Phân tích các vụ TNGT đường sắt của Cục Đường sắt cho thấy, có đến 90% số vụ TNGT xảy ra tại các điểm giao nhau giữa đường sắt và đường ngang.
Tranh thủ băng qua đường sắt khi barie đang được đóng - một thói quen nguy hiểm. |
Suốt buổi chiều ngày 7-8, chúng tôi đã đi lại nhiều vòng trên đoạn đường dài 6 km từ Ngã ba Huế - Hòa Phước để chứng kiến cảnh người dân băng qua đường sắt mà không khỏi giật mình. Tổng cộng có đến 32 lần chúng tôi bắt gặp người dân đi qua lại đoạn đường sắt này, trong đó có khá nhiều trường hợp thản nhiên đi lại khi trên đường ray xe lửa đang có tàu lao nhanh đến.
Nhìn thấy cảnh này, người đi đường ai cũng lo lắng, thế nhưng chính những người đang đi trên đường sắt vẫn coi như không có gì, và chỉ khi cách đoàn tàu vài chục mét mới chậm rãi bước sang một bên để tránh tàu. Đặc biệt, chúng tôi phát hiện khá nhiều trường hợp người dân chọn ngay khu vực đường ngang bị đóng để bốc dỡ hàng hóa mà không thèm quan tâm đến việc hàng hóa lấn cả vào đường ray.
Đáng sợ hơn là đoạn đường sắt từ ga Đà Nẵng đến Ngã ba Huế. Đoạn đường này chỉ dài khoảng 8 km, thế nhưng chúng tôi mất hơn hai tiếng đồng hồ mới đi hết, và những gì trông thấy được quả thật là khó tin. Với một thành phố đang thay da đổi thịt hằng ngày, những xóm nhà ổ chuột tưởng chừng trở thành câu chuyện của quá khứ, vậy mà gần như “tái hiện” đầy đủ và cả sự nguy hiểm rình rập ở những dãy nhà dân sống dọc đoạn đường sắt nơi đây. Bên cạnh sự ô nhiễm môi trường thì điều đáng lo nhất nơi đây chính là nguy cơ TNGT đường sắt có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Suốt cả tuyến đường này không có được một mét tường rào bảo vệ, trong khi nhà dân “mọc” san sát nhau và lấn sát mép đường tàu. Ở rất nhiều đoạn, người dân còn tự ý dựng những túp lều tạm bợ lấn vào cả phần đất móng đường ray, đến độ mỗi khi có tàu chạy qua, chỉ cần đưa tay ra có thể chạm vào thành tàu. Nhưng qua rất nhiều đợt kiểm tra hành lang an toàn đường sắt, cơ quan chức năng vẫn để những mái lều này tồn tại hết sức nguy hiểm như vậy. Ở đoạn đường này còn có quá nhiều đường ngang mở băng qua đường sắt.
Cứ khoảng vài nhà lại có một con đường như vậy. Ngay cả trẻ em cũng chọn đoạn đường sắt này để chơi đùa. Nguy cơ TNGT còn xuất phát từ những đoạn đường nhỏ chạy song song với đường sắt. Rất nhiều đoạn do người dân đi nhiều thành lối mòn nên việc đi lại tương đối dễ nhưng có không ít đoạn đường bị “thắt cổ chai”, thế là người ta phải đi lấn vào sát phần đất móng của đường sắt. Đoạn đường này được đổ đá cấp phối nên việc đi lại rất khó khăn và dễ bị té ngã. Những lúc như vậy, giả sử có đoàn tàu lửa chạy qua thì hậu quả thật khôn lường. Những người dân nơi đây lại tỏ ra hết sức vô tư: “Có chi mà lo, tàu chạy qua thì đứng im đừng đi là được rồi”.
Theo thống kê của ngành Đường sắt, trong vòng ba năm qua, đoạn đường sắt chạy qua địa bàn thành phố xảy ra 47 vụ TNGT, làm chết 17 người và bị thương 32 người. Một con số đáng báo động! Thế nhưng, hình như với những người dân sống dọc hai bên tuyến đường sắt này xem đó như là chuyện của người khác. Trong khi đó, cơ quan chức năng đã làm gì để hạn chế đến mức thấp nhất những vụ TNGT xảy ra?
Bài và ảnh: TRẦN LUÂN SƠN