư Đỗ Thành Nhân (quận Thanh Khê), vấn đề đặt cọc để giao dịch tài sản bất động sản là giao dịch lớn và tiềm ẩn nhiều rủi ro, đơn cử như: dự án thuộc khu vực thế chấp ngân hàng, giải tỏa, quy hoạch; dự án chưa có đầy đủ giấy tờ pháp lý..., nên người dân cần hết sức cẩn trọng khi tiến hành giao dịch để tránh bị lừa, mất tiền hoặc rơi vào cảnh kiện tụng kéo dài. “Để hạn chế thấp nhất rủi ro, trước khi ký hợp đồng, người mua cần phải tìm hiểu thật kỹ tính pháp lý của dự án mình muốn đầu tư, các điều khoản cam kết liên quan tới hợp đồng...”, luật sư Nhân khuyến cáo.

Đối với vụ việc trên, theo luật sư Nhân, nếu phía Công ty KV353 và Công ty Đàm Gia Việt biết rõ việc không thể thực hiện được xây dựng các căn hộ ở tầng 6-7 mà vẫn thực hiện quảng cáo, rao bán và huy động vốn thì có dấu hiệu lừa đảo. “Nếu cơ quan điều tra xác định có đủ yếu tố để khởi tố vụ án hình sự “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thì sẽ buộc chủ dự án phải trả lại tiền cọc của các chủ đầu tư, tức là có vụ án dân sự trong vụ án hình sự”, luật sư Đỗ Thành Nhân phân tích thêm.

ĐẮC MẠNH
 

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.