Cần bảo đảm các điều kiện để nhận hỗ trợ Covid-19

.

Gói 62.000 tỷ đồng của Chính phủ để hỗ trợ các đối tượng thất nghiệp, khó khăn, bị ảnh hưởng bởi Covid-19 được triển khai từ tháng 4, nhưng hiện có không ít người lao động thất nghiệp, khó khăn vẫn chưa tiếp cận được gói hỗ trợ này do nhiều nguyên nhân khác nhau. Hiện cơ quan chức năng đang tiếp tục hướng dẫn người dân kê khai hồ sơ, thủ tục cần thiết nhằm bảo đảm quyền lợi người dân.

Người lao động tự do đến nhận gói hỗ trợ Covid-19 tại UBND phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà. 					                                       Ảnh: HUỲNH LÊ
Người lao động tự do đến nhận gói hỗ trợ Covid-19 tại UBND phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà. Ảnh: HUỲNH LÊ

Chị Nguyễn Thị Thùy Thế (trú tổ 2, phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ) cho biết, vài năm nay, kinh tế gia đình chị phụ thuộc hoàn toàn vào quán bún mắm vỉa hè nằm trên địa bàn phường Hòa Thọ Tây (quận Cẩm Lệ). Tuy nhiên, do ảnh hưởng Covid-19, quán ăn dừng hoạt động, gia đình lâm vào cảnh khó khăn.

Giữa tháng 5, khi Đà Nẵng triển khai hỗ trợ đợt 1 cho người dân khó khăn bị ảnh hưởng Covid-19, chị đến UBND phường Hòa Thọ Tây làm đơn đề nghị hỗ trợ, nộp giấy tờ tạm trú, sổ hộ khẩu theo hướng dẫn của cán bộ tiếp nhận, đồng thời về phường Khuê Trung xin xác nhận không nhận hỗ trợ tại địa phương này để về nhận tại phường Hòa Thọ Tây. Tuy nhiên, hồ sơ của chị đến nay vẫn chưa được giải quyết. “Tôi không hiểu vì sao hồ sơ của tôi bị loại trong đợt 1 dù tôi khai báo rõ ràng, đầy đủ thông tin theo hướng dẫn”, chị Thế nói.

Không chỉ chị Thùy Thế mà có khá nhiều lao động tự do, thất nghiệp thời gian dài chưa tiếp cận được gói hỗ trợ này. Là người bán hàng rong, thuê trọ tại tổ 8, phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu), do ảnh hưởng của Covid-19, mấy tháng nay chị Nguyễn Thị Kim Huệ thất nghiệp, kinh tế gặp không ít khó khăn. Chị Huệ chia sẻ: “Dịch bệnh khiến tôi không buôn bán gì được, tiền thuê trọ, tiền nhập học cho con đành phải khất lại. Sau khi biết Chính phủ có gói 62.000 tỷ đồng hỗ trợ người dân gặp khó khăn, lao động thất nghiệp do ảnh hưởng Covid-19, tôi đã đến phường khai báo nhưng đến nay chưa có thông tin phản hồi”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, các trường hợp chậm chi trả tiền hỗ trợ do ảnh hưởng Covid-19 xuất phát từ nhiều nguyên nhân, dẫn đến chưa bảo đảm đủ điều kiện để nhận hỗ trợ. Đơn cử, khi thấy mình không có tên trong danh sách nhận hỗ trợ đợt 1, chị Nguyễn Thị Thùy Thế đã gửi ý kiến đến UBND phường Hòa Thọ Tây và được UBND phường trả lời như sau: “Thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9-4-2020 về thực hiện các biện pháp hỗ trợ người gặp khó khăn do Covid-19, UBND phường thực hiện các bước hướng dẫn kê khai và tiếp nhận hồ sơ theo quy định, trong đó có hồ sơ của chị Thế và chuyển lên UBND quận Cẩm Lệ.

Tuy nhiên, do hiểu nhầm chữ xác nhận của UBND phường Khuê Trung (nội dung xác nhận: “Bà Nguyễn Thị Thùy Thế có hộ khẩu thường trú tại phường Khuê Trung, đã tiến hành kê khai danh sách nhưng chưa nhận các chính sách hỗ trợ do ảnh hưởng của Covid-19 tại địa phương” - PV) nên UBND quận Cẩm Lệ đã loại hồ sơ của chị Thế ra khỏi danh sách người kê khai tại phường Hòa Thọ Tây”.

Bà Ông Thị Thủy, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Thọ Tây cho biết, để bảo đảm quyền lợi của chị Thế, UBND phường đã liên hệ với UBND phường Khuê Trung,   được biết chị Thế chưa kê khai nhận hỗ trợ Covid-19 tại phường Khuê Trung nên phường Hòa Thọ Tây đã bổ sung lại hồ sơ của chị và chuyển lên UBND quận Cẩm Lệ xem xét, giải quyết. Trong khi đó, đối với trường hợp chị Nguyễn Thị Kim Huệ, UBND phường Hòa Hiệp Nam cho biết đã tiếp nhận hồ sơ từ tháng 7 và chuyển hồ sơ về Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) quận Liên Chiểu ngày 8-9-2020, đang chờ quyết định phê duyệt của UBND thành phố.

Ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, theo quy định, người lao động gặp khó khăn do Covid-19 được hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng từ gói 62.000 tỷ đồng của Chính phủ. Đợt 1, thành phố hỗ trợ hơn 22.000 lao động và đang hoàn thành việc hỗ trợ đợt 2 trước ngày 30-10 theo yêu cầu của UBND thành phố tại Công văn số 5945/UBND-LĐTBXH ngày 7-9-2020. Theo ông An, hiện còn rất nhiều trường hợp lao động tự do, bán hàng rong ngoại tỉnh tạm trú tại Đà Nẵng chưa cung cấp giấy xác nhận không nhận hỗ trợ tại địa chỉ thường trú nên chưa đủ điều kiện nhận hỗ trợ tại Đà Nẵng.

Ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam cho biết, Đà Nẵng có rất nhiều lao động trong ngành du lịch cần được hỗ trợ, đặc biệt là lao động tự do như: Hướng dẫn viên  tự do, lái xe, nhân viên nhà hàng, lao động hợp đồng đang nghỉ không lương... Theo Công văn số 2945/SLĐTBXH-VLATLĐ ngày 23-9 của Sở LĐ-TB&XH gửi UBND các quận, huyện hướng dẫn kê khai hồ sơ nhận hỗ trợ do ảnh hưởng của Covid-19, đối với người lao động làm công việc hướng dẫn viên du lịch tự do bị mất việc làm cần có đơn đề nghị và được Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng xác nhận là hướng dẫn viên du lịch tự do.

Theo ông Nguyễn Văn An, người lao động làm công việc hướng dẫn viên tự do là đối tượng người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm theo quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 7, Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24-4-2020 của Thủ tướng Chính phủ. Do đó, Sở LĐ-TB&XH có văn bản hướng dẫn gửi UBND các quận, huyện chỉ đạo các Phòng LĐ-TB&XH và UBND các phường/xã trong việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ nhằm bảo đảm quyền và lợi ích người lao động.

 Để tra cứu thông tin về kinh phí hỗ trợ người lao động ảnh hưởng bởi Covid-19, người dân, doanh nghiệp, tổ chức có thể truy cập địa chỉ https://congdulieu.vn hoặc https://opendata.danang.gov.vn. Tại đây, tiếp tục tra cứu dữ liệu “Thông tin kinh phí hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng Covid-19” theo từng nhóm đối tượng hoặc tìm kiếm theo số CMND, họ tên, địa chỉ.

Đối với ứng dụng Zalo, Tổng đài 1022 Đà Nẵng, người dùng truy cập menu “Covid-19”, chọn “Hỗ trợ Covid-19” và nhập thông tin để thực hiện tra cứu. Ngoài ra, người dân có thể tra cứu thông tin qua việc gửi tin nhắn SMS với nội dung “DVC HOTRO - SO CMND” hoặc “DVC HOTRO - HO TEN; PHUONG/XA” (viết không dấu) gửi đến đầu số 8188.

HUỲNH LÊ

;
;
.
.
.
.
.