Hướng dẫn chăm sóc, chống rét cho hoa, rau phục vụ Tết Nguyên đán

.

Ngày 20-1, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, vừa có thông báo hướng dẫn kỹ thuật cho các địa phương và người trồng hoa chăm sóc, chống rét cho hoa để phục vụ Tết.

Cần che chắn, tránh mưa và rét cho rau ăn lá để rau sinh trưởng, phát triển bình thường, phục vụ Tết.  Trong ảnh: Người trồng rau ở vùng rau La Hường che chắn mưa, rét cho rau. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Cần che chắn, tránh mưa và rét cho rau ăn lá để rau sinh trưởng, phát triển bình thường, phục vụ Tết. Trong ảnh: Người trồng rau ở vùng rau La Hường che chắn mưa, rét cho rau. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Theo đó, người trồng hoa cần tưới đủ ẩm theo nhu cầu dinh dưỡng của cây hoa trong những ngày rét đậm, bón thêm phân kali, phân lân, giảm bón đạm để giúp cây khỏe mạnh chống chịu với rét lạnh và có thể ủ thêm trấu, tro vào gốc hoa (trong tro và trấu có chứa kali giúp tăng sức đề kháng và cũng giúp giữ ấm cho cây). Trong những ngày rét, ánh sáng mặt trời khá hạn chế làm cho việc quang hợp của cây không diễn ra mạnh nên cần sưởi ấm trong thời tiết rét lạnh, đặc biệt với những loại hoa cần nở nhanh đúng vào dịp Tết thì nên dùng bóng đèn sưởi ấm cho cây. Có thể phun thêm vitamin B1 nồng độ thấp cho cây hoa mỗi ngày hoặc vài ngày một lần tùy theo tình trạng của cây để giúp cây có thêm chất dinh dưỡng, tăng sức đề kháng, gia tăng sản xuất diệp lục, tạo sự quang hợp tốt cho cây, kích thích ra rễ nhanh và hạn chế được sâu bệnh, vàng lá trong thời tiết rét.

Đối với rau ăn lá phục vụ Tết, người trồng nên che các luống rau bằng nilon để tránh mưa rét (nếu có điều kiện). Đồng thời tưới đủ ẩm theo nhu cầu dinh dưỡng của từng cây trong những ngày rét; bón thêm phân kali, phân lân và giảm bón đạm nhằm giúp cho quá trình hoạt động sinh lý, sinh hóa trong cây được thuận lợi. Cây hoạt động mạnh và hút được nước, dinh dưỡng, tăng khả năng chống rét. Đối với cây rau ăn quả, cần tỉa thưa hợp lý cành, nhánh làm bộ tán thông thoáng, hạn chế sâu bệnh hại; tiến hành thụ phấn nhân tạo, thụ phấn bổ sung cho các loại rau ăn quả (bí đao, bí đỏ, dưa leo, khổ qua…). Nông dân cần tăng cường sử dụng phân hữu cơ thay thế phân vô cơ để bón cho cây nhằm góp phần cải thiện chất lượng nông sản, nâng cao hiệu quả của sản xuất, bảo vệ nguồn tài nguyên đất. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cũng khuyến cáo người dân có diện tích trồng màu ở lân cận các vùng sản xuất rau không dùng thuốc trừ cỏ để phun nhằm tránh ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây rau mà nên xới xáo, vun gốc kết hợp làm cỏ trong quá trình chăm sóc cây màu.

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.