.

Lái xe vẫn né... đường tránh!

.

Ngày 19-4-2008, đường tránh Nam Hải Vân - Túy Loan chính thức đưa vào hoạt động. Những tưởng với lợi thế của đường cấp 3 đồng bằng, khoảng cách rút ngắn gần 10km so với trục đường đi vào thành phố, con đường này sẽ thu hút một lượng lớn xe lưu thông trên tuyến quốc lộ 1A đi vào đây. Thế nhưng sau 4 tháng đưa vào hoạt động, lái xe vẫn né đi vào đường tránh này. Vì sao có chuyện lạ như thế?

Một thời gian ngắn đưa vào sử dụng, đơn vị quản lý tuyến đường này là Công ty Quản lý và khai thác hầm đường bộ Hải Vân đã có nhiều cố gắng để hướng dẫn các loại xe đi vào tuyến đường này như hoàn chỉnh hệ thống biển báo, biển chỉ dẫn đi vào đường tránh, lắp thêm hệ thống chiếu sáng ở 8 chiếc cầu, kẻ vạch sơn lộ giới... Đặc biệt hơn một tháng nay, Bộ Giao thông Vận tải đã phát hành hàng chục nghìn tờ rơi đến trực tiếp các chủ xe, lái xe tuyến Bắc-Nam để giới thiệu và kêu gọi họ hãy đi đường Hồ Chí Minh qua hệ thống 20 đường ngang (trong đó có đường tránh Nam Hải Vân-Túy Loan) kết nối với quốc lộ lA. Tuy nhiên theo quan sát của chúng tôi, mọi việc gần như không có gì chuyển biến đáng kể, đường tránh Nam Hải Vân - Túy Loan luôn vắng bóng các loại xe.

Với bảng hướng dẫn này, lái xe không biết đang đi vào đường tránh Nam Hải Vân.
Qua tìm hiểu từ những lái xe trên tuyến đường Bắc-Nam, có đến cả… 1001 lý do để họ không đi vào con đường này, nhưng tựu trung lại vẫn là bài toán kinh tế. Với cánh lái xe khách, họ có một bài toán khá rành mạch: nếu đi vào đoạn đường tránh này sẽ lợi được vài lít dầu, tính ra không quá 100 ngàn đồng. Trong khi đó nếu đi vào tuyến đường Nguyễn Lương Bằng-Trường Chinh, thế nào cũng đón thêm được vài người khách. Với giá khoảng 100-250 nghìn đồng/khách (tùy đoạn đường) so ra vẫn lợi hơn so với đi vào đường tránh Nam Hải Vân - Túy Loan. Còn với cánh xe tải cho biết, họ không thể đi vào đường tránh, vì Đà Nẵng là một trong những điểm xuống và lên hàng quan trọng trong suốt hành trình Bắc - Nam. Rất nhiều xe tải khi đi qua đoạn đường Nguyễn Lương Bằng và Trường Chinh, cứ đến điểm cố định theo quy ước giữa lái xe và chủ hàng là bỏ hàng xuống cho khách, sẽ có người đón và đưa hàng vào thành phố thuận lợi. Nếu đi vào đường tránh sẽ mất mối hàng làm ăn quan trọng đã hình thành từ nhiều năm qua. Đó là chưa kể một lượng không nhỏ xe tải chạy từ Bắc vào hay trong Nam ra, điểm dừng chân là các khu công nghiệp của thành phố nên bắt buộc họ phải đi đường Nguyễn Lương Bằng.

Ngoài những lý do trên, cánh lái xe còn đưa ra một lý do mà họ rất ngại đi vào đường tránh, đó là các dịch vụ vận tải dọc theo tuyến đường này chưa có. Nếu lỡ hết xăng hay bị hư xe dọc đường, họ sẽ gặp nhiều khó khăn, mà trường hợp chiếc xe khách mang biển số 35N-5606 bị hư vào sáng ngày 12-8 vừa qua là một ví dụ. Theo tài xế của xe cho biết, khoảng 4 giờ sáng, xe qua đường hầm Hải Vân và đi vào đường tránh, khi đến gần điểm dẫn vào quốc lộ 14B thì xe bị chết máy. Khoảng một tiếng đồng hồ sau mới có thợ từ quốc lộ 1A lên nhận sửa. Toàn bộ thiết bị hư đều do chủ xe bỏ tiền ra mua, sau khi sửa xong, họ “hét” tiền công lên đến 1,2 triệu đồng. Sau một hồi thương lượng đến độ suýt đánh nhau, cuối cùng hai anh thợ sửa xe mới chịu hạ xuống 500 ngàn đồng. Trao đổi với chúng tôi, lái xe cho biết: Nếu như đi trên quốc lộ 1A, thông thường tiền công sửa chữa chỉ từ 150 đến 200 ngàn đồng. Trước đó, Trạm CSGT Kim Liên cũng nhận được thông tin một chiếc xe tải bị thủng lốp trên đoạn đường này, sau khi có thợ từ phường Hòa Khánh Nam lên vá, họ đã thẳng tay đòi 700 ngàn đồng.

Xe 35N-5606, nạn nhân của thợ sửa xe.
Ngoài lý do trên, theo chúng tôi tìm hiểu thì việc “tối nghĩa” của những bảng biển chỉ dẫn đi vào đường tránh cũng góp phần không nhỏ vào sự vắng vẻ của cung đường này. Ví dụ, trong tờ rơi vận động tài xế đi đường Hồ Chí Minh có đưa ra danh sách 20 đường dẫn từ quốc lộ 1A đi vào đường Hồ Chí Minh sử dụng khá nhiều địa danh mà chỉ có người địa phương mới biết được. Chẳng hạn đường tránh Nam Hải Vân - Túy Loan được ghi như sau: “điểm đầu Hòa Cầm, điểm cuối Thạnh Mỹ”. Với nhiều lái xe, địa danh Hòa Cầm có thể không xa lạ lắm, chứ Thạnh Mỹ quả là quá lạ lẫm. Hoặc tấm biển hướng dẫn trên quốc lộ 1A, đoạn ở ngay cầu vượt Hòa Cầm chỉ có hình vẽ là một hướng đi Cảng Tiên Sa và một hướng đi đường Hồ Chí Minh mà không có thông tin gì để lái xe biết được có thể đi đường tránh này để đến đường Hồ Chí Minh.

Với nguồn kinh phí đầu tư lên đến trên 300 tỷ đồng, đường tránh Nam Hải Vân - Túy Loan rất kỳ vọng sẽ giảm gánh nặng cho trục đường Nguyễn Lương Bằng - Trường Chinh vốn đang quá tải trầm trọng và nguy cơ TNGT luôn ở mức rất cao. Thế nhưng đến nay, viễn cảnh đó vẫn còn nằm trên giấy, lái xe vẫn cứ né… đường tránh. Làm thế nào để đường tránh thu hút xe khách, xe tải? Đây là câu hỏi mà các cơ quan chức năng cần giải quyết một cách triệt để, nhằm phát huy tác dụng con đường này.

Bài và ảnh: Trần Luân Sơn

;
.
.
.
.
.