.

Cần có chế tài quản lý xe máy điện, xe đạp điện

.

Thời gian gần đây, như nhiều địa phương khác trong cả nước, người dân Đà Nẵng đã chọn xe máy điện, xe đạp điện để làm phương tiện đi lại. Đặc biệt, trong cơn lốc của giá cả và ngày tựu trường đến gần, nhiều cửa hàng bán xe máy điện, xe đạp điện ở Đà Nẵng đã không đủ lượng hàng để bán. Thực tế ấy đã đặt ra những yêu cầu mới trong công tác quản lý và xử lý vi phạm.

Người điều khiển xe máy điện vi vu trên đường phố.

Nếu cơ quan chức năng không có biện pháp chế tài đối với các loại phương tiện giao thông này thì chắc chắn trong tương lai không xa nữa, xe máy điện, xe đạp điện sẽ là mối nguy lớn trong việc gia tăng tai nạn giao thông.

Rất dễ hiểu khi ngày càng có nhiều người chọn xe máy điện, xe đạp điện để làm phương tiện giao thông, bởi lẽ loại xe này giá cả phải chăng; khi mua xe chỉ cần trả tiền cho người bán là có thể mang về sử dụng, không cần phải qua đăng ký quản lý, không phải làm thủ tục xin cấp biển số kiểm soát và cũng không cần đội mũ bảo hiểm lúc tham gia giao thông. Chỉ cần nạp điện đầy là có thể sử dụng hàng tuần, có thể chạy từ vài chục cho đến hàng trăm km, với tốc độ trên dưới 50km/giờ, trong thời buổi mà giá xăng đang ngày càng tăng...

Tại một cửa hàng bán xe máy điện, xe đạp điện trên đường Phan Châu Trinh, chúng tôi gặp anh Nguyễn Hòa ở phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu đang chọn mua xe máy điện cho con gái sắp vào lớp 12. Anh Hòa cho biết: Bản thân tôi là cán bộ có thu nhập hằng tháng không cao, với lại chủ trương bây giờ cấm học sinh trung học đi xe máy đến trường. Vì vậy, tôi chọn phương tiện xe máy điện cho cháu, đi xe này vừa đỡ tốn xăng, vừa giá rẻ mà chạy trong thành phố chẳng khác gì xe gắn máy.

Trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã từng xảy ra tai nạn giao thông dẫn đến chết người có liên quan đến xe máy điện. Chúng tôi xem đây là một cảnh báo trước thực trạng lượng xe máy điện, xe đạp điện ngày càng xuất hiện nhiều trên các tuyến giao thông. Đã đến lúc các cơ quan hữu trách phải có những tham vấn, điều chỉnh kịp thời về luật pháp trong lĩnh vực quản lý và xử lý các loại xe máy điện, xe đạp điện trước khi các loại phương tiện này bùng phát và gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong công tác điều tra xử lý tai nạn giao thông có liên quan đến xe máy điện, xe đạp điện...

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Thượng tá Nguyễn Đến - Trưởng phòng CSGT - Công an thành phố Đà Nẵng cho biết: Đúng là tình trạng ngày càng có nhiều người sử dụng xe máy điện, xe đạp điện, đã làm cho tình hình trật tự an toàn giao thông trong đô thị phát sinh nhiều phức tạp. Trong khi đó, người bán và người mua các loại phương tiện giao thông này đều không bị quản lý bởi bất cứ một cơ quan Nhà nước nào.

Những người điều khiển các loại phương tiện này cũng không bị chế tài về việc đội mũ bảo hiểm cũng như những quy định về tốc độ tối đa khi lưu thông trong đường đô thị và ngoài đô thị, trong khi tốc độ của loại phương tiện này khá cao. Đa số những người điều khiển các loại phương tiện này tuổi đời còn rất trẻ nên xuất hiện nhiều trường hợp chở ba, chở bốn khi tham gia giao thông...

Vì vậy, chúng tôi cũng đã có ý kiến đề nghị UBND, Ban An toàn giao thông thành phố cần có kiến nghị đến Chính phủ để sớm ban hành các văn bản quy định người điều khiển xe máy điện, xe đạp điện phải đội mũ bảo hiểm khi lưu thông trên tất cả các tuyến đường; quy định tốc độ cho phép của xe máy điện, xe đạp điện lưu thông trên đường đô thị và ngoài đô thị cũng như quy định mức xử phạt hành chính mà loại phương tiện này vi phạm về trật tự an toàn giao thông, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn giao thông và chấn thương sọ não do người điều khiển các loại phương tiện này gây ra…

Mặt khác, chúng tôi cũng mong muốn các ngành hữu trách khác có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn trong việc nhập khẩu, kinh doanh các loại xe máy điện, xe đạp điện trên địa bàn thành phố, nhằm hạn chế sự phát triển không đồng đều giữa các phương tiện giao thông cá nhân...
            
Bài và ảnh: BẢO THY

;
.
.
.
.
.