Từ trước đến nay, đợt tuần tra truy quét nào, lực lượng làm nhiệm vụ cũng phát hiện nhiều gỗ do lâm tặc khai thác để lại trong rừng chưa kịp chuyển đi. Số gỗ này không hề được tịch thu vận chuyển về cơ quan có trách nhiệm mà đều bị tiêu hủy bằng nhiều cách: đốt, dùng cưa máy dứt từng khúc, dùng dao rựa chặt phá...
Bảo vệ rừng đang đốt hủy gỗ lâm tặc bỏ lại trong rừng. |
Đã không ít lần công luận phản ánh tình trạng này và kiến nghị cơ quan chức năng phối hợp địa phương tìm mọi cách tịch thu đưa số gỗ lâm tặc khai thác về cơ quan, đơn vị. Thế nhưng số tịch thu được rất ít. Thậm chí gỗ đã vận chuyển ra suối, hoặc ở hạ lưu sông Cu Đê vẫn không bị tịch thu. Lý do lực lượng làm nhiệm vụ đưa ra là không có nhân lực và phương tiện. Không ít lần, lâm tặc ngồi trên bè gỗ trôi theo dòng lũ chảy xiết, giơ tay vẫy chào lực lượng kiểm lâm đứng trên bờ.
Bắt được lâm tặc rất khó, nhưng phát hiện gỗ chúng để lại trong rừng không mấy khó khăn. Chỉ cần chịu khó lội rừng vài buổi sẽ bắt gặp không ít gỗ lậu chất ngổn ngang khắp nơi. Có điều, lâm tặc vận chuyển ra sông Cu Đê đưa về xuôi được, còn lực lượng làm nhiệm vụ thì không. Lâm tặc cực khổ, nguy hiểm mà vẫn vận chuyển gỗ về xuôi bằng mọi giá vì sẽ có nhiều tiền. Còn lực lượng truy quét chỉ là làm nhiệm vụ.
Đống gỗ kiền kiền rất giá trị thế mà bị chất đống đốt thật lãng phí. |
Cần phải có chủ trương tịch thu vận chuyển về cơ quan, đơn vị gỗ lâm tặc khai thác đang bỏ lại trong rừng. Tiêu hủy là việc không nên. Tịch thu gỗ lâm tặc để lại trong rừng còn là giải pháp ngăn chặn tình trạng phá rừng hiệu quả nhất. Hễ khai thác ra bị tịch thu, liệu lâm tặc có dám bám rừng hằng tháng trời. Nhằm khuyến khích việc tịch thu này, cần có mức thưởng xứng đáng cho những người trực tiếp thực thi nhiệm vụ.
HOÀI NAM