.

Qua đường, thích đâu đi đó

.

Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, người tham gia giao thông chỉ được qua đường tại vị trí cho phép, tức những nơi có vạch kẻ song song. Thế nhưng trên thực tế, điều này gần như chỉ có ý nghĩa với những du khách nước ngoài, còn đa số người Việt Nam cứ băng qua đường, bất kể nơi đó có vạch kẻ hay không, thậm chí những nơi có dải phân cách cũng không “cản” nổi người ta băng qua đường.

Vô tư băng qua đường

Qua đường, thích đâu băng qua đó.
Hình ảnh này phổ biến đến mức gần như mọi người đều cho đó là chuyện bình thường, chẳng đáng quan tâm. Dọc theo các con phố buôn bán, người ta thoải mái “giao dịch” qua lại đủ thứ, từ cà phê, cháo, phở với khách hàng ở phía bên kia đường như đi lại trong hàng quán của mình. Đặc biệt, tại những nơi công cộng có tổ chức hoạt động gì đó hay cơ quan Nhà nước có đông người lui tới, người từ bên này băng qua phía bên kia đường và ngược lại đông đúc chẳng khác đi hội. Người đi đường cứ vô tư qua đường tùy thích, chỉ khổ cho những người điều khiển phương tiện giao thông hết sức cố gắng để tránh TNGT xảy ra.

Kiểu đi đường bát nháo không giống ai như thế, nên những vạch kẻ đường đã bị vô hiệu hóa. Cũng chính điều này khiến người nước ngoài rất sợ khi đi qua các đường phố ở Việt Nam, trong đó có thành phố Đà Nẵng.

Đáng lo ngại nhất chính là tình trạng người băng qua những đường có dải phân cách, vì đa số con đường này nằm ở ngoại ô ít người qua lại, nên xe chạy rất nhanh. Đường Ngũ Hành Sơn, đoạn trước cổng Trường Đại học Kinh tế là một ví dụ.

Tại đây, mỗi ngày có hàng trăm sinh viên vô tư băng qua 3 dải phân cách để qua đường, mặc dù ngay trước cổng trường đã có vạch kẻ dành cho người qua đường và gần đây dải phân cách trước cổng trường cũng được phá bỏ để thuận tiện cho sinh viên ra vào trường. Điều này cũng diễn ra tương tự trên đường Nguyễn Lương Bằng, đoạn trước Đại học Sư phạm và Đại học Bách khoa. Thậm chí tại vị trí đầu cầu Nguyễn Văn Trỗi-Trần Thị Lý, dù tại đây có Trạm CSGT, thế nhưng mọi người vẫn thản nhiên qua lại trên đoạn đường này.

Vì sao?

Tình trạng trên thể hiện ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của nhiều người quá kém, trong đó có phần hạn chế của công tác tuyên truyền. Lâu nay, trong các chiến dịch truyền thông, việc tuyên truyền cho mọi người phải đi vào vạch kẻ dành cho người đi bộ gần như không được đề cập đến, cho dù kiểu vi phạm này rất phổ biến và số vụ TNGT xảy ra vì lý do này cũng nhiều. Lực lượng CSGT gần như thả nổi lỗi vi phạm này. Chúng tôi đã dành khá nhiều thời gian quan sát tại những vị trí có CSGT làm việc trên các đường có dải phân cách, nhưng chưa lần nào thấy CSGT xử phạt trường hợp như vậy. Chính vì điều này mà người đi đường đã coi việc băng qua đường ở vị trí tùy thích là không vi phạm.

Một nguyên nhân nữa cũng rất quan trọng là hiện nay, rất nhiều vạch kẻ dành cho người qua đường đã bị mờ hết, không còn tác dụng. Trên các đường Ngô Quyền, Nguyễn Lương Bằng, Trường Chinh, Nguyễn Tất Thành…, các dải phân cách kéo quá dài mà không có lối mở để người đi đường có thể qua lại, nên cuối cùng họ đi liều, lâu ngày thành thói quen. Đường Ngô Quyền có khá nhiều đoạn đường từ bên này muốn qua bên kia phải đi vòng gần 3 km mới qua được. Nhận ra bất tiện này, gần đây cơ quan chức năng đã cắt dải phân cách để mở lối qua lại. Tuy nhiên, theo những người dân sống dọc con đường này cho biết vẫn chưa thể khắc phục được tình trạng này vì còn nhiều vị trí chưa hợp lý.

Tháo gỡ hết những bất cập trên mới hy vọng chuyện người qua đường đi đúng vị trí dành cho họ. Đến lúc đó, vạch kẻ qua đường mới phát huy tác dụng.

Bài và ảnh: TRẦN LUÂN SƠN

;
.
.
.
.
.