Bạn đọc

Kỳ thị không giúp đẩy lùi Covid-19

13:47, 19/08/2020 (GMT+7)

Khi nhân dân cả nước đang hết mình ủng hộ chính quyền và lực lượng chức năng trong việc ngăn chặn tối đa sự bùng phát của Covid-19, đâu đó vẫn tồn tại những cá nhân có cách hành xử xấu xí. Nỗi âu lo thái quá đẩy họ vào sự định kiến và kỳ thị, từ đó công kích bằng những lời lẽ khó nghe đối với bệnh nhân Covid-19 và người đang có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, thậm chí cả người ở vùng cách ly. Không chỉ ở trang facebook cá nhân mà họ còn lần tìm trang facebook của các “nạn nhân” để “tấn công” dồn dập.  

Cũng vì lẽ đó, thảng hoặc, giữa ngồn ngộn thông tin tử tế về việc chung sức chống dịch, chúng ta vẫn bắt gặp những con chữ đau đáu - bệnh nhân này lên tiếng xin lỗi, người nhà của bệnh nhân kia khẩn thiết phân trần. Những tâm sự của các “nạn nhân” ngập tràn niềm day dứt và cả nỗi buồn thăm thẳm, dù họ không có lỗi. Những cảm giác trở thành “nguồn cơn” phát tán bệnh không hề dễ chịu.

Các bệnh nhân chẳng còn tâm trí lo lắng cho bệnh tật của bản thân mà bận tâm nhiều hơn về tình hình sức khỏe của mọi người xung quanh. Đa số những người bất ngờ bị “gắn số hiệu” đều nhanh chóng thông báo đến người quen, những người có tiếp xúc và chung tâm trạng thấp thỏm, hy vọng không F1, F2 nào của mình phải trở thành F0.

Không ai mong muốn mình trở thành “nạn nhân” của Covid-19. Cuộc sống của những F0 vốn đã có những xáo trộn lớn, từ sức khỏe đến học tập hay công việc. Thế nhưng, các bệnh nhân bên cạnh việc đương đầu với căn bệnh giờ phải gánh thêm áp lực từ sự quá khích của một bộ phận người dân. Tinh thần căng thẳng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến thể lực, khiến việc điều trị gặp khó khăn. Quan trọng hơn, điều này nếu không được kiểm soát kịp thời rất dễ dẫn đến hệ lụy xấu.

Nhận thức tầm quan trọng của vấn đề này, Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam đã xây dựng các infographic (đồ họa thông tin) về giảm kỳ thị đối với những người mắc Covid-19. WHO cho rằng, người mắc Covid-19 không có nghĩa là họ đã làm gì sai và phải bị hạ thấp giá trị hơn bất kỳ ai khác.

Do đó, thay vì tốn năng lượng công kích người khác, chúng ta nên nghiêm túc tuân thủ những lời khuyên từ WHO và Bộ Y tế như: hạn chế tối đa ra ngoài, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết; nếu buộc phải ra ngoài thì luôn đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tiếp xúc, tốt nhất là 2m; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; thường xuyên vệ sinh và để thông thoáng nhà cửa, lau rửa các bề mặt hay tiếp xúc, sinh hoạt lành mạnh; thực hiện cập nhật tình hình sức khỏe hằng ngày, giữ liên hệ thường xuyên với cán bộ y tế, cơ sở y tế. Việc theo dõi, cập nhật thông tin về bệnh nhân, lịch trình di chuyển là cần thiết, nhưng là để kịp thời khai báo y tế nếu bản thân có tiếp xúc với người nghi nhiễm.

Theo Luật sư Phạm Ngọc Hải (Đoàn Luật sư thành phố Đà Nẵng), đối với con người, chẳng những tính mạng, sức khỏe là vô giá mà danh dự, nhân phẩm cũng không kém phần quan trọng. Quyền được bảo vệ tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người là một trong những quyền quan trọng nhất trong các quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp ghi nhận và bảo hộ. Do đó, hành vi kỳ thị phổ biến nhất thời gian qua là việc tung tin sai sự thật về những người mắc Covid-19 hoặc người trở về từ vùng dịch là trái pháp luật.

Luật sư Phạm Ngọc Hải cho biết, hành vi “Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân” trên mạng xã hội có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng. Nghiêm trọng hơn, nếu những thông tin sai sự thật này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của người khác thì đối tượng còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 về tội “Làm nhục người khác” với mức phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 - 30 triệu đồng, hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù lên đến 5 năm tùy mức độ vi phạm. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.

Rõ ràng, sự phân biệt đối xử với những người không may bị mắc bệnh không giúp cuộc chiến chống Covid-19 sớm được đẩy lùi. Thay vào đó, đoàn kết, chia sẻ sẽ cho chúng ta sức mạnh để chiến thắng. Vì vậy, mỗi người dân nên nhận thức rõ điều này để có cách hành xử phù hợp, giúp hậu quả của đại dịch Covid-19 được giảm thiểu đến mức thấp nhất.

DUY AN

.