.
THÁNG AN TOÀN GIAO THÔNG

Chỉ tốt khi có Cảnh sát giao thông

.

Thành phố Đà Nẵng khởi động Tháng An toàn giao thông (ATGT) bằng một chiến dịch ra quân khá rầm rộ của các cơ quan chức năng với quyết tâm giải quyết dứt điểm nạn xe dù, bến cóc. Ngoài lực lượng chính là Cảnh sát giao thông (CSGT) thành phố, còn có sự hỗ trợ của CSGT và Công an các quận, huyện, Thanh niên xung kích và Thanh tra giao thông.

CSGT thành phố lập biên bản xử phạt trường hợp đi ngược chiều trên đường Ngô Quyền.

Ngoài 4 điểm chốt trực chính tại hai cửa ngõ ra vào thành phố, ngã ba Huế và khu vực Bến xe Trung tâm, còn có các tổ tuần tra cơ động liên tục trên đường Trường Chinh và Nguyễn Lương Bằng. Nhờ vậy, tình hình xe dù, bến cóc tại những điểm nóng như khu vực Bến xe Trung tâm, Ngã ba Huế, cầu vượt Hòa Cầm... đã có bước chuyển tốt.  Lực lượng CSGT nỗ lực rất lớn nhằm bảo đảm trật tự ATGT trên các tuyến đường chính.

Với việc huy động 100% quân số, cùng sự hỗ trợ của lực lượng Thanh niên xung kích, nhất là thực hiện thay đổi lịch làm việc từ giờ hành chính sang giờ cao điểm, cùng với sự thay đổi  cách làm việc như không chốt tại các ngã tư, ngã ba đường để phát hiện xử phạt các trường hợp vi phạm, mà CSGT đã ra giữa các giao lộ để điều tiết giao thông, nhờ vậy không bị ùn tắc và TNGT cũng được hạn chế đáng kể.

Đặc biệt, Tháng ATGT năm nay đánh dấu sự tích cực tham gia của các quận, huyện. Thay vì rập khuôn theo chương trình hành động từ thành phố chỉ đạo như trước đây, nay tùy theo tình hình địa phương mà các quận, huyện đưa thêm những cách làm mới rất hiệu quả. Một ví dụ điển hình là quận Thanh Khê, sau sáng kiến tuyên truyền trực quan bằng cách cụ thể hóa nội dung Nghị quyết 32 của Chính phủ bằng các pa-nô treo trên các trục đường chính, trong Tháng ATGT năm nay, quận có sáng kiến là ngay các đầu hẻm nối vào các đường chính, treo những tấm bảng với nội dung nhắc nhở người dân phải nghiêm túc thực hiện đúng Luật Giao thông đường bộ.

Hay như quận Sơn Trà, đã cử người đến từng nhà hàng, quán ăn trên trục đường Phạm Văn Đồng, Sơn Trà-Điện Ngọc... nhắc nhở mọi người phải thực hiện nghiêm túc những điều đã cam kết với chính quyền địa phương. Trong khi đó, quận Cẩm Lệ sau tuyên truyền vận động đã tăng cường và duy trì thường xuyên việc tuần tra kiểm soát để bảo đảm đường thông hè thoáng. Ở huyện Hòa Vang, Phòng Văn hóa - Thông tin phối hợp với CSGT thành phố sau khi tổ chức các chương trình tuyên truyền đến các trường học, các khu dân cư là ký cam kết không vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Chính những cố gắng của các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương đã tạo nên chuyển biến đáng kể trong công tác ATGT trong tháng 9 này.

Tấm biển nhắc nhở người tham gia giao thông ở quận Thanh Khê.

Tuy nhiên phải nhìn nhận, nơi nào và khi nào có lực lượng CSGT làm nhiệm vụ thì tình hình giao thông được bảo đảm, khi vắng bóng CSGT, ngay lập tức trở nên lộn xộn. Điển hình là tại khu vực Bến xe Trung tâm, chỉ cần CSGT rời vị trí trực, các xe khách ngay lập tức dừng lại trên đường để bắt khách, chỉ đến khi nào thấy bóng dáng CSGT quay lại, họ mới cho xe lăn bánh. Tương tự, tại khu vực gần Ngã ba Huế, cầu vượt Hòa Cầm, đường Nguyễn Lương Bằng khu vực trước Trường Đại học Sư phạm... khi hết ca trực của CSGT cũng là lúc bến cóc xuất hiện trở lại.
 
Đặc biệt, tại các trục đường chính trên địa bàn quận Hải Châu, theo tinh thần Quyết định 04 của UBND thành phố, chính quyền điạ phương quản lý vỉa hè, CSGT đảm nhận phần lòng đường. Thế nhưng quận Hải Châu gần như bất lực trước tình trạng này, nên dù đang trong thời gian cao điểm của Tháng ATGT, tình trạng vi phạm vẫn diễn ra khắp nơi, khiến giao thông ở khu vực trung tâm, nhất là đối với người đi bộ luôn gặp khó khăn.

CSGT không thể đủ người để chốt trực ở tất cả tuyến đường cũng như duy trì suốt 24/24 giờ. Vấn đề gốc rễ ở đây chính là ý thức của người tham gia giao thông còn quá kém.

Bài và ảnh: TRẦN LUÂN SƠN

;
.
.
.
.
.