Mạnh tay xử lý ô nhiễm tiếng ồn

.

Sau khi UBND thành phố có Công văn số 1478/UBND-ĐTĐT (Công văn 1478) về tăng cường kiểm tra, xử lý ô nhiễm tiếng ồn do các hoạt động mở nhạc, hát karaoke trong khu dân cư, đô thị trên địa bàn, một số địa phương lập tổ phản ứng nhanh để xử lý cũng như đưa nội dung tuyên truyền ô nhiễm tiếng ồn vào sinh hoạt tổ dân phố, lồng ghép vào tiêu chí đánh giá khu dân cư văn hóa hằng năm.

Cán bộ Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Công an thành phố phối hợp kiểm tra tiếng ồn tại một địa chỉ kinh doanh trên tuyến đường Võ Nguyên Giáp, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn. Ảnh: T.Y
Cán bộ Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Công an thành phố phối hợp kiểm tra tiếng ồn tại một địa chỉ kinh doanh trên tuyến đường Võ Nguyên Giáp, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn. Ảnh: T.Y

“Điếc tai” với đủ loại âm thanh

Trời chưa tối hẳn, chị Nguyễn Quỳnh Tr. (trú phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) vội vàng đóng hết cửa sổ lẫn cửa chính khi tiếng nhạc rền rĩ bắt đầu cất lên từ quán nhậu cách nhà chị vài bước chân. “Xung quanh khu nhà tôi ngày nào người ta cũng bật karaoke, hát đi hát lại mấy bài “Buồn làm chi em ơi”, “Gọi đò”, “Gánh mẹ”...

Thật sự tôi không biết khi nào mới chấm dứt tình trạng này. Nhà có con bé học lớp 2 buổi tối đọc bảng cửu chương mà lộn tới lộn lui vì ồn quá. Người lớn đi làm về đã mệt còn bị tra tấn bởi mấy bài hát thê lương với âm thanh hết cỡ thì làm sao chịu nổi”, chị Tr. bực dọc nói.

Cũng vì tiếng ồn, nhiều nơi hàng xóm trở nên mâu thuẫn, nhà sát vách không nhìn mặt nhau. Ông Lê Hồng Thuận (trú tổ 58, phường Chính Gián, quận Thanh Khê) cho hay, tiếng ồn phát ra từ một quán cà phê mới mở đã làm khu phố 294-296 Điện Biên Phủ nơi ông ở  không còn bình yên như trước. Theo ông Thuận, khu vực này vốn rộng rãi, nơi người già, trẻ nhỏ ngồi chơi, thư giãn khi chiều xuống.

Nhưng từ khi hộ ông Hùng (địa chỉ 294/32 Điện Biên Phủ) mở quán cà phê, thường xuyên có khách tập trung đàn hát, gõ trống rầm rầm thì cả khu như ngột thở. Ngoài tiếng ồn đinh tai nhức óc, quán cà phê còn cho khách hút thuốc lá điện tử, xe để tràn lan, ồn ào từ sáng đến tận đêm khuya. Góp ý không được, ông Thuận cùng 16 hộ dân khác đồng loạt ký đơn gửi đến UBND quận Thanh Khê nhờ giải quyết.

Ông Huỳnh Bá Tuấn, người ký cùng đơn với ông Thuận nói rằng bản thân ông rất đắn đo khi ký vào đơn tập thể. Tuy nhiên, không thể chịu đựng thêm, lâu lâu nghe ca nhạc hát hò xíu còn ráng chịu, chứ buôn bán mở nhạc cả ngày, nếu không lên tiếng thì sớm muộn gì bản thân cũng stress nặng.

Ô nhiễm tiếng ồn là vấn nạn tại Đà Nẵng vài năm trở lại đây. Đó là hỗn tạp nhiều thứ âm thanh phát ra từ loa kẹo kéo, xưởng cơ khí, cửa hàng điện tử, xưởng gỗ, xưởng đóng tàu, từ hệ thống âm thanh của các bar, pup, nhà hàng, quán cà phê. Thậm chí, tiếng ồn từ hệ thống quạt thông gió nếu không được lắp đặt đúng cách, đúng vị trí cũng trở thành thứ âm thanh đáng sợ.

Đơn cử, chị L. (trú đường Phú Xuân 3, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) cho hay, chị đã tìm lại giấc ngủ ngon sau nhiều tháng bị tra tấn bởi thứ âm thanh rì rè phát ra từ hệ thống quạt thông gió của công ty bên cạnh. Tiếng ồn, hơi nóng từ cục thông gió phả thẳng vào mảng tường phòng ngủ, khiến nhiều hôm chị cảm thấy nghẹt thở, người bức bối khó chịu. Góp ý không được, cực chẳng đã chị phải nhờ cơ quan chức năng can thiệp.

Nhận tin báo, Đại úy Trần Quang Huy, Phó phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an thành phố trực tiếp liên lạc với chị L, sau đó cùng lực lượng xuống hiện trường kiểm tra, đo đạc. Chiếc quạt thông gió kích thước lớn phát ra âm thanh vượt quy chuẩn cho phép từ 5-10 dB, doanh nghiệp bị xử phạt 25 triệu đồng. “May mà họ đồng ý chuyển quạt thông gió lên phần mái của tòa nhà, nhờ rứa phòng ngủ của gia đình tôi yên tĩnh hơn”, chị L. nói.

Từ ngày 1-6, mạnh tay xử phạt

Khi UBND thành phố có Công văn 1478, một số địa phương nhanh chóng triển khai lực lượng tuần tra, tập trung tuyên truyền, nhắc nhở người dân dừng hát karaoke trong khu dân cư trước khi tiến hành xử phạt nghiêm từ ngày 1-6.

Ông Hồ Tấn Phước, Phó Chủ tịch UBND phường Nại Hiên Đông cho biết, thời gian qua, tình trạng sử dụng loa di động công suất lớn hát karaoke tại khu dân cư ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt của người dân, khiến tình hình an ninh trật tự tại địa phương thêm phức tạp. Dù vậy, chế tài xử lý vẫn còn bất cập khi chưa có hướng dẫn, quy định đối với các cá nhân sử dụng loa di động không vào mục đích kinh doanh.

Để hỗ trợ người dân trong việc xử lý ô nhiễm tiếng ồn, từ tháng 7-2019, UBND phường Nại Hiên Đông lập Tổ phản ứng nhanh gồm lãnh đạo UBND phường, đại diện lực lượng Công an, quân sự phường, cán bộ, công chức chuyên môn.

Khi xử lý vụ việc có thêm sự tham gia của Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận và Tổ trưởng Tổ dân phố, đưa vào tiêu chí đánh giá gia đình văn hóa cuối năm. Theo ông Phước, một trong những nhiệm vụ của Tổ phản ứng nhanh là giải thích, vận động, nhắc nhở và xử lý các trường hợp hát loa kẹo kéo gây ồn ào theo phản ánh của người dân vào ban ngày.

Vào ban đêm, UBND phường yêu cầu Tổ tuần tra 8394, dân phòng khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát địa bàn tích cực vận động, giải thích người dân hạn chế mở loa di động với âm thanh lớn hoặc hát karaoke kéo dài; kiên quyết xử lý các trường hợp không hợp tác, cố tình gây thêm tiếng ồn hoặc để xảy ra mâu thuẫn do tiếng ồn, nhất là sau 22 giờ. Đồng thời, địa phương cũng tăng cường công tác tuyên truyền, thông tin cho người dân biết về vấn nạn ô nhiễm tiếng ồn trên facebook của UBND phường.

Ông Nguyễn Văn Mạnh (sống trên tuyến đường Khúc Hạo, phường Nại Hiên Đông) vui vẻ cho biết, những ngày gần đây, tình trạng hát karaoke bằng loa kẹo kéo trên địa bàn giảm hẳn. “Mong qua tuyên truyền, người dân biết các quy định pháp luật về xử lý tiếng ồn để có cách cư xử đúng mực, không nên tùy tiện hát hò âm lượng lớn làm phiền hàng xóm”, ông Mạnh bộc bạch.

Theo đánh giá của Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an thành phố, tại các quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu, Cẩm Lệ tập trung nhiều vi phạm tiếng ồn từ karaoke hộ gia đình, xưởng cơ khí, gia công đồ gỗ. Trong khi đó, đối với các quận Hải Châu, Thanh Khê, tiếng ồn phần lớn phát ra từ các bar, pub, quán cà phê nhạc sống.

Đại tá Trần Thanh Nhơn, Trưởng phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường, Công an thành phố khẳng định đơn vị đang tập trung xử lý các điểm gây ồn thường xuyên như bar, pub, quán cà phê nhạc sống, các điểm kinh doanh hàng điện tử; đồng thời, phối hợp với Công an các quận, huyện rà soát, lập danh sách 813 tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm tiếng ồn, qua đó vận động 767 tổ chức, cá nhân viết cam kết không vi phạm pháp luật về ô nhiễm tiếng ồn.

Theo Đại tá Trần Thanh Nhơn, phần lớn các vi phạm về tiếng ồn không liên tục nên khi xảy ra vụ việc cần sự có mặt kịp thời của cơ quan kiểm định độ ồn. Ngoài ra, các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, nằm sát khu dân cư, chủ yếu hoạt động vào ban ngày như xưởng cơ khí, sản xuất gỗ, dù tiếng ồn không vượt chuẩn cho phép nhưng vẫn gây khó chịu cho người dân sống gần đó. “Cái khó trong xử lý ô nhiễm tiếng ồn là các văn bản pháp luật về tiếng ồn chưa hoàn thiện.

Nếu Nghị định số 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ chỉ cho phép xử lý vi phạm tiếng ồn sau 22 giờ thì Nghị định số 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực môi trường lại có mức phạt tiền cao (từ vài triệu đến vài chục triệu) nên khó áp dụng đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ hoặc ô nhiễm tiếng ồn phát ra từ hệ thống karaoke gia đình.

Ngoài ra, chúng ta cũng chưa có quy định cụ thể về phân công trách nhiệm của các sở, ngành, UBND các cấp trong phối hợp xử lý ô nhiễm tiếng ồn nên đôi lúc còn lúng túng, chưa hiệu quả”, Đại tá Trần Thanh Nhơn chia sẻ.

Từ ngày Đà Nẵng mạnh tay với ô nhiễm tiếng ồn, nhiều hộ dân quyết định bán loa kẹo kéo. Ông Nguyễn Tuấn A., ngư dân sống tại chung cư ở Nại Hiên Đông cho biết vừa thanh lý loa kẹo kéo giá 1,2 triệu đồng sau 2 lần bị UBND phường nhắc nhở vì làm ồn hàng xóm.

Hai năm trước, sau lần trúng đậm mùa ruốc biển, ông A. mạnh tay chi 4,6 triệu đồng mua loa kẹo kéo, kết nối bluetooth hát hò thư giãn sau mỗi chuyến vào bờ. Thời gian đầu, hàng xóm sang giao lưu nhưng sau này mỗi lần ông mở loa thì họ có ý kiến, thậm chí có lần gọi báo với phường nhờ can thiệp.

Hỏi có tiếc không, ông A. bật cười, nói không tiếc. “Mình mua loa về hát cho vui. Mà giờ không vui nữa thì bán. Sau này có nhậu nhẹt, ưng thì mình hát chay, gõ chén gõ ly vui vui cũng được rồi”, ông nói.

Ông Lê Xuân Đài, Tổ trưởng tổ 37, phường Thạch Thang, quận Hải Châu: Cần người dân ý thức hơn, tránh gây phiền hà cho hàng xóm

Tôi từng theo chân cán bộ, cảnh sát môi trường đi kiểm tra thực tế, xử lý các điểm gây ồn trong khu dân cư. Có thể nói, để xử được không phải dễ, vì phụ thuộc nhiều vào cơ quan có thẩm quyền. Nhiều nơi vì tiếng ồn mà xóm giềng trở nên mâu thuẫn. Có người chịu không nổi tiếng ồn, gọi điện báo tôi nhưng yêu cầu tôi không cung cấp thông tin của họ vì ngại va chạm với hàng xóm. Ngoài xử phạt hành chính, tôi nghĩ quan trọng nhất vẫn là ý thức của người dân. Người buôn bán thì cần chuẩn bị hệ thống cách âm tốt; đối với những quán có không gian mở, cần chọn dòng nhạc phù hợp với âm lượng nhỏ khi hoạt động tại khu dân cư đông người.

Sở Tư pháp thành phố Đà Nẵng ban hành công văn gửi Công an thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các quận, huyện hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn. Theo đó, đối với hành vi mở nhạc, hát karaoke gây ồn tại khu dân cư, sẽ bị xử phạt theo Nghị định số 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Tùy trường hợp cụ thể có mức phạt từ 100.000 đồng đến 1 triệu đồng; đặc biệt cơ quan quản lý Nhà nước được phép phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi tụ tập nhiều người gây mất trật tự công cộng.

TIỂU YẾN

;
;
.
.
.
.
.