.

Bảo vệ an toàn giao thông đường sắt

.

So với những tỉnh, thành phố có hệ thống đường sắt Bắc-Nam đi qua thì Đà Nẵng là địa phương có chiều dài đường sắt đi qua ngắn nhất. Thế nhưng, hệ thống này lại đi xuyên qua các khu vực có đông đúc dân cư sinh sống. Vì vậy, trên tuyến đường sắt chạy qua Đà Nẵng, người dân đã tự hình thành rất nhiều đường ngang dân sinh.

Những rãnh nối giữa đường ray và bê-tông là những cái bẫy chết người trên các đường ngang dân sinh.

Và, do là đường ngang dân sinh tự phát, nên các ngành chức năng không thể xây dựng tại các con đường này những hệ thống đèn, chuông tín hiệu hay barie để ngăn chặn người qua lại đường sắt trong những thời điểm có tàu hoạt động.

Qua khảo sát, đoạn đường sắt chạy từ cửa hầm phía Nam đèo Hải Vân đến hết địa phận Đà Nẵng hiện nay có hơn một trăm đường ngang dân sinh. Tìm hiểu từ những người dân địa phương về nguyên nhân xuất hiện những đường ngang này, điểm chung mà chúng tôi nghe được là, do địa bàn dân cư có đường sắt băng ngang qua; nếu mọi sinh hoạt của người dân đều phải đi đường vòng thì quá bất tiện, thậm chí có những khu dân cư không thể đi theo một đường vòng nào để đến đường ngang có barie cả.
 
“Túng ắt phải biến”, và cũng chẳng biết từ bao giờ, những đường ngang này cứ “mọc ra” theo sự phát triển của từng khu dân cư ven đường sắt... Tình trạng trên đã trở thành mối lo của ngành đường sắt, của các ban an toàn giao thông đường sắt trên cả nước chứ không riêng gì Đà Nẵng. Đã có rất nhiều cuộc họp liên ngành, hội nghị, hội thảo nhằm tìm những giải pháp tối ưu, rồi Chính phủ cũng đã ban hành riêng một Nghị định về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường sắt (Nghị định 39/CP), nhưng xem ra đâu vẫn hoàn đó. Những đợt tuyên truyền, giải tỏa hành lang đường sắt, xóa bỏ đường ngang dân sinh tự phát cũng chỉ dừng lại ở mức độ phong trào...

Trao đổi với báo giới về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Chiến - Đội trưởng Đội giám sát an toàn giao thông đường sắt (Công ty Quản lý đường sắt Quảng Nam-Đà Nẵng) cho hay: Đoạn đường sắt chạy qua thành phố Đà Nẵng có chiều dài 40km, nằm trên địa bàn của 4 quận, huyện là Liên Chiểu, Thanh Khê, Hòa Vang và Cẩm Lệ. Số liệu thống kê cho thấy, hiện tại có 108 hộ gia đình đang vi phạm nghiêm trọng hành lang an toàn giao thông đường sắt (trong đó ở quận Liên Chiểu 14 hộ, quận Thanh Khê 82 hộ, quận Cẩm Lệ 12 hộ). Ông Chiến cho rằng, cách duy nhất để giải quyết thực trạng này là di dời những hộ dân vi phạm đến một nơi định cư mới an toàn hơn. Tuy nhiên, việc di dời dân cư lại không thuộc thẩm quyền của ngành đường sắt. Vì vậy, hằng năm ngành đường sắt chỉ biết làm báo cáo thực trạng và đề xuất chính quyền địa phương có phương án xử lý...

8 tháng đầu năm 2008, trên địa bàn Đà Nẵng đã xảy ra 15 vụ tai nạn giao thông đường sắt, làm 4 người chết và 15 người bị thương, nhiều phương tiện giao thông nhỏ như xe máy, xe đạp bị hư hỏng hoàn toàn... Nguyên nhân chính dẫn đến những vụ tai nạn đau lòng này là do người dân quá bất cẩn khi băng qua đường sắt. Bên cạnh đó, các nhà chuyên môn còn tìm thấy những nguyên nhân khách quan khác như:
 
Tại các đường ngang dân sinh hầu hết bị che khuất tầm nhìn do nhà cửa ngày càng được xây dựng nhiều hơn; tiếng ồn trong đô thị quá lớn làm người băng qua đường sắt không xác định được tiếng tàu đang chạy đến gần mình. Thêm nữa là, khi mở những đường ngang dân sinh, để dễ dàng qua lại, người dân đã tự ý đặt trên phần đường đi những tấm đanh làm bằng bê-tông, đoạn hở giữa các tấm đanh này với hai thanh tà vẹt rất lớn, vì vậy khi chạy xe máy băng qua đường sắt, bánh trước của xe máy rất dễ lọt xuống rãnh này, nếu kéo lên được cũng phải mất vài phút đồng hồ và đó cũng là thời gian đủ để chiếc tàu từ phía sau băng qua.

Trước thực trạng tai nạn giao thông đường sắt gia tăng và nhằm thực hiện công văn của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam về việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường sắt, trong thời gian qua, UBND thành phố Đà Nẵng đã yêu cầu UBND và Công an các quận, huyện có đường sắt đi ngang qua phối hợp với các đơn vị thuộc ngành đường sắt triển khai thực hiện Luật Đường sắt, với những nội dung cụ thể như sau: Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường sắt.

Tổ chức kiểm tra, ngăn chặn và xử lý kịp thời hành vi uy hiếp nghiêm trọng đến an toàn chạy tàu, an toàn về người, tài sản và các phương tiện tham gia giao thông khác qua đường sắt. Kiểm tra xử lý nghiêm các vi phạm lấn chiếm, tái lấn chiếm chỉ giới hành lang an toàn giao thông đường sắt, ngăn chặn, tháo dỡ các đường dân sinh trái phép qua đường sắt.
 
Nghiêm cấm việc chăn thả gia súc trên đường sắt, xếp nguyên vật liệu, để ô-tô nằm trong khổ giới đường sắt, ném đất đá hoặc các vật liệu khác lên tàu. Ngăn chặn đi, đứng, nằm, ngồi, nô đùa trên đường sắt (trừ những người được phép làm nhiệm vụ). Xây dựng đường gom và hàng rào ngăn cách giữa khu dân cư với đường sắt để bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường sắt. 
       
Bài và ảnh: ­BẢO THY

;
.
.
.
.
.