Nước sinh hoạt yếu, người dân than phiền

.

Thời gian qua, nguồn nước thô cung cấp cho hệ thống cấp nước thành phố tại sông Cầu Đỏ có nguy cơ bị nhiễm mặn nên lượng nước sinh hoạt cấp vào mạng lưới giảm về lưu lượng và áp lực. Đây là một trong những nguyên nhân khiến nước sinh hoạt tại một số khu vực yếu, chưa đáp ứng nhu cầu của người dân.

Ông Lê Văn Hoàng (tổ 1, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ) phản ánh, việc sinh hoạt của gia đình ông gặp khó khăn do nguồn nước sinh hoạt yếu, nhất là vào khung giờ cao điểm sáng, trưa, chiều tối. Có những hôm gia đình phải mua đồ ăn bên ngoài vì nguồn nước không đủ để nấu nướng, dọn rửa chén đĩa. Theo ông Hoàng, hạ tầng kỹ thuật tại tổ 1, phường Hòa Xuân được đưa vào sử dụng từ năm 2011 đến nay, nhưng việc cấp nước không đáp ứng nhu cầu sử dụng, đặc biệt từ giữa cuối tháng 2 đến nay. “Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị với Ban đại diện tổ dân phố, UBND phường Hòa Xuân nhờ can thiệp nhưng tình trạng này vẫn chưa được khắc phục. Mong cơ quan thẩm quyền xem xét và có hướng xử lý nhằm bảo đảm nhu cầu sống tối thiếu của người dân”, ông Hoàng nói.

Tại khu vực kiệt 94 đường Trần Xuân Lê (phường Hòa Khê, quận Thanh Khê), tình trạng tương tự cũng đang diễn ra. Một người dân sống tại địa chỉ K94/62 Trần Xuân Lê cho hay, cả tuần nay nước sinh hoạt rất yếu, nước chảy nhỏ giọt, lúc có lúc không. Tại tổ 27, phường An Khê, gần 80 hộ dân sống dọc tuyến đường Đỗ Đức Dục cũng than phiền về nguồn nước sinh hoạt không đủ sử dụng, áp lực yếu không thể bơm lên bồn chứa. Ông T. (đề nghị không nêu rõ tên) cho biết, ông đã gọi đến Tổng đài chăm sóc khách hàng của Xí nghiệp Cấp nước Thanh Khê thì được hướng dẫn mua máy bơm để bơm nước lên bồn, nhưng không phải gia đình nào cũng đủ điều kiện mua máy bơm.

Tình trạng nước sinh hoạt yếu gây khó khăn cho những gia đình có nhà cao tầng. Anh Nguyễn Duy Hưng (trú phường Hòa Xuân) cho hay, gia đình anh để máy giặt ở tầng 3, cũng là tầng thượng nhằm thuận tiện việc phơi đồ. Tuy nhiên, gần nửa tháng nay, nước sinh hoạt yếu khiến máy giặt khó vận hành. “Nước yếu cũng khiến hệ thống tưới nước tự động trên tầng thượng không hoạt động, để tưới cây chúng tôi phải hứng nước từ tầng 1 mang lên tầng 3”, ông Hưng nói.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, nguồn nước thô cung cấp cho hệ thống cấp nước thành phố tại sông Cầu Đỏ đã xuất hiện đợt nhiễm mặn đầu tiên, vượt ngưỡng cho phép 208mg/l. Ông Hồ Minh Nam, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) cho biết, từ giữa tháng 2, đơn vị này đã bắt đầu vận hành Trạm bơm phòng mặn An Trạch nhằm bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho người dân, với công suất cấp nước ngọt từ đập dâng An Trạch về Nhà máy nước Cầu Đỏ khoảng 245.000 - 250.000m3/ngày. Theo ông Hồ Minh Nam, đơn vị đang tập trung đẩy nhanh tiến độ cụm xử lý giai đoạn 2 của Nhà máy nước Cầu Đỏ với công suất 60.000m3/ngày, dự kiến hoàn thành vào quý 2-2021. Khi cụm xử lý giai đoạn 2 này đi vào hoạt động, tổng công suất Nhà máy nước Cầu Đỏ sẽ đạt 290.000m3/ngày, đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng nước sạch cho hơn 1 triệu dân thành phố. “Ngoài nguy cơ nhiễm mặn, để duy trì việc cấp nước sinh hoạt diện rộng cho người dân trong thời điểm trước và trong mùa khô, Dawaco đã chủ động điều tiết hệ thống cấp nước, giảm bơm, giảm áp lực nhằm tránh tiêu hao năng lượng, tránh nguy cơ xì vỡ ống nên có hiện tượng nước yếu một số nơi”, ông Nam lý giải.

Trong thời gian tới, đối với những khu vực thường xuyên xảy ra tình trạng yếu nước sinh hoạt, Dawaco khuyến cáo người dân cần có biện pháp dự trữ nước để bảo đảm nhu cầu sử dụng của gia đình. Được biết, từ cuối năm nay, Nhà máy nước Hòa Liên đi vào hoạt động sẽ góp phần giải quyết được bài toán thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô tại Đà Nẵng đến năm 2025.

HUỲNH LÊ

;
;
.
.
.
.
.