.
BẢO VỆ RỪNG Ở ĐÀ NẴNG - CUỘC TRUY ĐUỔI KHÔNG HỒI KẾT

Bài 3: Mau chóng cứu lấy rừng Hòa Bắc

.

Năm nào cũng vậy, chỉ riêng lĩnh vực bảo vệ rừng đã có hàng chục cuộc họp ở các cấp. Ngày 28-8 vừa qua, UBND thành phố triển khai các giải pháp cấp bách bảo vệ rừng, rồi Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND thành phố làm việc với Chi cục Kiểm lâm. Ngoài các giải pháp vẫn duy trì như từ trước đến nay, thành phố cho phép lập thêm 2 trạm chốt chặn ở Hòa Phú và Hòa Bắc, yêu cầu tăng cường kiểm soát hoạt động cưa xẻ gỗ...

>>> Bài 2: Rừng nguyên sinh không bình yên
>>> Bài 1:  Lần theo dấu vết lâm tặc

Lực lượng liên ngành tuần tra truy quét chống chặt phá rừng tại rừng phòng hộ Đà Nẵng.
Thế nhưng những ngày gần đây, gỗ lậu vẫn về xuôi số lượng không nhỏ. Sáng 21-9, tại điểm tập kết gỗ lậu sát cống Da Tròn thuộc phường Hòa Hiệp Nam (Liên Chiểu), chúng tôi chứng kiến nhiều người bốc gỗ lậu từ sông lên ô-tô chở đi tiêu thụ mà không hề có bóng dáng kiểm lâm. Các xưởng cưa vẫn phát huy tối đa công suất, không hề bị kiểm tra như kế hoạch đề ra.

Rừng nguyên sinh khu vực giàu tài nguyên lâm sản do Ban Quản lý rừng phòng hộ Đà Nẵng quản lý, lâm tặc đang bám chắc trong rừng, suốt ngày tìm gỗ tốt (chủ yếu là kiền kiền), chặt hạ, xẻ từng phách nhỏ tập kết gần suối. Khi có mưa lũ, chúng kết bè đưa về xuôi. Các khu vực khác như Rừng đặc dụng Nam Hải Vân, rừng do huyện Hòa Vang quản lý, gỗ to nhỏ, tốt xấu gì chúng cũng chặt hạ, dùng trâu hoặc xe công nông vận chuyển ra sông đưa lên ghe chở về Nam Ô. Không còn dùng cưa tay như trước đây, lâm tặc đã dùng cưa máy để phá rừng.

Hiện tại, chính quyền địa phương cho rằng, Kiểm lâm chịu trách nhiệm chính trong bảo vệ rừng. Ngược lại, Kiểm lâm cho rằng trách nhiệm đó thuộc về địa phương là chủ yếu. Thực trạng này đang đẩy công tác bảo vệ rừng không ai cầm chịch. Bên cạnh đó, tình trạng né tránh, ngại va chạm với lâm tặc nổi lên khá rõ trong lực lượng thực thi nhiệm vụ. Không ít lần, Kiểm lâm Liên Chiểu phát hiện gỗ lậu vận chuyển giữa ban ngày nhưng không tiến hành truy bắt. Quanh năm tổ chức truy quét tại rừng, các tuyến đường sông, đường bộ đều có trạm chốt chặn, ở hạ lưu sông Cu Đê có Hạt Kiểm lâm Liên Chiểu chốt giữ, thế mà gỗ lậu vẫn về Nam Ô đưa đi tiêu thụ trót lọt!?          
       

Gỗ lậu bị Kiểm lâm Hòa Vang tịch thu từ một xưởng cưa.

Để bảo vệ rừng hiệu quả, theo chúng tôi cần triển khai đồng thời ở cả 3 khu vực: Tại rừng, đường vận chuyển và nơi tiêu thụ. Trước hết nói về truy quét tại rừng. Tuy khó bắt được lâm tặc, nhưng truy đuổi liên tục, bọn chúng không còn cơ hội chặt phá gỗ. Gỗ lậu bị tịch thu, tiêu hủy, sẽ không còn để vận chuyển về xuôi và như vậy, không có thu nhập, chúng phải từ bỏ việc phá rừng.

Về lĩnh vực này, ngoài nêu cao trách nhiệm, cần có giải pháp cải thiện đời sống và đầu tư trang thiết bị chuyên dùng cho đội ngũ bảo vệ rừng để họ yên tâm, gắn bó với rừng. Hiện nay, đội ngũ bảo vệ rừng hưởng mức lương rất thấp. 35 năm gắn bó với rừng như ông Nguyễn Công Dậy, Trạm trưởng Trạm QLBV rừng Sông Nam, cũng chỉ có mức lương 2,6 triệu đồng/tháng. Phụ cấp khu vực chỉ 0,2%, thấp hơn rất nhiều so kiểm lâm địa bàn.

Đối với việc ngăn chặn vận chuyển lâm sản trái phép, từ trước đến nay đã triển khai nhưng hiệu quả thấp, do tại các vị trí xung yếu không được bố trí lực lượng chốt chặn. Gỗ từ rừng phòng hộ về xuôi đều phải đi qua địa bàn thôn Giàn Bí cả đường sông và đường bộ, thế nhưng tại đây không hề có Trạm Kiểm soát lâm sản. Nếu đặt tại cầu Sụp một trạm kiểm soát liên ngành, lâm tặc khó vận chuyển lâm sản qua. Trạm này cũng sẽ kiểm soát được các đối tượng vào rừng, cắt được nguồn tiếp tế cho lâm tặc ở trong rừng. Tại địa phận các thôn Lộc Mỹ, Nam Yên, An Định xã Hòa Bắc cũng vậy. Ngoài trạm chốt chặn ở suối Ty, cần có thêm trạm ở đầu thôn An Định, khống chế vận chuyển gỗ từ Khe Răm ra sông Cu Đê.

Thời gian qua, ngăn chặn tiêu thụ lâm sản trái phép đang là khâu yếu trong bảo vệ rừng ở Đà Nẵng. Việc kiểm tra hoạt động này chỉ chiếu lệ hoặc né tránh. Và gỗ lậu cứ thế quanh năm đổ về các xưởng cưa với số lượng không nhỏ. Kiểm tra kiểm soát gắt gao hoạt động cưa xẻ gỗ, mắt xích cuối cùng trong đường dây phá rừng như chỉ đạo của UBND thành phố, chắc chắn sẽ có tác dụng rất lớn đến việc bảo vệ rừng đầu nguồn.
  
Rừng Hòa Bắc, khu vực giàu tài nguyên lâm sản không chỉ có giá trị về kinh tế mà còn có tác dụng quan trọng về phòng hộ đầu nguồn. Rừng chỉ bình yên khi các cơ quan chức năng  và chính quyền các cấp triển khai ráo riết, quyết liệt trên cả 3 công việc, đó là truy quét tại rừng, chốt chặn tại các vị trí xung yếu trên các tuyến giao thông thủy bộ, và triệt thoái các xưởng cưa xẻ tiếp tay cho bọn phá rừng. Phải ưu tiên bảo vệ rừng Hòa Bắc.

Tại địa bàn xã này, cần bổ sung lực lượng liên ngành, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng bộ phận, từng khu vực. Những tập thể, cá nhân để lâm tặc khai thác vận chuyển gỗ lậu về xuôi phải bị quy kết trách nhiệm và khen thưởng xứng đáng khi họ lập công. Các vụ vi phạm Luật Quản lý bảo vệ rừng cần xử lý nhanh, nghiêm minh theo pháp luật.

Bài và ảnh: NGUYỄN CẦU                    

;
.
.
.
.
.