Bài 1: Lần theo dấu vết lâm tặc
Bị truy đuổi ráo riết, liên tục đối mặt với rủi ro, thế nhưng lâm tặc vẫn không chịu buông tha rừng. Hầu như tuần nào, lực lượng bảo vệ rừng của Ban Quản lý rừng phòng hộ Đà Nẵng cũng tuần tra truy quét, nhưng truy quét chỗ này, chúng dạt sang chỗ khác. Bảo vệ rừng đến, chúng nằm im. Bảo vệ rừng đi, chúng tàn phá mạnh hơn. Rừng nguyên sinh khu vực phòng hộ đầu nguồn lâm phận Đà Nẵng không khi nào bình yên.
Lực lượng bảo vệ rừng và Công an trên đường tuần tra truy quét lâm tặc. |
Sáng một ngày thượng tuần tháng 9, khi sương chưa tan, đoàn gần 10 người, gồm cán bộ, nhân viên Trạm Quản lý bảo vệ rừng Sông Nam, Công an Hòa Vang và xã Hòa Bắc lầm lũi vào rừng. Dẫn đầu tổ công tác là Trạm trưởng Nguyễn Công Dậy, người hơn 35 năm gắn bó với rừng. Ba lô nặng trĩu, khẩu súng trên vai, trang phục màu cỏ úa, trông ông chẳng khác nào lính chiến. Bám theo dấu vết bọn vận chuyển gỗ lậu, mọi người lần vào nơi những cây gỗ bị chặt hạ. Lâm phận Ban Quản lý rừng phòng hộ Đà Nẵng quản lý địa hình hiểm trở, không hề có trâu kéo gỗ như Rừng đặc dụng Nam Hải Vân khu vực Lộc Mỹ, Nam Yên. Rừng nguyên sinh nhiều gỗ quý. Loại bị tàn phá nhiều nhất là kiền kiền.
Trước đây, những cây 2 người ôm không xuể chúng mới khai thác, nay cây to không còn, loại chỉ bằng cột nhà cũng bị chặt hạ. Chúng dùng cưa máy hạ cây, dứt từng khúc, rồi xẻ thành từng phách cỡ 25cm x 6cm, dài 3m, vừa một người vác. Từ nơi gỗ bị chặt hạ đến vị trí tập kết, có khi đi hết nửa ngày trời. Đoạn bằng phẳng, chúng vác là chủ yếu. Đoạn dốc, chúng bỏ xuống đất kéo. Đi sâu vào rừng, vô vàn cây gỗ to nhỏ xếp lớp trùng điệp, càng thấy tài nguyên rừng thật phong phú. Tài nguyên ấy không chỉ có giá trị kinh tế mà còn có tác dụng lớn về phòng hộ đầu nguồn.
Thế mà những cây gỗ quý, dù còn non vẫn không thoát khỏi lưỡi cưa oan nghiệt của lâm tặc. Đường dây phá rừng có nhiều bộ phận và công đoạn. Những kẻ chuyên hạ cây, xẻ thành phách, ăn ở trong rừng hằng tháng trời. Gỗ xẻ ra, chúng giao cho đội quân chuyên vận chuyển ra suối. Từ suối ra sông Cu Đê có nhóm người khác. Gỗ tập kết tại sông có đầu nậu vận chuyển về Nam Ô tiêu thụ. Cũng có đầu nậu chỉ nhận gỗ ở Nam Ô.
Đường rừng, leo dốc cảm thấy nghẹt thở, thế mà xuống dốc càng gian nan gấp bội. Có khi phải úp mặt sát đất, tay níu cây mới không bị tụt xuống hố. Hết vượt dốc lại băng qua những con suối toàn đá tảng đầy rêu. Không cẩn thận trượt chân đầu đập vào đá. Rồi còn vắt. Chốc chốc, phải dừng lại vén quần áo kiểm tra. Những người đi rừng thường thủ bọc muối trong túi. Hễ vắt cắn chấm muối vào, chúng rơi ra.
Đêm trong rừng sâu thật âm u. Những chiếc võng mắc sát nhau dưới tấm bạt căng phía trên.
Vài câu chuyện tếu đỡ buồn. Vừa leo lên võng, anh Phạm Phú Cường, cán bộ bảo vệ rừng Sông Nam nhỏ nhẹ: Công việc của những người bảo vệ rừng như vậy đấy. Ngủ lại trong rừng là chuyện thường. Có bữa, vừa nấu cơm xong, mưa như trút nước, sợ lũ quét, chẳng kịp ăn uống, ai nấy vội vã ngược núi, rồi cứ thế khoác áo mưa ngồi thu lu giữa đêm tối mịt mùng. Khi ngớt mưa, lần tìm soong cơm thì hỡi ôi, đã trôi theo lũ. Lâm tặc quỷ quyệt lắm. Trước đây, gỗ khai thác được chúng để ngổn ngang dễ phát hiện, nay chúng cất giấu kín đáo. Lán trại chúng ở cũng vậy, trước giăng bạt suốt ngày. Thời gian gần đây, bị phá hủy nhiều, sáng chúng tháo dỡ cất giấu, chiều tối giăng lại. Tinh ý lắm mới phát hiện ra.
Gỗ do lâm tặc khai thác trái phép bị Trạm Quản lý bảo vệ rừng Sông Nam tịch thu. |
Nơi lâm tặc lập lán trại, ngổn ngang gỗ vừa xẻ chưa kịp chuyển đi. Chung quanh cây cối bị chặt hạ như bãi chiến trường. Không chỉ những cây kiền kiền, nhiều cây khác cũng chịu chung số phận. Có cây chúng kê làm đà để xẻ. Có cây chúng chặt cốt làm lối đi lại. Không một bóng lâm tặc. Rừng yên ắng đến kỳ lạ. Mọi người hè nhau chất những phách gỗ thành đống rồi tiêu hủy. Các vật dụng của lâm tặc cất giấu gần đó đều bị phá hủy.
Ngày thứ hai trong rừng, lực lượng làm nhiệm vụ phát hiện khá nhiều gỗ lậu và một số lán trại của lâm tặc. Lại phải vất vả hủy. Ông Nguyễn Công Dậy cho hay: Đợt trước, hơn 10 ngày truy quét, phá hủy 15 lán, hơn 80 phách gỗ (trên 4m3), tịch thu 62 phách kiền kiền (2,2m3), 6 phách sơn đào, đưa ra khỏi rừng gần 50 đối tượng. Đợt này, 12 lán trại đã bị phá. Số gỗ phát hiện có ít hơn.
NGUYỄN CẦU