.
NẠN XE DÙ, BẾN CÓC

Các bên đổ lỗi cho nhau

.

Trước tình hình xe dù, bến cóc hoạt động ngày một ngang nhiên, UBND thành phố đã quyết định chọn ngày 1-9, ngày bắt đầu thực hiện Tháng An toàn giao thông để ra quân  giải quyết dứt điểm tình hình này. Tuy nhiên đến nay, gần hai tháng trôi qua, nạn xe dù, bến cóc vẫn tồn tại như một thách thức. Trong khi đó, các cơ quan liên quan vẫn đổ lỗi cho nhau.

Ngang nhiên đón khách trước bến xe.
Theo ông Nguyễn Xuân Ba, Phó Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải, để tồn tại nạn xe dù, bến cóc,  trước tiên trách nhiệm thuộc về các DN vận tải đã không làm tốt công tác quản lý của mình. Nếu chủ phương tiện nào vi phạm, DN cứ mạnh dạn đình chỉ hoạt động, làm sao họ dám vi phạm nữa. Về phần mình, ông Đinh Ba, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách thành phố lại khẳng định, tất cả DN vận tải không ai ủng hộ chủ phương tiện hoạt động theo “kiểu” xe dù, bến cóc cả. Những DN có xe hoạt động xe dù, bến cóc chủ yếu là đơn vị nhỏ có dưới 5 đầu phương tiện. Ngoài ra, cũng có những trường hợp xe dù, bến cóc không phải của các DN đóng trên địa bàn thành phố mà của các DN ở các địa phương khác.

Đặc biệt, hầu như tất cả DN đều phàn nàn về tình trạng cung quá cầu hiện nay chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng xe dù, bến cóc. Theo anh Nguyễn Văn Long, Chủ nhiệm HTX xe khách Hải Vân phân tích,  ở các tuyến đường từ Đà Nẵng đi Huế, Đông Hà, Quảng Trị hay Quảng Nam, trung bình cứ 15 phút có một xe xuất bến bất kể trong xe có bao nhiêu khách. 

Trên thực tế 90% chủ phương tiện phải vay vốn ngân hàng, nếu chạy xe rỗng thì đến cuối tháng lấy đâu ra tiền nộp ngân hàng. Chính vì thế, họ buộc phải chạy xe lòng vòng để bắt thêm khách, từ đó dẫn đến nạn xe dù, bến cóc. Vì vậy, ngành giao thông-vận tải phải đứng ra điều tiết sự cung cầu này. Thế nhưng, theo ông Nguyễn Xuân Ba,  như vậy là trái Luật DN, hơn nữa cấp giấy phép cho DN hoạt động là quyết định của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giao thông-Vận tải chỉ làm nhiệm vụ phân luồng phân tuyến cho các DN hoạt động.

Ở góc độ khác, một số DN còn chỉ ra nguyên nhân dẫn đến nạn xe dù, bến cóc chính là sự tồn tại khá đông lực lượng “cò” khách. Có DN còn khẳng định, nếu xe chạy ra đường mà “cò” yêu cầu dừng lại để đưa khách lên xe, nếu không dừng sẽ rất khó làm ăn sau này. Trước phản ánh này, Thiếu tá  Trần Thanh Quang, Phó trưởng Công an quận Liên Chiểu cũng tỏ ra bức xúc không kém: Khu vực trong bến xe thuộc địa bàn quận Cẩm Lệ, và khu vực ngay trước bến xe là thuộc địa bàn quận Liên Chiểu, nhưng về phía ngã ba Huế lại thuộc địa bàn quận Thanh Khê. Chính vì bến xe “đứng chân” trên ba địa phương như thế nên công tác quản lý rất phức tạp.

Công an quận Liên Chiểu đã có rất nhiều nỗ lực như phối hợp với Công an các quận giáp ranh, và giữa Công an quận và Công an phường để giải quyết nạn “cò” này, tuy nhiên suốt thời gian qua cứ lặp lại điệp khúc “công an đến cò đi và công an đi cò đến”, nên không thể giải quyết nổi. Theo anh Quang, để giải quyết tồn tại này cần phải có lực lượng Công an hình sự, thế nhưng lực lượng này không có trong tổ công tác liên ngành (!)

Cái vòng luẩn quẩn này thực ra không mới,  nếu không muốn nói là quá cũ. Nhiều năm trước, khi các cơ quan hữu quan ngồi lại để giải quyết vấn nạn xe dù, bến cóc, hầu như những cuộc họp như thế chỉ là “diễn đàn” để các đơn vị than khó kể khổ và đổ lỗi cho nhau. Theo một số DN kinh doanh vận tải hành khách có thâm niên trong nghề, bản chất vấn đề không quá phức tạp đến vậy, bởi vì theo những văn bản quy định của Nhà  nước hiện hành, đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Vì thế cơ quan chức năng hoàn toàn có quyền điều chỉnh trong việc cấp giấy phép hoạt  động với những tuyến đường cung đã vượt cầu, giống như những gì đã làm với vận tải taxi mà thành phố đã làm rất tốt.

Bài và ảnh: TRẦN LUÂN SƠN

;
.
.
.
.
.