Nhiều tuyến đường mới mưa đã ngập

.

Không ít các tuyến đường, các khu dân cư trên địa bàn Đà Nẵng chỉ mới gặp một trận mưa nhỏ nhưng xảy ra hiện tượng ngập cục bộ, nước thoát chậm làm ảnh hưởng tới sinh hoạt cũng như gây khó khăn cho việc tham gia giao thông.

Mặt đường hẻm trước nhà K113/H29/12 Hoàng Văn Thái (quận Liên Chiểu) thường xuyên bị đọng nước dù trong thời điểm nắng nóng. Ảnh: ĐẮC MẠNH
Mặt đường hẻm trước nhà K113/H29/12 Hoàng Văn Thái (quận Liên Chiểu) thường xuyên bị đọng nước dù trong thời điểm nắng nóng. Ảnh: ĐẮC MẠNH

Ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân

Nhiều người dân bày tỏ lo lắng về tình trạng ngập cục bộ khi mùa mưa đang đến gần và mong muốn chính quyền địa phương cũng như cơ quan chức năng sớm giải quyết. Căn nhà của hộ ông Phạm Văn Việt (tổ 6 phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) nằm ngay góc ngã ba tuyến đường Bùi Thế Mỹ - Hải Triều.

Theo ông Việt, đoạn ngã ba này thấp trũng nhất khu vực nên cứ có cơn mưa là nước ở khu vực xung quanh đổ dồn về gây ngập cục bộ. “Chỉ cần một cơn mưa vừa thì đoạn ngã ba này bị ngập sâu khoảng 20-30cm và rút rất chậm, gây ảnh hưởng lớn tới sinh hoạt của người dân và gây khó khăn cho người tham gia giao thông”, ông Việt nói và cho biết, mặc dù hệ thống thoát nước và cửa thu được bố trí nhiều ở cả hai bên đường nhưng không hiểu lý do nào mà mỗi khi trời mưa to hay nhỏ thì nước cũng chảy lênh láng ra đường, gây ngập cục bộ.

Tương tự, đoạn đường trước dãy nhà số 760-770 Trần Cao Vân (quận Thanh Khê) thường xảy ra tình trạng ngập cục bộ sau mỗi cơn mưa. Chị Lý (nhà số 764 Trần Cao Vân) cho hay, dù mới đây cơ quan chức năng đã tiến hành cải tạo cống thoát nước và làm vỉa hè mới cho tuyến đường này nhưng chỉ cần có cơn mưa nhỏ thì cả đoạn đường bị ngập. Nước không những không thoát được mà còn trào ngược từ phía dưới miệng cống lên, làm bật nắp cống và chảy tràn ra đường.

Trong khi đó, tại đoạn đường nhánh 2 Tô Hiệu (từ ngã 5 Tô Hiệu ra chợ Hòa Mỹ cũ, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu), nhiều năm nay, cứ có cơn mưa là đoạn này ngập do nước thoát không kịp. Còn vào mùa nắng, đoạn đường lởm chởm, bụi bay mù mịt.

Khu vực tuyến đường Kiệt số 113/H29 Hoàng Văn Thái (tổ 48 phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) cũng trong tình trạng tương tự. Theo anh Trần Đình Dũng (tổ 48 phường Hòa Khánh Nam), đoạn kiệt dài chừng 100m này thường xuyên bị đọng nước, làm ảnh hưởng lớn tới sinh hoạt, đi lại của hơn 20 hộ dân.

“Do không có hệ thống thoát nước nên chỉ cần cơn mưa nhỏ là cả đoạn này thành sông. Người dân lo lắng khi mùa mưa sắp tới. Mong chính quyền sớm có cách giải quyết”, anh Dũng bày tỏ.

Địa phương kiến nghị xem xét, giải quyết

Trao đổi với phóng viên, đại diện lãnh đạo UBND các phường nêu trên đều cho biết, đối với vị trí cụ thể mà người dân phản ánh, phường sẽ tiến hành kiểm tra và đề xuất xử lý sớm. Còn hiện tại, UBND các phường đang rà soát, tập hợp và thống kê các điểm, tuyến, các khu dân cư có nguy cơ ngập úng cao trên địa bàn từng phường để đề xuất đơn vị chức năng xem xét, giải quyết.

Riêng với đoạn nhánh 2 Tô Hiệu, theo ông Phạm Ngọc Lãnh, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Minh, dự án cải tạo tuyến nhánh 2 Tô Hiệu trước đó đã tiến hành triển khai từ năm 2012, dự kiến mở rộng đường này lên thành 7,5m (chưa kể vỉa hè hai bên), hoàn chỉnh hạ tầng, mương thoát nước... Tuy nhiên, theo ông Lãnh, do công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn nên vừa qua các đơn vị chức năng đã kiến nghị xem xét theo hướng: căn cứ thực tế tình hình giải tỏa đền bù, tiếp tục đầu tư nhánh 2 đoạn từ ngã 5 Tô Hiệu tới chợ Hòa Mỹ cũ theo hướng cải tạo, thảm nhựa, chỉnh trang giữ nguyên hiện trạng.

Ông Thân Đức Minh, Chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Nam cho biết, tuyến đường hẻm tại K113/H29 Hoàng Văn Thái là khu vực thấp trũng, lại chưa có hệ thống thoát nước nên khi có mưa, nước rút không kịp sẽ gây ngập.

“Đối với tuyến hẻm này cũng như các khu vực tương tự, UBND phường đã khảo sát, đề xuất UBND quận Liên Chiểu sớm bố trí vốn để đầu tư hệ thống thoát nước nhằm bảo đảm sinh hoạt cho người dân”, ông Minh nói.

Nhiều giải pháp chống ngập

Theo ông Hà Văn Thành, Giám đốc Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải (TN&XLNT) Đà Nẵng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập úng cục bộ ở các vị trí khu dân cư, các tuyến đường trên địa bàn thành phố. Ông Thành phân tích: “Nguyên nhân chính là một số khu vực chưa khớp nối thoát nước hoặc khớp nối chưa đồng bộ; việc nạo vét bùn đất một số tuyến mương cống chưa kịp thời; hệ thống mương thoát nước ở nhiều tuyến đường đã quá cũ, xuống cấp và nguyên nhân do các miệng cửa thu nước bị rác, lá cây che chắn làm tắc nghẽn dòng chảy”.

Để chủ động ứng phó với tình hình ngập úng năm 2021, ông Thành cho hay, Công ty TN&XLNT tiến hành nạo vét một số tuyến cống trên địa bàn thành phố, trong đó thi công ở các tuyến đường Lê Thanh Nghị, Nguyễn Đôn Tiết, Đầm Rong 2, cống Thuận Phước, cống đường Vân Đồn, cống băng đường Tôn Đức Thắng (đoạn hạ lưu cống Yên Thế - Bắc Sơn)… nhằm tăng cường khả năng thoát nước cho khu vực.

Trước đó, năm 2020, Công ty TN&XLNT đã triển khai các phương án bơm cưỡng bức tại khu vực số nhà 31 đường Nguyễn Chánh (tổ 26 phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu); kiệt 64 đường Trần Đình Tri; số nhà 496 đường Trần Đại Nghĩa; khu vực tổ 14 Bình Kỳ 2A phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn) và khu vực Công viên 29/3 đường Điện Biên Phủ (quận Thanh Khê); khơi thông thoát nước dọc tuyến đường Trường Sơn (nhất là khu vực trước Trường Quân Chính, quận Cẩm Lệ).

“Chúng tôi đang tiến hành khơi thông cửa thu, vệ sinh các hố ga trên các tuyến đường theo phân cấp quản lý để tăng khả năng thu thoát nước mặt đường khi có mưa lớn. Ngoài ra, công ty đã có tờ trình và được Sở Xây dựng thống nhất cho phép cải tạo 303 cửa thu nước bị hư hỏng trên một số tuyến đường nhằm tăng cường khả năng thoát nước, tránh ngập cục bộ trên địa bàn thành phố”, ông Thành cho biết thêm.

Theo ông Võ Tấn Hà, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, qua rà soát, hiện nay trên địa bàn thành phố có nhiều công trình khu dân cư, khu tái định cư, các công trình xử lý thoát nước đang triển khai thi công có khả năng không hoàn thành trước mùa mưa năm 2021; các tuyến đường, khu vực có nguy cơ xảy ra ngập úng cục bộ.

Ông Hà nhận định, căn cứ tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, trong thời gian đến khả năng có mưa nhiều và kéo dài nên Sở Xây dựng đã có công văn gửi các đơn vị chức năng liên quan triển khai các công tác phòng, chống để bảo đảm thoát nước trong mùa mưa. Theo đó, Sở Xây dựng đề nghị các Ban quản lý dự án, chủ đầu tư, đơn vị điều hành dự án rà soát, xây dựng hoặc điều chỉnh phương án thoát nước tạm thời tại các công trình đang thi công, đặc biệt là các điểm ngập úng phù hợp với điều kiện thực tế thi công tại hiện trường và triển khai thực hiện, bảo đảm thoát nước, không để xảy ra tình trạng ngập tại dự án và các khu vực lân cận; đề nghị UBND các quận, huyện, Công ty TN&XLNT khẩn trương tổ chức rà soát các khu vực xung yếu về thoát nước, các trang thiết bị, máy bơm chuẩn bị cho công tác xử lý thoát nước, chống ngập úng, đồng thời thường xuyên tổ chức khơi thông của thu nước, mương thu nước ngang trên các tuyến đường, bảo đảm thoát nước mặt đường, không để xảy ra đọng nước cục bộ, ảnh hưởng đến an toàn giao thông, sinh hoạt của người dân.

“Chúng tôi cũng lưu ý UBND các quận, huyện cần thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động người dân không bịt cửa thu nước trên các tuyến đường, tháo dỡ các công trình lấn chiếm hệ thống thoát nước trên địa bàn quản lý; đồng thời chỉ đạo các đơn vị chức năng, thường xuyên kiểm tra, phát hiện và xử lý các hành vi bịt cửa thu nước, cản trở hoặc lấn chiếm công trình thoát nước gây ngập úng”, ông Hà nhấn mạnh.

Các vị trí có khả năng ngập
Theo thống kê từ Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng, các tuyến đường, khu vực có nguy cơ ngập cao khi mưa lớn gồm:
1. Khu vực đường Quang Trung, Đống Đa, Núi Thành, 2 Tháng 9, Lê Duẩn (từ Ông Ích Khiêm đến Trần Phú), Trần Phú (đoạn giao Quang Trung và đoạn trước UBND quận Hải Châu), Lê Thanh Nghị, Nguyễn Hữu Thọ, Cách mạng Tháng 8 (Cống Lò vôi), ngã ba Xuân Thủy - Trịnh Đình Thảo.
2. Khu vực đường Lê Duẩn (Ông Ích Khiêm đến Điện Biên Phủ), Hải Hồ, Hà Huy Tập (trước Trường Huỳnh Ngọc Huệ), Nguyễn Lương Bằng (đoạn từ Lạc Long Quân đến 183 Nguyễn Lương Bằng), khu vực xung quanh hồ Thạc Gián - Vĩnh Trung, Nguyễn Văn Linh - Hàm Nghi, Nguyễn Văn Linh tại đầu cống C3, Lê Đình Lý - Đỗ Quang (xóm tắm), nút giao thông ngã ba Huế.
3. Khu vực xung quanh đường Bà Bang Nhãn, Đặng Thái Thân, Nguyễn Đức Thuận - Võ Nguyên Giáp.
4. Khu vực đường Lê Tấn Trung, bùng binh Ngô Quyền - Phạm Văn Đồng, Trần Hưng Đạo.

ĐẮC MẠNH

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích