.

Thú rừng kêu cứu

.

Khó có thể biết được mỗi ngày trên toàn địa bàn thành phố Đà Nẵng tiêu thụ lượng thịt thú rừng là bao nhiêu, chỉ biết rằng hằng ngày càng khan hiếm, người tiêu dùng càng thích tìm kiếm, giá cả cũng theo đó mà tăng vọt.

Thịt heo rừng 130.000 đồng/kg, thịt nai 110.000 đồng/kg, tê tê mỗi kg phải tính bằng tiền triệu. Nhiều chủ nhà hàng ở Đà Nẵng đã phải chuyển hướng sang tìm kiếm nguồn thịt thú rừng của các con buôn chuyên thu mua nguồn thịt thú rừng từ các huyện vùng cao của tỉnh Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc xuống, từ Huế, Quảng Trị vào.

Thit nai chuẩn bị được chế biến thành món nhậu cho thực khách.
Diện tích rừng của thành phố Đà Nẵng không nhiều như những địa phương khác, trong khi đó nhu cầu tiêu thụ thịt thú rừng hoang dã ở Đà Nẵng rất cao. Vì vậy, từ nhiều năm qua, cánh thợ săn đã quần thảo gần như không còn sót một tấc rừng nào trên địa bàn Đà Nẵng.

Chồn, nai, mang, nhím... và heo rừng cư ngụ trong những cánh rừng thuộc huyện Hòa Vang dường như đã cạn kiệt theo năm tháng. Cách đây một vài năm, khu vực các xã Hòa Sơn, Hòa Liên, Hòa Phú các điểm mua bán thịt thú rừng hoang dã mọc lên san sát và là điểm cung cấp nguồn thịt thú rừng cho hàng trăm nhà hàng ở nội đô thành phố. Còn ở thời điểm hiện tại thì cảnh mua bán này đã giảm xuống đến mức rất thấp…

Theo những người sành ăn thịt thú rừng ở Đà Nẵng thì không phải ở thành phố này nhà hàng nào cũng luôn có thịt thú rừng tươi sống. Đại đa số các nhà hàng, quán nhậu ở Đà Nẵng có bán thịt thú rừng, nhưng cũng chỉ là thịt ướp đá, thịt trữ trong tủ lạnh lâu ngày... tất nhiên giá cả của loại thịt này thì “mềm” hơn giá thịt tươi sống.
 
Tuy nhiên, số quán nhậu, nhà hàng có thịt thú rừng tươi hoặc đang còn sống, nếu đếm thì không phải là hiếm. Ở khu vực đường 2-9 có quán H.M, ở đây, thực khách có thể tìm được các món thịt chồn hương, mang, nai, heo rừng, kỳ đà, nhông... còn khá tươi; thậm chí khách quen có thể đặt heo rừng đang còn sống ở đây để thưởng thức món tiết canh heo rừng.
 

Chủ một quán nhậu đang cắt tiết chồn hương

Ở khu vực quận Sơn Trà có quán Đ.R, quán này ra đời từ lâu và cũng khá nổi tiếng, ở đây nguồn thịt thú rừng tươi cũng rất dồi dào, thậm chí thực khách có thể thưởng thức ở đây món thịt khỉ, cu rừng, chồn hương tươi sống... Nằm khuất trong con đường Đào Duy Từ, có quán H.D, ở quán này thực khách có thể tìm kiếm rất nhiều món nhậu từ rắn... Trên đường Hoàng Văn Thụ có một nhà hàng khá sang trọng và đây cũng là điểm ăn uống, tiếp khách của nhiều đại gia và quan chức. Ở đây có nhiều món thịt thú rừng được chế biến rất ngon, tuy nhiên thực khách muốn ăn thịt thú rừng ở nhà hàng này thường là phải gọi nguyên con đang còn sống...

Trước thực trạng các phường săn lùng sục để săn bắn, đánh bẫy thú rừng làm mồi nhậu cho thực khách miền xuôi, chính quyền thành phố đã chỉ đạo cho các ngành chức năng như kiểm lâm, cảnh sát kinh tế… triển khai nhiều biện pháp để bắt giữ và xử phạt thích đáng những đối tượng săn bắt và mua bán thú rừng hoang dã.

Thịt rừng lên mâm.
Nhiều địa phương đã ban hành quyết định sẽ xử phạt cán bộ, công chức sử dụng mồi nhậu là thịt thú rừng, kiên quyết không thanh toán những hóa đơn liên hoan, tiếp khách mà trong đó có đặc sản thịt thú rừng hoang dã…

Nhiều quán nhậu chuyên bán thịt thú rừng ở Đà Nẵng cũng đã bị các lực lượng chức năng tập kích để phát hiện hành vi mua bán thịt thú rừng, nhiều biên bản vi phạm đã được lập và mức xử phạt đến cả chục triệu đồng cũng đã được thực thi. Tuy nhiên, kinh doanh thịt thú rừng luôn mang lại cho những tư thương một nguồn lợi nhuận lớn, vì thế mà thịt rừng vẫn âm thầm về phố để phục vụ thực khách.

Trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, trao đổi với báo chí về dự án Luật Đa dạng sinh học mà Quốc hội thảo luận vào ngày 2-6, GS. Nguyễn Lân Dũng đã nói gay gắt: “Nên cấm tuyệt đối các món ăn đặc sản thú rừng. Không ít người quan niệm, ăn cái đó mới chứng tỏ mình sang trọng. Phải bỏ khái niệm ăn cái đó là vinh dự mà phải thấy ăn thịt thú rừng là nhục nhã, là phá hoại…”. Và ông thẳng thừng đề xuất: “Chẳng có lý do gì mà chúng ta không đóng cửa tất cả các cửa hàng bán thịt thú rừng hoang dã này lại…”.

 
Theo khuyến cáo từ Tổ chức Bảo vệ động vật haong dã thế giới, hiện ở Việt Nam có gần 700 loài động thực vật đang bị de dọa tuyệt chủng ở cấp quốc gia, trong đó có 300 loài bị đe dọa tuyệt chủng ở cấp toàn cầu. Đặc biệt, có 49 loài thuộc dạng cực kỳ nguy cấp.
 


LÊ THẾ CHIẾN

 

 

;
.
.
.
.
.