.

Rừng ở Hòa Bắc tiếp tục bị tàn phá

.

Lâm tặc đang tàn phá rừng đặc dụng Nam Hải Vân tại các tiểu khu 7-8-9 thuộc xã Hòa Bắc (Hòa Vang) với mức độ đáng báo động.

Đối phó với tình trạng trên, những ngày vừa qua (từ 30-7 đến 2-8), Chi cục Kiểm lâm, Ban Quản lý rừng đặc dụng Nam Hải Vân phối hợp với Bộ đội Biên phòng và lực lượng bảo vệ rừng xã Hòa Bắc tiến hành truy quét tại lâm phận 3 thôn Lộc Mỹ, Nam Yên, An Định (xã Hòa Bắc), đã phá 2 lán trại của lâm tặc, hủy tại chỗ hơn 110 phách gỗ, tịch thu hơn 1,5m3 gỗ tròn…

Người dân Xuân Thiều chuẩn bị vớt gỗ từ sông Cổ Cò đưa lên tiêu thụ (phía ngoài xa là nơi bè gỗ đang kết neo giữa sông).

Trước đó hơn 2 tuần, lực lượng kiểm lâm cùng lực lượng bảo vệ rừng Hòa Bắc cũng đã phát hiện, tịch thu trên 4m3 gỗ tại Bến Sạn thuộc thôn Lộc Mỹ, hủy hơn 70 phách gỗ. Sáng 2-8, có mặt tại sông Cổ Cò thuộc phường Hòa Hiệp Nam (Liên Chiểu), chúng tôi chứng kiến nhiều gỗ lậu đóng bè đang yên vị giữa sông, trên bờ nhiều người đang chuẩn bị vớt lên chở đi tiêu thụ.

Ông Trần Huy Độ, Trưởng ban Quản lý Rừng đặc dụng Nam Hải Vân lo lắng cho hay: Thời gian gần đây, tình trạng phá rừng gia tăng đột biến. Đã có dấu hiệu các đầu nậu thuê người từ địa phương khác đến phối hợp với người dân sở tại phá rừng với quy mô lớn. Đây là hệ quả của chiến dịch trấn áp lâm tặc quyết liệt và triệt để ở Quảng Nam thời gian qua. Lâm tặc từ Quảng Nam dạt về Đà Nẵng, các đầu nậu thu nhận, tổ chức thành từng nhóm phá rừng với mức độ đáng lo ngại.

Chi cục Kiểm lâm và chính quyền xã Hòa Bắc đã triển khai nhiều giải pháp ngăn chặn tình trạng phá rừng gia tăng này. Tuy vậy, với kiểu truy quét từng đợt như vừa qua khó ngăn chặn triệt để. Chiều 2-8, sau mấy ngày dùng cưa máy dứt khúc tiêu hủy hơn 110 phách gỗ, lực lượng truy quét đã rút về xuôi. Và như vậy, lâm tặc lại tiếp tục tàn phá rừng theo kiểu “thua keo này bày keo khác”.

Bảo vệ rừng vô cùng gian nan, song vẫn có thể khống chế hiệu quả nếu lực lượng kiểm lâm và chính quyền địa phương vào cuộc với quyết tâm cao, có biện pháp hợp lý. Gỗ rừng rất nặng và cồng kềnh, vận chuyển bằng trâu, xe công nông, ghe thuyền, nhiều người cùng tham gia. Tất cả gỗ về Nam Ô đều đi theo các con suối nhỏ tập kết ra sông Cu Đê, trong đó Bến Sạn là điểm nóng.
 

Cán bộ xã Hòa Bắc đi kiểm tra rừng.   


Nếu như lực lượng kiểm lâm và bảo vệ rừng xã Hòa Bắc đặt Trạm Kiểm soát lâm sản tại Bến Sạn và cuối thôn An Định, lâm tặc không thể chở gỗ qua nổi. Đáng tiếc, nơi này thường xuyên bỏ trống cho lâm tặc hoành hành. Biện pháp duy nhất của lực lượng truy quét là tiêu hủy gỗ tại chỗ bằng cách dứt khúc để lâm tặc khỏi vận chuyển đi. Nhưng khốn nỗi, gỗ dứt khúc, lâm tặc vận chuyển càng dễ. Thế mới có chuyện hôm trước hủy bằng cách dứt khúc cả loạt, hôm sau vào đã thấy trống không.

Bám địa bàn bảo vệ rừng ở Hòa Bắc là chuyện không đơn giản. Lực lượng làm nhiệm vụ không chỉ gian nan, vất vả mà còn đối mặt với sự nguy hiểm đến từ lâm tặc. Do vậy thành phố, huyện Hòa Vang, Chi cục Kiểm lâm cần có chế độ xứng đáng đối với lực lượng bảo vệ rừng. Mặt khác, nếu cứ duy trì lực lượng và cách làm như từ trước đến nay vẫn triển khai, tức là xã Hòa Bắc chỉ 1 kiểm lâm địa bàn, Hạt Kiểm lâm Liên Chiểu, Trạm Kiểm soát lâm sản Hòa Liên vẫn nguyên chỗ cũ, chắc chắn gỗ lậu vẫn về xuôi đều đều.
 
Biện pháp mà tỉnh Quảng Nam vừa triển khai đó là chấm dứt hoạt động (bằng cách cắt nguồn cung cấp điện) của 300 xưởng cưa đã góp phần tích cực vào cuộc chiến bảo vệ rừng, là một cách làm mà Đà Nẵng nên nghiên cứu áp dụng. Hy vọng thành phố sẽ có những biện pháp hữu hiệu để rừng không tiếp tục bị tàn phá.

Bài và ảnh: NGUYỄN CẦU

;
.
.
.
.
.