"Né" cung cấp thông tin cho báo chí: Có đúng luật?

.

Hiện nay có tình trạng lãnh đạo,người phát ngôn ở một số cơ quan, địa phương tìm cách né tránh, đùn đẩy, từ chối cung cấp thông tin cho báo chí. Việc “né” cung cấp thông tin có đúng quy định của Luật Báo chí không?

Việc cung cấp thông tin cho báo chí có thể bằng văn bản, trên trang thông tin điện tử tổng hợp, họp báo, trả lời phỏng vấn và các hình thức khác. Trong ảnh: Lãnh đạo quận Sơn Trà trả lời báo chí tại một điểm bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Ảnh: ĐẮC MẠNH
Việc cung cấp thông tin cho báo chí có thể bằng văn bản, trên trang thông tin điện tử tổng hợp, họp báo, trả lời phỏng vấn và các hình thức khác. TRONG ẢNH: Lãnh đạo quận Sơn Trà trả lời báo chí tại một điểm bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Ảnh: ĐẮC MẠNH

Điều 38 Luật Báo chí năm 2016, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2017 quy định: “Trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình, các cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm có quyền và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin đã cung cấp. Việc cung cấp thông tin cho báo chí có thể bằng văn bản, trên trang thông tin điện tử tổng hợp, họp báo, trả lời phỏng vấn và các hình thức khác. Cơ quan báo chí phải sử dụng chuẩn xác nội dung được cung cấp và phải nêu rõ xuất xứ nguồn tin...”.

Điều 39 Luật Báo chí năm 2016 quy định: “Người đứng đầu cơ quan báo chí có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trả lời vấn đề mà công dân nêu ra trên báo chí. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của người đứng đầu cơ quan báo chí, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trả lời trên báo chí.

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được ý kiến, kiến nghị, phê bình, khiếu nại của tổ chức, công dân và tố cáo của công dân do cơ quan báo chí chuyển đến, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có trách nhiệm thông báo cho cơ quan báo chí biết biện pháp giải quyết. Nếu quá thời hạn nêu trên mà không nhận được thông báo của cơ quan, tổ chức thì cơ quan báo chí có quyền chuyển ý kiến, kiến nghị, phê bình, khiếu nại, tố cáo của tổ chức, công dân đến cơ quan cấp cao hơn có thẩm quyền giải quyết hoặc đưa vấn đề đó lên báo chí”.

Ngoài ra, việc phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính còn được quy định tại Nghị định số 09/2017/NĐ-CP ngày 9-2-2017 của Chính phủ. Tuy nhiên, trong quá trình tác nghiệp, chúng tôi gặp không ít trường hợp lãnh đạo/người phát ngôn ở một số cơ quan, địa phương lấy đủ lý do như: bận họp, bận đi công tác, cần xin ý kiến cấp trên, hay một số trường hợp còn tránh né trả lời báo chí bằng cách viện cớ lãnh đạo/người phát ngôn ốm đau…, gây bất lợi cho báo chí. Ngoài ra, người thiệt thòi nhất ở đây chính là người dân/bạn đọc bởi họ không có đầy đủ thông tin kịp thời. Khi ấy, những thông tin do suy đoán, thông tin thiếu chính xác/thiếu kiểm chứng sẽ có cơ hội “lên ngôi”, nhất là trong thời đại mạng xã hội phát triển mạnh mẽ như hiện nay.

Đơn cử như trường hợp lãnh đạo Tòa án nhân dân một quận trên địa bàn Đà Nẵng mới đây, dù phóng viên Báo Đà Nẵng cùng một số phóng viên cơ quan báo chí Trung ương khác đóng trên địa bàn Đà Nẵng đã liên hệ trực tiếp, xin lịch hẹn để trao đổi thông tin liên quan tới đơn thư khiếu nại của bạn đọc nhưng hơn 30 ngày sau, vị này vẫn lấy lý do... “chưa sắp xếp được thời gian do bận họp” để “né” cung cấp thông tin cho báo chí.

Cũng có những cơ quan, đơn vị, dù phóng viên đã xuất trình thẻ nhà báo, nhưng vẫn kiên quyết yêu cầu cung cấp thêm giấy giới thiệu của cơ quan báo chí. Trong khi đó, Điều 25 Luật Báo chí năm 2016 quy định: Nhà báo được đến các cơ quan, tổ chức để hoạt động nghiệp vụ báo chí; khi đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo. Theo đó, các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm cung cấp cho nhà báo những tư liệu, tài liệu không thuộc phạm vi bí mật Nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật…

Theo luật sư Đỗ Thành Nhân, Trưởng Văn phòng Luật sư Đỗ Thành Nhân (quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng), nếu phóng viên xuất trình đầy đủ thẻ nhà báo hoặc giấy giới thiệu của cơ quan, thậm chí công văn để bảo đảm tính chính danh khi liên hệ làm việc mà lãnh đạo đơn vị, địa phương, doanh nghiệp không cung cấp/trả lời thì đồng nghĩa với việc họ đang vi phạm quy định của Chính phủ về cung cấp, trả lời thông tin cho báo chí và vi phạm Luật Báo chí.

Về nguyên nhân, theo luật sư Đỗ Thành Nhân, có khả năng là những người này tìm hiểu chưa kỹ về Luật Báo chí và chưa hiểu rõ về quyền hạn, nhiệm vụ của báo chí. “Thậm chí, họ nghĩ rằng, nếu né tránh được nhà báo thì sẽ đồng nghĩa với việc thông tin sẽ không được đưa ra công luận. Song, với việc phát triển của truyền thông xã hội (social media) thì suy nghĩ này không phù hợp với thực tế”, luật sư Đỗ Thành Nhân phân tích.

Phóng viên Phòng Cuối tuần - Bạn đọc Báo Đà Nẵng tiếp nhận thông tin, phản ánh từ bạn đọc. Ảnh: THANH TÌNH
Phóng viên Phòng Cuối tuần - Bạn đọc Báo Đà Nẵng tiếp nhận thông tin, phản ánh từ bạn đọc. Ảnh: THANH TÌNH

Về chế tài xử lý đối với hành vi “né” cung cấp thông tin cho báo chí, theo luật sư Đỗ Thành Nhân, mặc dù Luật Báo chí đã quy định rất cụ thể về cung cấp, trả lời thông tin cho báo chí nhưng lại chưa có chế tài xử lý hành vi vi phạm quy định này. “Tôi cho rằng, Luật Báo chí phải quy định rõ ràng về chế tài đối với lãnh đạo cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hoặc người được phân công phát ngôn/cung cấp thông tin cho báo chí mà cố tình không trả lời thông tin trên báo chí cũng như công văn mà cơ quan báo chí chuyển đến thì cần phải xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc xem xét có thể xử lý về mặt hình sự tùy thuộc vào mức độ vi phạm. Có như vậy, các cơ quan báo chí mới được cung cấp thông tin kịp thời, chính xác”, luật sư Đỗ Thành Nhân nêu quan điểm.

Theo bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) thành phố Đà Nẵng, là cơ quan quản lý Nhà nước về công tác phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, trong thời gian qua, sở luôn là cầu nối giữa các cơ quan báo chí với các cơ quan hành chính Nhà nước về việc cung cấp thông tin. Để phát huy hiệu quả việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, bà Phượng cho rằng, cần có sự nỗ lực từ cả hai phía là cơ quan báo chí và đơn vị cung cấp thông tin (cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị, cá nhân, doanh nghiệp có thẩm quyền).

Cụ thể, cơ quan báo chí cần xây dựng cho đội ngũ phóng viên, nhà báo quy trình khai thác thông tin chuyên nghiệp, từ cách lựa chọn chủ đề, câu hỏi phỏng vấn, đến cách thức liên hệ với người phát ngôn. Trong khi đó, người phát ngôn các cơ quan, đơn vị, địa phương nên xem báo chí như một kênh thông tin kết nối cần hợp tác để giúp nhân dân hiểu hơn về chức năng, nhiệm vụ của tổ chức, cơ quan, đơn vị; luôn lắng nghe, tiếp nhận ý kiến phản ánh của báo chí, lựa chọn cách cung cấp thông tin bảo đảm kịp thời, hiệu quả nhất.

ĐẮC MẠNH

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích