.

Chống tội phạm ngân hàng ở Đà Nẵng

.

Những thủ đoạn lừa đảo

Năm 2006, Phạm Minh Thái, Giám đốc Công ty TNHH Nông Việt (trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh) đã móc nối với Phạm Công Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Kiến tạo Đầu tư xây dựng & Thương mại tổng hợp 2-9 Đà Nẵng lập hồ sơ nâng khống số lượng đàn bò từ ít lên nhiều để thế chấp vay vốn tại một ngân hàng (NH) Đà Nẵng 7,4 tỷ đồng.
 

Mọi người dân phải cảnh giác để không bị rủi ro do loại tội phạm trong hoạt động ngân hàng gây ra.

Đến nay, phía NH vẫn chưa thu hồi được. Thủ đoạn làm giả 12 “sổ đỏ” của  Trần Thái Vũ, Giám đốc Công ty TNHH Trần Vũ tại Đà Nẵng để đi thế chấp vay vốn lừa đảo chiếm đoạt trên 20 tỷ đồng của các NH tại  Đà Nẵng và Quảng Nam. Riêng tháng 5-2007, Phòng Bảo vệ An ninh kinh tế và Cơ quan An ninh điều tra Công an thành phố Đà Nẵng đã phối hợp với 3 NH tại Đà Nẵng điều tra, bắt giữ một số đối tượng thường trú tại TP. Hồ Chí Minh và Cần Thơ sử dụng chứng minh nhân dân của người khác mua tại hiệu cầm đồ để mở thẻ ATM tại 7 NH tại Đà Nẵng, qua đó lừa đảo chiếm đoạt hàng tỷ đồng của người dân trong cả nước.
 
Từ năm 2006-2008, tại Đà Nẵng còn có tình trạng một số tội phạm trong nước lợi dụng sự cả tin của người dân để chiếm đoạt hàng tỷ đồng thông qua thẻ ATM. Thủ đoạn của dạng tội phạm này là dùng ĐTDĐ gọi vào số máy một người nào đó để mời tham gia mua một mặt hàng do công ty chúng đang khuyến mãi, sau đó báo cho người này biết đã trúng thưởng với số tiền lớn, muốn nhận được số tiền này cần phải có trong tài khoản thẻ ATM từ 20 triệu đồng trở lên, sau đó hướng dẫn họ thao tác trên máy ATM.

Do nhiều người không biết ngoại ngữ nên đã chuyển tiền vào thẻ của bọn chúng ở một tài khoản ATM khác. Sau một thời gian ngắn, số tiền này đã bị các đối tượng lừa đảo rút ra, và xóa sạch dấu vết. Chẳng hạn, ngày 2-11-2007, ông Chu Xuân Dũng, công tác tại Vùng 3 Hải quân nhận được điện thoại từ số máy 0084800 gọi đến quảng bá sản phẩm của Công ty Campani (Hồng Kông) thông báo có mở thưởng khuyến mãi. Hôm sau, ông Dũng tiếp tục nhận được tin nhắn từ số máy 0976063984, thông báo mã số dự thưởng là AK5188.

Đến ngày 4-11-2007, ông Dũng lại nhận được thông báo từ số máy trên với nội dung ông Dũng đã trúng thưởng, đồng thời hướng dẫn ông mở tài khoản thẻ ATM tại một NH ở Đà Nẵng để chuyển tiền thưởng cho ông, nhưng kèm điều kiện trong tài khoản của ông phải có ít nhất 20 triệu đồng. Sau đó, đối tượng lừa đảo đã hướng dẫn ông Dũng thao tác trên máy để nhận tiền  thưởng. Do không biết ngoại ngữ, nên tất cả số tiền 20 triệu đồng của ông Dũng đã bị chuyển cho đối tượng lừa đảo.

Không chỉ các đối tượng trong nước lừa đảo chiếm đoạt tiền của các NH, thời gian gần đây, Công an Đà Nẵng còn phát hiện nhiều thủ đoạn của bọn lừa đảo quốc tế như dùng thẻ tín dụng giả, séc giả, hộ chiếu giả mở tài khoản cá nhân tại các NH… để thực hiện hành vi lừa đảo, đánh cắp tiền trong tài khoản tại các NH.

Theo Đại tá Lê Văn Tam, Phó Giám đốc Công an thành phố Đà Nẵng, thủ đoạn của các đối tượng này là thông qua giao dịch lừa đảo trên mạng hoặc trực tiếp đến các NH và DN mời chào vay vốn với lãi suất ưu đãi. Sau khi khách hàng trong nước cung cấp thông tin cần thiết và đồng ý thực hiện các thủ tục pháp lý theo yêu cầu, đối tượng lừa đảo sẽ gửi séc du lịch giả cho người vay để mang đến NH đổi thành tiền mặt. Nếu NH không phát hiện được séc giả thì đối tượng lừa đảo sẽ tìm cách thu lại phần lớn số tiền đó.

Còn nếu bị phát hiện, đối tượng lừa đảo sẽ nói với khách hàng là đã xóa code gốc để bảo đảm an ninh, do đó séc không được chấp nhận cấp phép qua mạng Internet. Sau đó, bọn lừa đảo yêu cầu đối tác  chuyển ngay cho họ một số tiền để làm lại các thủ tục cho séc được chấp nhận. Địa chỉ chuyển tiền thường ở các nước châu Phi. Nếu đối tác trong nước không tìm hiểu kỹ mà thực hiện theo yêu cầu này thì sẽ bị mất khoản tiền gửi đi.

Đơn cử, cuối tháng 9-2008, tại một NHTM ở Đà Nẵng đã xảy ra vụ rửa tiền xuyên quốc gia. Công an Đà Nẵng phối hợp với các cơ quan chức năng phát hiện, làm rõ nguồn gốc số tiền gần 300 nghìn bảng Anh do một tổ chức tội phạm quốc tế đánh cắp từ tài khoản tại một NHTM ở Luân Đôn (Anh), sau đó chuyển vào Việt Nam cho một số đối tượng người Mozambique, Nam Phi nhận bằng tiền Việt.

Cần sự phối hợp

Tại hội nghị sơ kết công tác phòng, chống tội phạm và rủi ro trong hoạt động NH tại Đà Nẵng vừa qua, cả ngân hàng và công an đều cho rằng, để ngăn chặn dạng tội phạm tại NH, cần phải có sự phối chặt chẽ giữa hai bên. Các NH cần chủ động nâng cao tính bảo mật, an toàn của hệ thống trong hoạt động kinh doanh tại NH, đồng thời cần tăng cường công tác đào tạo nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ, nhân viên, đáp ứng nhu cầu về hoạt động kinh doanh cũng như chủ động ngăn ngừa và đối đầu với loại tội phạm công nghệ cao tấn công vào NH.

Với tính chất đặc thù và phức tạp, hoạt động NH thường có tính rủi ro nhiều hơn so với các hoạt động sản xuất kinh doanh khác; đồng thời thị trường tài chính chịu tác động của rất nhiều yếu tố không dự đoán được. Việc phòng ngừa và ngăn chặn kịp thời đối với bọn tội phạm NH không chỉ bảo vệ lợi ích của các NH mà còn bảo vệ chính nền an ninh tài chính cũng như giữ vững ổn định chính trị của đất nước.

Bài và ảnh: TRỌNG HÙNG

;
.
.
.
.
.