Tại cuộc họp triển khai các biện pháp cấp bách bảo vệ rừng do Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Phước Chính chủ trì chiều 28-8 vừa qua, ông Nguyễn Văn Kháng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho biết: Tình trạng phá rừng ở Hòa Bắc đã đến hồi báo động.
Gỗ còn non ở rừng Hòa Bắc vẫn bị lâm tặc chặt hạ. |
Hiện nay, rừng ở Đà Nẵng đang bị tàn phá theo kiểu “hết nạc vạc đến xương”. Trước đây, chúng chọn cây to, loại gỗ tốt để chặt hạ và sử dụng cưa tay (loại cá mập) để hạ cây. Còn nay, những cây to, gỗ tốt không còn, chúng dùng cưa máy hạ cả những cây còn nhỏ chỉ bằng cột nhà rồi dứt khúc chuyển đi. Nhiều cây gỗ tạp, không mấy giá trị nhưng chúng vẫn không chừa lại. Rừng bị tàn phá kiểu này khả năng phòng hộ không còn, môi trường sinh thái sẽ bị đe dọa.
Ông Trần Huy Độ, Trưởng Ban quản lý Rừng đặc dụng Nam Hải Vân cho biết: Thời gian gần đây, lâm tặc dồn về rừng Hòa Bắc khá đông. Chúng lập thành từng băng nhóm phá rừng với quy mô lớn. Đây là hệ quả của việc truy quét mạnh tại rừng Quảng Nam. Điều đáng lo ngại là chúng tàn phá cả những cây gỗ còn non. Ban đã phản ánh tình trạng này với Chi cục Kiểm lâm và chính quyền địa phương, đề nghị bổ sung lực lượng ngăn chặn, bởi hiện tại đơn vị chỉ có 6 người bảo vệ hơn 10 nghìn ha thì không xuể. Trong lúc đó, lâm tặc lại đông và hung hãn, luôn tìm mọi cách phá rừng.
Hiện chúng đưa cả cưa máy vào rừng, hễ truy quét là chúng lùi vào sâu, nằm yên chờ đợi. Khi lực lượng truy quét rút, lại lộng hành tàn phá theo kiểu hủy diệt. Thời điểm hiện tại, chúng tăng cường chặt phá số lượng lớn, lợi dụng lúc mưa lũ vận chuyển về xuôi. Cũng vì vậy mà ở Hòa Bắc lượng trâu kéo gỗ tăng đáng kể so trước đây.
Thời điểm này ngược Hòa Bắc vào các tiểu khu 7-8-9 thuộc lâm phận các thôn Lộc Mỹ, Nam Yên, An Định rất dễ phát hiện vô số khúc gỗ tròn đường kính chỉ độ 20 cm chất ngổn ngang ven rừng, dọc suối, điều mà vài năm trước rất ít khi thấy. Có lần chúng tôi cùng ông Trần Văn Phúc, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc và ông Đỗ Văn Châu, Xã đội trưởng, lội sâu vào rừng thuộc khu vực dốc Mõ, thôn Nam Yên.
Trên đường đi phát hiện nhiều gỗ tròn chất thành đống. Nhìn số gỗ đó, ai cũng cho rằng giá trị kinh tế không cao, từ đó xem nhẹ đến tác hại phá rừng và không thật kiên quyết trong việc ngăn chặn. Trong khi đó, chính việc khai thác cây còn non theo kiểu này mới gây nguy hại lớn cho rừng phòng hộ đầu nguồn. Nếu không ngăn chặn kịp thời, chẳng còn bao lâu nữa những cánh rừng tự nhiên sẽ trở thành đồi trọc trước kiểu phá rừng có tính hủy diệt này.
Gỗ tạp khai thác từ rừng tự nhiên tại một cơ sở kinh doanh gỗ củi ở xã Hòa Ninh. |
Tất cả gỗ khai thác từ rừng đều đưa về các cơ sở cưa xẻ gỗ. Đà Nẵng hiện có đến 105 xưởng cưa xẻ gỗ. Trung bình mỗi ngày một xưởng cưa ngốn 3-4 m3 gỗ, mỗi tháng ở Đà Nẵng có khoảng chục nghìn m3 gỗ đưa vào chế biến. Xưởng nào cũng nói rằng cưa xẻ gỗ vườn. Thử hỏi gỗ vườn ở đâu ra lắm vậy? Việc lực lượng chức năng triển khai truy quét ít ngày rồi rút như vẫn thực hiện từ trước đến nay, hiệu quả rất thấp.
Nên chăng, lập các điểm chốt chặn ngay tại cửa rừng, ngăn chặn triệt để việc vận chuyển lâm sản từ rừng ra sông suối hoặc đường bộ để chuyển đi. Ông Nguyễn Ngưng, Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc cho rằng: Ở Hòa Phú không là điểm nóng về phá rừng như ở Hòa Bắc. Thế mà ở Hòa Phú có Trạm kiểm soát lâm sản liên ngành vừa thành lập thêm ở Dốc Kiền, còn Hòa Bắc thì không.
Trong khi ở Phú Túc đã có một trạm rồi, lập thêm trạm ở Dốc Kiền liệu có tăng hiệu lực, khi mà lâm sản thế nào cũng vận chuyển qua Trạm Phú Túc. Hơn nữa, kiểm soát tại đây chỉ là ngăn chặn gỗ từ rừng Quảng Nam xuống. Còn ở Hòa Bắc, rừng đang bị xâm hại nghiêm trọng chưa được quan tâm đúng mức. Địa phương đã làm hết khả năng, song không phải chỉ mỗi việc bảo vệ rừng. Rừng Hòa Bắc chỉ có thể bình yên khi có sự hỗ trợ về lực lượng từ thành phố, hình thành các trạm chốt chặn tại các điểm nóng…
Bài và ảnh: NGUYỄN CẦU