.

Số người đội mũ bảo hiểm ít dần ở ngoại ô

.

Đúng như lo ngại của các cơ quan chức năng, sau một thời gian, hiện nay đã bắt đầu xuất hiện những trường hợp “quên” đội mũ bảo hiểm (MBH) khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Đặc biệt ở vùng ngoại ô thành phố, số người không đội MBH đang có chiều hướng gia tăng.

Rất nhiều người “quên” đội MBH khi tham gia giao thông trên đường.

Có mặt tại ngã ba Lê Văn Hiến-Nguyễn Duy Trinh (quận Ngũ Hành Sơn) chưa đến vài chục phút, chúng tôi đã đếm được trên 30 trường hợp người đi xe máy, mô-tô không đội MBH. Có xe chở 2-3 người nhưng không ai đội MBH, có xe người ngồi trước đội MBH, còn người ngồi sau thì không. Có trường hợp có MBH nhưng treo trên xe. Tất cả đều chung một “phong cách” là rất tự nhiên chứ không lo sợ sự kiểm tra của công an. Tình trạng này không phải là cá biệt khi chúng tôi đến các xã, phường ven đô như Hòa Tiến, Hòa Minh, Hòa Khánh, Hòa Quý, Thọ Quang… cũng bắt gặp những người đi xe máy không đội MBH.

 Sáng ngày 7-5, sau ít phút đứng gần Đội CSGT kiểm tra trên đường Ngô Quyền, chúng tôi đã gặp một người vừa bị xử phạt vì không đội MBH. Thay vì nhận lỗi, người này lại đưa ra nhiều lý do để thanh minh như “vội chở hàng ra chợ nên quên mất”, nhưng sau đó lại giải thích thêm: “Đầu tôi bị nấm, đội MBH nóng, ra mồ hôi không chịu nổi nên phải để đầu trần”. Một lát sau, người này lại nói tiếp: “Bây chừ MBH giả tràn lan, có đội cũng đâu có bảo đảm an toàn khi xảy ra tai nạn giao thông”. Cũng cách lý giải lòng vòng như thế, ông Nguyễn Đình T., người bị CSGT xử phạt trên tuyến đường Trường Chinh sáng ngày 9-5 vừa qua đã phân bua cùng chúng tôi: “Tôi đã mua MBH rồi, nhưng khi đi đâu xa mới đội, chứ chạy gần nhà thì cần gì. Mà bây chừ có riêng gì tôi không đội MBH đâu, nhiều người đi gần thì ít khi đội”.

Có đến hàng trăm lý do để những người ngoại thành vi phạm giải thích về việc “quên” đội MBH của mình. Trong khi đó tại trung tâm thành phố, số trường hợp vi phạm có ít hơn và đối tượng vi phạm cũng “khu trú” trong số thanh niên nhiều hơn. Tuy nhiên, sự khác biệt khá lớn giữa khu vực trung tâm và ngoại ô thành phố là thái độ của người vi phạm. Trong khi những người ở ngoại ô thường trách mình “quá xui” khi bị xử phạt, thì trong nội thành đã xuất hiện một số thanh niên muốn lấy việc “quên” đội MBH ra “đùa” với CSGT. Chúng tôi đã chứng kiến một số trường hợp thanh niên đội MBH khi lưu thông trên đường, đến đoạn có CSGT chốt trực ra lại… lấy mũ xuống. Khi vừa thấy CSGT để mắt đến là tăng ga vừa chạy vừa đội MBH vào.

Tuyên truyền để mọi người đội MBH khi tham gia giao thông là việc khó, nhưng chúng ta đã thành công với tỷ lệ người đội MBH gần đạt đến con số 100% trong những tháng đầu tiên triển khai Nghị quyết 32 của Chính phủ. Tuy nhiên, việc duy trì tỷ lệ trên mới thực sự khó, nhất là cho đến thời điểm hiện nay, khi mà lực lượng CSGT không thể thường xuyên có mặt tại các chốt trực và tại các vùng ngoại ô càng vắng bóng lực lượng chức năng hơn. Thiết nghĩ, đã đến lúc các cơ quan chức năng, địa phương tiếp tục nhập cuộc để cùng lực lượng CSGT tuyên truyền, vận động và xử phạt nghiêm túc những trường hợp vi phạm.
 
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh kiểm tra chất lượng MBH, vì rất nhiều người cho rằng MBH không thể bảo vệ họ trong trường hợp xảy ra tai nạn, nên họ không đội MBH, hoặc có đội cũng là để đối phó với CSGT hơn là bảo vệ cho chính mình.

Bài và ảnh: THANH VÂN

;
.
.
.
.
.