Đã có không ít vụ tai nạn xảy ra đáng tiếc và thương tâm chỉ vì người tham gia giao thông (TGGT) không chấp hành quy định về an toàn giao thông (ATGT). Nhiều trường hợp vượt đèn đỏ ở các giao lộ, nhiều người bị chấn thương sọ não chỉ vì cố tình không đội mũ bảo hiểm (MBH) khi TGGT.
Đèn thì mặc đèn...
Lực lượng CSGT lập biên bản xử phạt một trường hợp vi phạm về ATGT. (Ảnh chụp lúc 16 giờ ngày 22-5 tại ngã năm bùng binh phía tây cầu Sông Hàn). |
Việc lắp đặt đèn tín hiệu giao thông tại các đường nhánh, chân cầu, ngã ba, ngã tư, ngã năm… nhằm mục đích hướng dẫn điều hòa giao thông, tránh tình trạng ùn tắc… Và hơn nữa là bảo đảm an toàn đối với người TGGT khi chấp hành theo tín hiệu của đèn báo. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, trên địa bàn thành phố thường xuyên xảy ra tình trạng, một số người đã không chấp hành theo tín hiệu của đèn, nhất là khi không có sự kiểm soát của lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT).
Cũng có không ít trường hợp chấp hành theo tín hiệu đèn giao thông, nhưng lại phàn nàn: “Người đâu chẳng thấy sao lắm đèn đỏ vậy? Mất thời gian quá!”. Có người lại không hiểu biết về tín hiệu đèn ở các ngã ba, ngã tư, nhất là những người ở nông thôn lần đầu ra phố. Mặc dù khi thấy tín hiệu đèn vàng đã nổi lên nhưng vẫn ngang nhiên đạp xe ra giữa ngã tư, đến khi thấy xe máy cứ nườm nượp từ mọi ngả đường khác đi vào, vậy là hoảng hốt và lúng túng trong xử lý... Rõ ràng, một số người TGGT đã không nhận thức đầy đủ về quy định ATGT trong quá trình phát triển của một đô thị theo hướng hiện đại.
Đến lượt đội MBH
Bên cạnh sự thiếu nghiêm túc của một số người TGGT trong việc chấp hành tín hiệu đèn giao thông, thì việc không đội MBH đối với người điều khiển xe gắn máy khi lưu thông trên đường đang có chiều hướng tăng trở lại trong thời gian gần đây. Cách đây vài tháng, sau khi Nghị quyết 32 của Chính phủ về các giải pháp kiềm chế tai nạn giao thông được triển khai thực hiện thì mỗi khi ra đường, mọi người dân đều chấp hành nghiêm chỉnh đội MBH.
Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện không chỉ ở các tuyến đường vùng nông thôn mà ngay cả trong nội thành, dễ nhận ra số người đi xe máy không đội MBH đã có dấu hiệu tăng trở lại, đặc biệt là vào ban đêm. Anh Quang, một người hành nghề xe ôm tại Bến xe thành phố cho biết: “Nhiều khách đi xe ôm bây giờ thật oái ăm, họ chấp nhận đi với mức giá mà “nhà xe” đưa ra, nhưng khi lên xe, khách lại không chịu đội MBH, nên “nhà xe” đành phải từ chối không chở. Tuy nhiên, cũng có không ít trường hợp khách hàng không đội MBH cũng chở, và vừa đi vừa quan sát CSGT”. Đối tượng không đội MBH khi tham gia giao thông thường là thanh niên. Đáng buồn hơn, có người mang theo MBH nhưng lại không đội mỗi khi vắng bóng lực lượng CSGT. Chỉ khi nào phát hiện thấy điểm tuần tra kiểm soát của CSGT thì mới đội MBH và khi đi qua điểm kiểm soát lại ngoắc MBH lên xe. Như vậy, việc đội MBH đối với họ chỉ là hình thức đối phó với các cơ quan chức năng.
Trên đây chỉ là một vài lỗi vi phạm về ATGT đường bộ mà chúng tôi đã chứng kiến qua cuộc hành trình “Dạo quanh phố phường” trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trong những ngày nghỉ cuối tuần vừa qua. Thiết nghĩ, công tác tuyên truyền cần phải được triển khai thường xuyên, liên tục để Nghị quyết 32 thực sự mang lại hiệu quả và nâng cao nhận thức, ý thức của người dân khi TGGT. Đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm về ATGT, trong đó có việc không chấp hành đội MBH, đi ngược đường, không chấp hành tín hiệu của đèn báo.
Bài và ảnh: TRỌNG HÙNG