.
BẢO VỆ RỪNG Ở ĐÀ NẴNG - CUỘC TRUY ĐUỔI KHÔNG HỒI KẾT

Bài 2: Rừng nguyên sinh không bình yên

.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, lực lượng kiểm lâm và bảo vệ rừng triển khai gần 170 đợt truy quét chống chặt phá rừng trái phép. Số gỗ bị phát hiện tiêu hủy lên đến hàng trăm phách. 

        >>>
Bài 1:  Lần theo dấu vết lâm tặc

Tuần tra bảo vệ rừng (đường mòn phía trước là nơi lâm tặc dùng lao gỗ từ trên cao xuống).
Trên 100 đối tượng bị buộc ra khỏi rừng. Đợt truy quét đầu tháng 9 vừa qua, lần đầu tiên kể từ nhiều năm nay, lực lượng bảo vệ của Ban Quản lý rừng phòng hộ cùng Công an huyện Hòa Vang, xã Hòa Bắc đã bắt quả tang một đối tượng đang khai thác rừng trái phép, đó là Trần Văn Châu, 42 tuổi (quê Yên Thành, Nghệ An), tịch thu 3 cưa máy. Hiện Trần Văn Châu đang bị Công an huyện Hòa Vang tạm giữ, chờ ngày ra trước vành móng ngựa. Ngày 9-9 vừa qua, trong lúc khai thác gỗ, Trần Văn Phấn (1972), quê ở phường Trường An, thành phố Huế, cư trú ở thôn Trường Định, xã Hòa Liên, bị gỗ đè chết ngay tại chỗ.

Gian nan, nguy hiểm là vậy mà lâm tặc không chịu bỏ hành vi phá rừng. Cứ tính mỗi lán trại có 4-6 tên, thời điểm hiện tại, ít nhất có trên dưới trăm tên đang bám trong rừng sâu. Rồi biết bao lán trại khác chưa bị phát hiện. Tuy ở trong rừng dài ngày nhưng chúng được tiếp tế đầy đủ. Truy quét lâm tặc trong rừng giống như trò chơi trốn tìm, không có hồi kết. Lực lượng truy đuổi lội rừng dăm ba ngày trở ra. Hủy mấy phách gỗ chúng chưa kịp chuyển đi. Mà hủy theo kiểu dứt khúc, chúng vẫn lấy hết.

Ngày từ rừng ra về xuôi (21-9), khi qua thôn Tà Lang, chúng tôi gặp 8 người chuẩn bị vào rừng. Mới hơn 8 giờ sáng mà họ đã tụ tập tại nhà anh Đinh Văn Hưng uống rượu. Giở các bao tải của họ, thấy toàn soong nồi, lương thực thực phẩm, dây nhựa, dao rựa và cả cưa xẻ. Họ nói rằng vào rừng săn thú.

Một người xưng tên là Xẻ, chừng 40 tuổi, nói do hoàn cảnh khó khăn nên phải vào rừng, chứ lấy được phách gỗ ra cực khổ lắm. Qua chuyện trò, chúng tôi biết, họ đều ngụ thôn Trường Định, xã Hòa Liên, tuổi đều ngoài 30. Theo chúng tôi được biết, vác mỗi phách gỗ từ điểm cưa xẻ ra vị trí tập kết để kết bè thả suối, chủ trả 160 nghìn đồng. Họ cam chịu vất vả để có được số với tiền gấp nhiều lần so với trồng cấy cũng là điều dễ hiểu.

Khi vượt sông Nam qua thôn Giàn Bí, chúng tôi gặp một đầu nậu gỗ ở Hòa Hiệp Nam (Liên Chiểu) đang trên đường ngược núi tiếp tế hàng hóa cho lâm tặc. Chúng tôi nhờ ông đỡ chiếc xe máy trên bè bằng săm ô-tô bơm căng do người phụ nữ kéo qua. Khi qua đến nơi, ngồi nghỉ ngơi, mới hay ông biết rất rõ các sự việc diễn ra trong rừng. Câu đầu tiên ông hỏi chúng tôi: “Nhà báo lên trên ấy đã về chưa?”. “Sao ông biết có nhà báo lên?”, chúng tôi hỏi lại.

Ông nói tiếp: Biết hết, họ đi mấy người, đi mấy ngày chúng tôi nắm rất rõ. “Ông quan tâm nhà báo làm gì”, chúng tôi tiếp. “Nhà báo họ biết, đưa lên báo thì còn đâu đường làm ăn, phải tránh xa họ đã”. Hỏi nhóm của ông có mấy người, ông cho biết có 5 người. “Mấy ngày gỗ về một lần?”. “Chừng 3 ngày, nếu thuận buồn xuôi gió”. Chúng tôi hỏi tên ông và chỗ ở, ông ngập ngừng một chặp rồi lắc đầu.

Trạm quản lý bảo vệ rừng Sông Nam có 9 người, bảo vệ 7.306 ha khu vực giàu tài nguyên ở phía cực tây Hòa Vang. Họ là những người tận tụy với rừng. Hầu như ngày nào họ cũng băng rừng lội suối tuần tra truy quét tâm tặc. Song lực bất tòng tâm. Ma lực đồng tiền đã khiến lâm tặc bất chấp nguy hiểm bám rừng sâu hơn, chắc hơn. Cũng vì vậy mà các đợt truy quét chỉ làm giảm tốc độ phá rừng mà không ngăn chặn được triệt để. Cuộc truy đuổi chống chặt phá rừng sẽ không có hồi kết, nếu không có các giải pháp đồng bộ hỗ trợ cho những người bảo vệ rừng tại gốc.
           
Bài và ảnh: NGUYỄN CẦU

;
.
.
.
.
.