.
NGÀY ĐẦU TIÊN CỦA PHIÊN XÉT XỬ SƠ THẨM VỤ ÁN HÌNH SỰ CÁC ĐỐI TƯỢNG DƯƠNG TIẾN, NGUYỄN PHI DUY LINH, ĐINH CÔNG SẮT:

Các bị cáo quanh co chối tội

.

Sáng ngày 22-9, Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với các bị cáo Dương Tiến (tức Dương Ngọc Tiến), Nguyễn Phi Duy Linh và Đinh Công Sắt bị truy tố về tội lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân theo Khoản 1, Điều 258 Bộ luật Hình sự.

Các bị cáo từ trái qua: Nguyễn Phi Duy Linh, Đinh Công Sắt, Dương Tiến trước vành móng ngựa.

Hội đồng xét xử gồm 3 thành viên do Thẩm phán Nguyễn Thành làm chủ tọa, bà Lê Thị Xuân Mai là đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) thành phố Đà Nẵng thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử. Bào chữa cho bị cáo Nguyễn Phi Duy Linh, Dương Tiến có các luật sư: Phạm Danh Tín, Hoàng Huy Được thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội. Ngày đầu phiên xét xử vụ án có hàng nghìn người dân thành phố Đà Nẵng đến theo dõi phiên tòa.

Theo cáo trạng của VKSND thành phố Đà Nẵng, đầu tháng 1-2007, Đinh Công Sắt đã được ông Trần Văn Thanh, Thiếu tướng, Chánh Thanh tra Bộ Công an giới thiệu gặp Nguyễn Phi Duy Linh. Từ đó, Linh hướng dẫn Sắt cách thức viết đơn với những nội dung bịa đặt, vu khống gửi khắp các cơ quan, ban ngành ở Trung ương tố cáo  lãnh đạo Đảng, chính quyền thành phố Đà Nẵng, cùng Ban giám đốc Công an thành phố Đà Nẵng. Khi tổ chức cho Sắt ra Hà Nội, Linh đã dẫn Sắt đến gặp Dương Tiến, gặp các hộ dân khiếu kiện tổ chức tập hợp đơn từ, tài liệu và xúi giục, kích động các hộ dân gây dư luận xấu ngay trước kỳ bầu cử Quốc hội khóa XII.
 
Trước bầu cử Quốc hội khóa XII, ngày 14-5-2007, Dương Tiến điện thoại bảo Sắt ra Hà Nội . Ngay trong đêm 14-5, Sắt đi máy bay ra Hà Nội, nhận tài liệu từ Tiến là hai công văn số 73,77/KSĐT-KT của VKSND thành phố Đà Nẵng và được Tiến dặn đi photo đem về tán phát cho nhân dân Đà Nẵng đọc. Nhận 1 triệu đồng từ Tiến, Sắt lên tàu rời Hà Nội ngay trong đêm. Không về thẳng Đà Nẵng, trưa 15-5, Sắt xuống ga Huế, nhảy xe ôm vào bưu điện huyện Hương Thủy (Thừa Thiên - Huế) ghi tên người gửi là Phan Trường Sơn, Phó Viện trưởng VKSND thành phố Đà Nẵng gửi tài liệu chuyển phát nhanh cho các cơ quan báo chí và ban, ngành Trung ương.
 
Xong, Sắt chia bó tài liệu thành nhiều tập cho vào túi nilông trong suốt, đón taxi về Đà Nẵng phát tán và rải tại nhiều địa điểm khắp thành phố.Từ 17 đến 19-5, Dương Tiến vào Đà Nẵng nằm ở khách sạn Xanh trên đường Hoàng Văn Thái và gặp Sắt nhiều lần để nghe dư luận về bài báo Dương Tiến viết trên Báo Công an thành phố Hồ Chí Minh số ra ngày 7-5 và việc phát tán tài liệu do Tiến đưa. Sau khi bị phát hiện, được cơ quan điều tra gọi hỏi, ngày 22- 5, Sắt bỏ trốn khỏi địa phương.

Theo lời khai của Sắt là bỏ trốn theo lời khuyên của thiếu tướng Trần Văn Thanh. Trong thời gian bỏ trốn, nhiều lần Sắt ngỏ ý muốn ra trình diện và đầu thú, nhưng bị Linh ngăn cản. Không những thế, Linh còn đưa Sắt 7 triệu đồng, 1 điện thoại di động, xúi giục Sắt tổ chức đưa 2 Bà mẹ Việt Nam anh hùng (là bà nội và bà ngoại của Sắt) ra Hà Nội căng băng rôn, khẩu hiệu cùng nhóm khiếu kiện Đà Nẵng đang ở Hà Nội trong những ngày diễn ra phiên họp đầu tiên của Quốc hội khóa XII.

Nhận định của VKSND Đà Nẵng: Hành vi của Sắt, Tiến, Linh phạm vào tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” theo điều 258 Bộ luật hình sự. Về sự liên quan của Thiếu tướng Trần Văn Thanh, Chánh Thanh tra Bộ Công an, bản cáo trạng ghi: Theo lời khai của Linh và Sắt, Thiếu tướng Thanh hướng dẫn Sắt viết đơn tố cáo sai sự thật, xúi giục Sắt bỏ trốn.
 
Cơ quan điều tra Công an thành phố Đà Nẵng thu được từ nhà vợ cũ của Linh nhiều đơn và bản thảo đơn thư có bút tích của Thiếu tướng Thanh với nội dung quy chụp, sai sự thật. Tuy nhiên do thời hạn điều tra đã hết, các nội dung này chưa được làm rõ để xử lý theo pháp luật nên VKSND thành phố Đà Nẵng sẽ tiếp tục yêu cầu cơ quan điều tra tiến hành điều tra xử lý.

Đinh Công Sắt: Bị cáo biết sai nhưng mù quáng, bị dẫn dắt quá xa

Tại phiên tòa, Đinh Công Sắt thừa nhận tất cả nội dung cáo trạng do đại diện VKS trình bày. Trả lời các câu hỏi của Hội đồng xét xử(HĐXX) và VKS, Sắt hối hận nói: “Tôi rất dị với gia đình, xã hội và bạn bè về hành vi của mình.” Theo Sắt, mục đích gửi đơn thư  đến Bộ Công an ban đầu chỉ nhằm xin cứu xét về mức án kỷ luật(tước quân tịch sĩ quan Công an) của mình quá nặng. Nhưng rồi thiếu suy nghĩ, mù quáng theo sự dẫn dắt của ông Trần Văn Thanh, Nguyễn Phi Duy Linh và Dương Tiến gửi đơn thư vu cáo lãnh đạo Đảng, chính quyền thành phố, Ban Giám đốc Công an thành phố và cả một số đồng chí lãnh đạo của Bộ Công an.

Trước tòa, Sắt khai về tình tiết có mối quan hệ với Thiếu tướng Trần Văn Thanh qua một người bạn giới thiệu và cho số điện thoại. Sắt khai đã gặp ông Thanh(khi đó còn là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục hậu cần Bộ Công an) tại một nhà hàng trên đường Sơn Trà-Điện Ngọc(gần nhà khách T20). Trong buổi gặp gỡ đó ông Thanh có nói mức án kỷ luật của Sắt quá nặng và hứa giúp. Sắt đã làm đơn kiến nghị về mức án kỷ luật của mình gửi Bộ Công an.
 
Sau đó, Sắt được ông Thanh cung cấp một số thông tin và gợi ý Sắt tố cáo những vụ việc tiêu cực của lãnh đạo thành phố, Ban Giám đốc Công an Đà Nẵng và cả một số đồng chí lãnh đạo cấp cao của Bộ Công an. Chính ông Thanh  giới thiệu Linh để hướng dẫn cho Sắt viết đơn thư tố cáo. Cũng qua điện thoại của Linh, từ Hà Nội ông Thanh khuyên Sắt bỏ trốn khi bị cơ quan an ninh điều tra phát hiện. Qua giới thiệu của Linh, Sắt quen Dương Tiến, nguyên Ttrung tá Công an, Trưởng đại diện Văn phòng Báo Công an thành phố Hồ Chí Minh tại Hà Nội.

Sắt đã nhận từ Tiến tài liệu là công văn số 73,77/KSĐT-KT của VKSND thành phố Đà Nẵng đem tán phát trước ngày bầu cử Quốc hội khóa XII nhằm bôi nhọ, hạ thấp uy tín lãnh đạo thành phố Đà Nẵng. Chính Linh là người đã thảo đơn và xúi giục Sắt gọi cho người nhà là Nguyễn Pháp, cậu ruột của Sắt tổ chức đưa bà nội và bà ngoại là hai Bà mẹ Việt Nam anh hùng ra Hà Nội kêu oan cho Sắt. Sắt lặp lại nhiều lần sự ăn năn của mình vì quá bức xúc cá nhân, mù quáng mà nghe theo lời ông Thanh và Linh, không biết mình bị lợi dụng. Đến cả bà nội, bà ngoại của mình tuổi cao sức yếu (một cụ 99 tuổi, một cụ 104 tuổi) cũng bị lợi dụng.

Nguyễn Phi Duy Linh: Nội dung 26 bản cung và 17 bản tự khai không phải của bị cáo

Trong phần xét hỏi, Nguyễn Phi Duy Linh trả lời HĐXX không thừa nhận nội dung nêu trong cáo trạng của VKS và cho đây là không đúng sự thật. HĐXX  đã trích đọc các bút lục về lời khai có chữ viết thừa nhận nội dung nhưng Linh phủ nhận hoàn toàn nội dung của 26 bản cung và 17 bản tự khai. Mặc dù HĐXX đã giải thích mỗi lần lấy cung đều có sự tham gia của điều tra viên cấp cao của Bộ Công an, nhưng Linh khai đó là do  điều tra viên nói những chi tiết không quan trọng, hứa có khoan hồng nên mới khai và viết lời khai theo ý của điều tra viên.

Linh bác bỏ cả nội dung lời khai có sự chứng kiến của luật sư bào chữa cho mình là luật sư Phạm Danh Tính và đại diện VKS là bà Lê Thị Xuân Mai đang có mặt tại phiên tòa. Linh làm những người dự phiên tòa bật cười khi thừa nhận chỉ tin điều tra viên lúc đó có hứa khoan hồng nên mới khai nhưng lại có niềm tin ra tòa sẽ rút lại lời khai. Linh nói mình không có tội gì nhưng trước đó lại nói do nghĩ được khoan hồng nên mới khai.
 
Linh khai việc gặp và quen Sắt chỉ là tình cờ, không có ai giới thiệu và bác bỏ việc xúi giục Sắt và Nguyễn Pháp, cậu ruột của Sắt, đạo diễn thảo đơn thư tố cáo sai sự thật cũng như giới thiệu Sắt với Tiến. Linh không thừa nhận bút tích trong tài liệu của cơ quan điều tra thu được tại nhà vợ cũ của Linh và bút tích trên 9 bộ đơn thư gửi đến các cơ quan Trung ương từ bưu điện Hội An. Linh thừa nhận ngày 22-5-2007(ngày Sắt trốn), ông Trần Văn Thanh có đến nơi trọ nghỉ của Linh ở Hà Nội và dùng điện thoại của Linh nói chuyện với Sắt đang ở Đà Nẵng, còn nội dung thế nào Linh không biết vì lúc đó đi vệ sinh.
 
Linh không thừa nhận việc có cuộc gặp giữa Linh, Sắt và ông Thanh tại nhà nghỉ Quỳnh Anh ở thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian Sắt đang bỏ trốn, đồng thời không thừa nhận việc hướng dẫn thảo đơn, đưa 7 triệu đồng cho Nguyễn Pháp là cậu của Sắt tổ chức đưa hai Bà mẹ Việt Nam anh hùng ra Hà Nội kêu oan cho Sắt. Linh thừa nhận không có mâu thuẫn gì với Sắt, nhưng không giải thích được lý do nội dung Sắt khai có liên quan đến mình.

Dương Tiến: Tài liệu bình thường nhưng khi biết Sắt tán phát mới biết là tai hại

Trả lời xét hỏi của HĐXX , Dương Tiến không đồng ý với nội dung cáo trạng của VKS và cho rằng: Đến tháng 4-2007 mới gặp Sắt chứ không phải tháng 1, không hướng dẫn cho Sắt viết đơn thư, không xúi giục tán phát tài liệu, đi công tác ở Đà Nẵng là theo nhiệm vụ được phân công chứ không phải vào nghe ngóng tình hình. Tiến khai nguồn gốc công văn số 73,77/KSĐT-KT là do ông Nguyễn Văn Yên công tác tại Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng cung cấp, nhưng trước đó làm việc với cơ quan điều tra, ông Yên phủ nhận.

Tiến khai có đưa hai công văn này cho Sắt vì nghĩ rằng đó là tài liệu công khai về một vụ án ở Đà Nẵng đã có hiệu lực từ lâu rồi nên không có vấn đề gì và có dặn Sắt phải cẩn thận đem về cho nhiều người đọc chứ không nói cho dân Đà Nẵng đọc như cáo trạng nêu. Còn số tiền một triệu đồng đưa cho Sắt cùng tài liệu là tiền hỗ trợ vì bị cáo vẫn thường làm từ thiện(?!).
 
Tuy nhiên, khi HĐXX hỏi bị cáo giao tài liệu không có vấn đề gì cho Sắt sao còn dặn cẩn thận và cho nhiều người đọc thì phạm vi đến đâu ? Bị cáo có biết thời điểm đó là gì không? Tiến chỉ  trả lời được đó là thời điểm sắp bầu cử Quốc hội khóa XII, nhưng khi biết Sắt tán phát hai công văn đó mới biết là tai hại. Tiến trả lời câu hỏi của HĐXX về việc có mặt ở Đà Nẵng từ ngày 17 đến 19-5-2007 là đi theo nhiệm vụ của Ban biên tập Báo Công an thành phố Hồ Chí Minh giao.
 
Tuy nhiên Tiến không làm nhiệm vụ như nội dung công văn Ban biên tập phúc đáp với cơ quan điều tra. Bằng chứng mà cơ quan điều tra có được là Tiến vào nghe ngóng tình hình và gặp gỡ Sắt và những người dân đi khiếu kiện. Hôm nay(23-9), buổi sáng phiên toà tiếp tục phần xét hỏi.

Nhóm P.V Nội chính

 

 

;
.
.
.
.
.