Sản xuất bún gây ô nhiễm tại khu dân cư

.

Báo Đà Nẵng nhận nhiều phản ánh của người dân về việc sản xuất bún tươi tại khu dân cư phát sinh nhiều bất cập, đặc biệt gây mùi hôi, ô nhiễm môi trường.

Bên trong một cơ sở sản xuất bún nằm trong khu dân cư trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn. (Ảnh do bạn đọc cung cấp)
Bên trong một cơ sở sản xuất bún nằm trong khu dân cư trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn. (Ảnh do bạn đọc cung cấp)

Một người dân (đề nghị không nêu tên, trú phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) cho biết, ngày 7-1, bà phản ánh đến cơ quan chức năng việc số nhà 18, đường Mỹ An 25 sản xuất bún gây ô nhiễm, tạo mùi hôi khó chịu, ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh, nhất là khi thời tiết nắng nóng. Qua theo dõi, bà được biết ngày 14-1, UBND phường đã cử cán bộ đến kiểm tra, lập biên bản yêu cầu ông Huỳnh Đức Toàn (chủ cơ sở) có biện pháp khắc phục mùi hôi, không để nước thải chảy ra khu vực xung quanh gây ô nhiễm. “Việc làm của chính quyền địa phương nhanh chóng và kịp thời. Tuy nhiên, đến nay tôi thấy lò bún này vẫn phát sinh mùi hôi như trước”, người này nói.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, cơ sở sản xuất bún theo phương pháp thủ công của ông Huỳnh Đức Toàn hoạt động theo Giấy phép kinh doanh số 32D8002281 do UBND quận Ngũ Hành Sơn cấp năm 2010. Việc sản xuất bún diễn ra từ 1-5 giờ sáng, với sản lượng hàng trăm ký bún cung cấp cho các chợ lớn, nhỏ tại địa phương. Ông Phan Thép, Phó Chủ tịch UBND phường Mỹ An cho biết, từ đầu năm đến nay, UBND phường đã 2 lần cử cán bộ quy tắc đô thị, công chức địa chính, xây dựng đến làm việc, yêu cầu hộ ông Toàn chủ động khắc phục như xây tường ngăn sau nhà, lắp đặt quạt thông gió, hoàn thành đầu tháng 4.

Đối với lò bún do ông Nguyễn Hữu Thanh (địa chỉ K149/H29/19-21-23 đường Lê Đình Lý) làm chủ, ngày 16-3, UBND phường Bình Thuận (quận Hải Châu) yêu cầu lò bún tạm dừng hoạt động, có biện pháp khắc phục mùi hôi, ô nhiễm, hoàn thành trước ngày 30-4. Quyết định này được đưa ra sau cuộc họp giữa lãnh đạo phường với đại diện các phòng chuyên môn, tổ dân phố và ông Nguyễn Hữu Thanh, trong đó đề nghị ông Thanh dừng hoạt động lò bún, tiến hành sửa chữa, cải tạo toàn bộ cơ sở, quy trình sản xuất cũng như hệ thống xử lý nước thải, hố ga, hệ thống điện, vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy. Sau ngày 30-4, nếu ông Thanh không thực hiện đúng các biện pháp đã yêu cầu, UBND phường sẽ đề nghị phòng chức năng tiến hành xử lý vi phạm hành chính theo quy định. Trong suốt thời gian này, UBND phường sẽ phối hợp với các phòng chức năng, khu dân cư kiểm tra, thẩm định chất lượng cơ sở sau khi nâng cấp, bảo đảm vệ sinh môi trường mới cho hoạt động tiếp.

Được biết trước đó, tập thể người dân sống tại K49H29 đường Lê Đình Lý đã gửi kiến nghị lên UBND phường Bình Thuận, yêu cầu dừng hoạt động lò bún của ông Thanh. Lý do nhiều năm nay họ phải chịu cảnh ô nhiễm, mùi hôi nồng nặc phát ra từ lò bún này. Các hộ dân trong kiệt cũng không thể kinh doanh vì mùi hôi ảnh hưởng. Đây là cơ sở sản xuất bún lớn nhưng thiếu các biện pháp che chắn, ngăn mùi hôi khiến các hộ dân trong khu vực luôn sống trong cảnh ngột ngạt, hôi thối.

Theo lời người dân, các lò bún hoạt động trong khu dân cư không chỉ gây mùi hôi mà việc xả thải cũng rất tùy tiện. Nhiều nơi để nước chảy ra đường, lối thoát hiểm khiến không gian xung quanh trở nên nhếch nhác, mất mỹ quan. Quy trình sản xuất bún trải qua các giai đoạn như: ngâm, ủ, xay nhuyễn gạo rồi nhào trộn trong nước sạch tạo thành dung dịch lỏng trước khi cho vào khuôn đúc. Trong nước thải sản xuất bún có khoảng 25-30% tinh bột, khoáng vi lượng, chất hữu cơ lên men, theo thời gian bị phân hủy yếm khí phát sinh mùi hôi thối. Ngoài ra, trong nước thải còn có các chỉ số BOD, COD, nitơ, phốt-pho, chất thải khó phân hủy, nếu không được thu gom sẽ ngấm xuống lòng đất gây ô nhiễm nguồn nước. Theo Quyết định số 23/2010/QĐ-UBND ngày 10-8-2010 của UBND thành phố Đà Nẵng, sản xuất bún là 1 trong 19 ngành nghề mà thành phố có chủ trương hạn chế hoạt động trong khu dân cư, cần di dời ra khỏi khu vực trung tâm để tránh gây ô nhiễm.

T.Y

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích