.

Rừng thông Nam Hải Vân vẫn bị phá

.

Mấy ngày nay, những cánh rừng thông ở Nam Hải Vân đang bị một số người dân Kim Liên, phường Hòa Hiệp Bắc (Liên Chiểu) tàn phá. Hầu như ngày đêm nào tại rừng đặc dụng này cũng có người chặt hạ cây thông lấy gỗ. Đợt mưa lũ từ ngày 16 đến 19-10 đã có ít nhất 40-50 cây thông gần 30 năm tuổi bị chặt hạ dứt khúc, chở đi tiêu thụ trót lọt, trong đó có nhiều cây ở tiểu khu 11, chỉ cách khu dân cư tổ 1 Kim Liên vài chục mét.

Gỗ thông lâm tặc đưa ra bìa rừng bị bảo vệ rừng phát hiện. (ảnh chụp đêm 18-10).
Sau trận mưa kéo dài của ngày 17-10, lực lượng bảo vệ rừng ngược núi tuần tra. Họ quá ngỡ ngàng trước cảnh rừng thông bị tàn phá. Hàng chục cây ngổn ngang bên triền núi chưa dứt khúc. Số dứt khúc đã kéo ra bìa rừng. Đêm 18-10, cùng lực lượng bảo vệ rừng, chúng tôi đến gần tiểu khu 11, nơi những khúc gỗ đang chất sát mấy ngôi mộ. Trời tối om, đường lầy lội, thế mà đèn pin cầm tay không dám bật, sợ lâm tặc phát hiện được chạy mất.

Trời mưa không nặng hạt nhưng ít khi ngớt. Ai nấy trùm kín áo mưa, vừa che mưa vừa ngụy trang. Hơn 9 giờ đêm, không thấy động tĩnh gì, anh Đinh Văn Miền, Trạm trưởng Trạm Bảo vệ rừng Kim Liên dẫn tôi ra, 2 anh Ngô Hoàng Hải Sơn và Nguyễn Quang vẫn bám lại. Trên đường trở ra, anh Miền tâm sự: “Làm nghề này vất vả lắm. Mấy ngày nay chưa về nhà. Chỉ cần rời vị trí vài ba tiếng đồng hồ là bọn chúng đến kéo gỗ đi ngay. Không ngờ chúng phá nhanh đến vậy. Lúc mưa to nhất là lúc chúng dùng cưa hạ cây.

Tàn phá kiểu này không phương sách gì giữ nổi”.

Tại trạm bảo vệ rừng sát đường vào hầm đường bộ Hải Vân, hơn 21 giờ, Trưởng ban Quản lý rừng Trần Huy Độ canh trực một mình. Ông cho hay: “Anh em còn ém trong rừng. Mấy hôm nay họ tàn phá dữ quá. Ngày 16-10 phát hiện 10 khúc gỗ trong nhà dân ở tổ 5-6, vừa tịch thu kéo về, một ngày sau phát hiện hàng chục cây tại tiểu khu 11 bị hạ ngổn ngang. Ở khu vực ga Hải Vân Nam, rừng thông cũng tàn phá dữ lắm. Chỉ 4-5 nhân viên bảo vệ làm sao giữ nổi. Đêm khuya, trời mưa như vậy mà anh em đâu có được nghỉ. Lúc nãy 2 người về ăn vội tô mì tôm, lại vào thay cho người khác. Nếu không có sự hỗ trợ từ Hạt Kiểm lâm Liên Chiểu và chính quyền địa phương, không thể giữ nổi những cây thông còn lại.

Tình trạng phá rừng thông dai dẳng từ ngày này sang ngày khác chưa có tín hiệu sẽ chấm dứt. Nguyên nhân do ý thức bảo vệ rừng của nhiều người dân Kim Liên quá hạn chế, Hạt Kiểm lâm Liên Chiểu và chính quyền địa phương chưa có sự hỗ trợ kịp thời và hiệu quả cho đơn vị chủ rừng. Bên cạnh đó, các cơ sở cửa xẻ gỗ trên địa bàn các phường Hòa Hiệp Bắc, Hòa Hiệp Nam, nơi tiếp tay cho lâm tặc không những giảm mà ngày một nhiều thêm.

Trước thực trạng lâm tặc phá rừng, đưa gỗ từ rừng tự nhiên ở Hòa Bắc về, gỗ từ rừng trồng ở Nam Hải Vân xuống, đồng thời với việc 7 xưởng cưa trên địa bàn thời điểm nào cũng chất đầy gỗ lậu, thế nhưng, Hạt Kiểm lâm Liên Chiểu với 10 cán bộ, nhân viên chưa phát hiện, xử lý được vụ nào về tàng trữ, chế biến gỗ lậu. Tình trạng phá rừng và tiêu thụ gỗ lậu ở quận Liên Chiểu quanh năm không khi nào giảm.
 
Không ít lần công luận đặt vấn đề Hạt Kiểm lâm Liên Chiểu liệu có cần thiết khi diện tích rừng quận này quá ít. Ngay cả người trong ngành cũng thấy sự bất cập quá lớn của Hạt Kiểm lâm này, đã đề xuất phương án sáp nhập với Ban Quản lý rừng đặc dụng Nam Hải Vân, nhằm tăng hiệu quả bảo vệ rừng. Đáng tiếc, kiến nghị đó không ai quan tâm. Rất nhiều lần bám địa bàn Rừng đặc dụng Nam Hải Vân, chưa khi nào chúng tôi bắt gặp sự có mặt lực lượng của Hạt này.

Có thể nói, với chức trách được giao, Hạt Kiểm lâm Liên Chiểu chưa làm tốt việc kiểm tra kiểm soát lâm sản và xử lý hiệu quả tình trạng phá rừng đang gia tăng tại Rừng đặc dụng Nam Hải Vân. Không ít người ngạc nhiên khi trên địa bàn Liên Chiểu, nơi có rất ít rừng trồng và không hề có gỗ vườn nhưng lại có 7 xưởng cưa xẻ gỗ. Mới đây nhất, UBND quận Liên Chiểu vừa cấp giấy phép cho một cơ sở nữa tại Thủy Tú (sát sông Cu Đê).

Mọi người đều biết, các cơ sở này lấy đâu gỗ để xẻ, nếu như không từ rừng Hòa Bắc đổ về hoặc từ rừng thông Nam Hải Vân chuyển xuống. Và như vậy, để bảo vệ rừng thông Nam Hải Vân và rừng tự nhiên ở Hòa Bắc, nên chấm dứt hoạt động toàn bộ xưởng cưa xẻ gỗ trên địa bàn quận Liên Chiểu.

Bài và ảnh: HOÀI NAM

;
.
.
.
.
.