Phòng tránh rủi ro cho trẻ khi học trực tuyến

.

Khi dạy và học trực tuyến là yêu cầu bắt buộc trong thời điểm giãn cách xã hội, sự đồng hành của cha mẹ đối với trẻ, nhất là trẻ học cấp tiểu học là điều kiện tiên quyết để con học an toàn. Song, không phải lúc nào cha mẹ cũng có thể theo sát trẻ.

Trẻ học trực tuyến trong thời gian dài có thể sẽ ảnh hưởng đến thị lực.  Ảnh: THANH TÌNH
Trẻ học trực tuyến trong thời gian dài có thể sẽ ảnh hưởng đến thị lực. Ảnh: THANH TÌNH

* Chị Bùi Thanh Chiêu, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu: Dễ xảy ra tai nạn về điện

Con tôi vào lớp 1, còn quá nhỏ để học trực tuyến. Con chưa biết sử dụng iPad, cách găm pin khi hết pin hay cách vào phòng Zoom, cách tắt và mở mic khi nghe cô gọi… Hai tuần đầu con học trực tuyến, vợ chồng tôi thay nhau hỗ trợ con tại nhà nhưng qua tuần sau chúng tôi có thể đi làm việc trực tiếp tại công ty, việc để con học trực tuyến tại nhà với bà ngoại đã cao tuổi khiến chúng tôi không yên tâm.

Điều lo lắng nhất của tôi khi con học trực tuyến là các tai nạn về điện và vấn đề an toàn mạng. Về điện, mặc dù chúng tôi đã dặn dò kỹ lưỡng nhưng con còn quá nhỏ, nhiều lúc ham chơi, nếu không có người lớn ở bên cạnh  sẽ rất nguy hiểm. Còn về an toàn mạng, chúng tôi không yên tâm khi giao iPad cho con học ở nhà bởi ngoài tiết học trực tuyến cùng cô giáo, con có thể sử dụng máy để chơi trò chơi, vào xem các chương trình, video trên mạng. Những ngày này, mỗi tuần con học trực tuyến 2 buổi, còn lại cô giáo giao bài tập về nhà, nhưng nếu những tuần sau việc học trực tuyến kéo dài và liên tục cả buổi sáng lẫn buổi chiều, con sẽ  khó ngồi học yên và tiếp thu hiệu quả.

* Chị Dương Thị Hằng, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà: Lo con gặp vấn đề thị lực

Con gái tôi hiện học lớp 3. Hai tuần qua, mỗi lần đến giờ học của con, chúng tôi phân công nhau sắp xếp công việc để hỗ trợ con học. Chúng tôi giúp con cách vào phòng học trực tuyến, kiểm tra đường truyền mạng, giúp con cách sử dụng một vài thao tác trên máy tính khi cần tương tác với cô giáo…

Trước mắt, việc học trực tuyến của con không quá khó khăn. Tuy nhiên, về lâu dài chúng tôi lo ngại con gặp các vấn đề về thị lực do con thường xuyên tiếp xúc với màn hình máy tính, điện thoại, ti-vi… Hơn nữa, khi học trực tuyến quá lâu, tôi lo con sẽ hạn chế một phần nào đó về khả năng tương tác và giao tiếp so với việc học trực tiếp tại trường. Mặt khác, những kỹ năng thực hành thực tế của học sinh cũng giảm sút, tôi mong muốn nhà trường và giáo viên chú trọng vấn đề này.

Ngoài ra, để các tiết học trực tuyến hiệu quả, giáo viên cần xây dựng chương trình học trực tuyến phù hợp với từng độ tuổi, từng cấp học để học sinh thích ứng. Giáo viên cũng không nên lấy nguyên giáo án dạy trực tiếp để dạy khi học sinh phải tiếp thu qua màn hình vi tính, điện thoại.

* Chị Trần Thị Thu Trang, phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ: Nhờ ông bà nhắc nhở, theo dõi con

Tôi có hai cháu, một cháu học lớp 10, Trường THPT Hòa Vang và một cháu học lớp 4, Trường Tiểu học Hoàng Dư Khương. Thời gian đầu các con học trực tuyến, vợ chồng tôi luôn cố gắng theo sát hai con nhưng về sau thì phải nhờ sự giúp đỡ của ông bà.

Bên cạnh đó, tôi còn quản lý việc học trực tuyến của các con bằng cách tâm sự, giải thích cho các con hiểu sự cần thiết của việc học trực tuyến, trao đổi thông tin với hội phụ huynh, giáo viên để nắm bắt tình hình học ở lớp và nhờ sự hỗ trợ của phần mềm thiết lập thời gian truy cập internet.

Dẫu vậy, tôi vẫn luôn lo lắng vì cả hai con đều không tập trung khi học trực tuyến. Bạn lớn còn có thói quen chat với các bạn, làm việc riêng trong giờ học. Hơn nữa, kiến thức về an toàn điện trong quá trình sử dụng thiết bị điện tử của các con còn hạn chế, phải có sự giám sát chặt chẽ của người lớn nhưng vợ chồng tôi đều phải đi làm, không thể theo sát các con. Ngoài ra, hiện nay, khi dùng internet rất dễ gặp những thông tin, trang web không lành mạnh, gây ảnh hưởng đến suy nghĩ, tư duy của các con.

T.TÌNH - M.HIỀN ghi

;
;
.
.
.
.
.