Sau khi Báo Đà Nẵng đăng bài viết “Gỗ lậu vẫn về xuôi” phản ánh tình trạng lâm tặc ngang nhiên tập kết gỗ lậu giữa ban ngày theo dọc bờ sông Cu Đê, thuộc tổ 21, phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu) để đưa vào các xưởng cưa xẻ, P.V Báo Đà Nẵng đã có cuộc làm việc với chính quyền địa phương cũng như Hạt Kiểm lâm Liên Chiểu để tiếp tục làm rõ trách nhiệm quản lý việc vận chuyển, tiêu thụ gỗ lậu trên địa bàn.
Gỗ lậu tập kết công khai nhưng chỉ khi nội bộ người dân “thù vặt” nhau kiểm lâm mới biết. |
Tuy nhiên, nhiều trường hợp cán bộ Hạt Kiểm lâm Liên Chiểu không đến xử lý ngay mà viện lý do bận họp. Do đó, mỗi lần lập biên bản bắt gỗ lậu, gỗ không rõ nguồn gốc tập kết về “Bến gỗ lậu”, chính quyền phường có báo cho Hạt Kiểm lâm Liên Chiểu nhưng chờ được cán bộ kiểm lâm đến thì lâm tặc đã tẩu tán xong gỗ lậu.
Cũng theo ông Quốc, trách nhiệm chính trong việc xử lý gỗ lậu là thuộc về kiểm lâm. Khi chúng tôi đặt câu hỏi: Tại sao mạng lưới cán bộ ở khu dân cư như Chi bộ Đảng, Ban điều hành tổ dân phố, Mặt trận và các Chi hội đoàn thể nhân dân ở khu vực này không là “tai mắt” báo cáo kịp thời với UBND khi phát hiện lâm tặc tập kết gỗ lậu về đây? Ông Quốc nói rằng: Do họ có quan hệ bà con, tình làng nghĩa xóm nên nể nang nhau và ngại không dám tố cáo với chính quyền và Hạt Kiểm lâm.
Còn ông Trần Văn Hà, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm thành phố, kiêm Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Liên Chiểu thừa nhận, việc ông Rộng, Phó Hạt trưởng nói rằng: Cán bộ kiểm lâm đành chịu bất lực khi thấy lâm tặc kéo gỗ ra giữa sông là chưa làm hết trách nhiệm. Nếu hôm đó (1-10), ông không bận đi họp ở Chi cục Kiểm lâm thì không bao giờ để lâm tặc tẩu tán số gỗ lậu đó dễ dàng như vậy. Khi đặt vấn đề về sự phối hợp của chính quyền địa phương, ông Hà khẳng định chắc chắn rằng: Chưa có lần nào chính quyền phường Hòa Hiệp Nam thông tin và tổ chức lực lượng với Hạt Kiểm lâm để bắt gỗ lậu chuyển về các xưởng cưa hợp pháp.
Có nhiều lần ông yêu cầu công an các phường đến hỗ trợ, nhưng họ chỉ đến cho có mặt. Đến khi lâm tặc tổ chức lực lượng xông ra cướp lại gỗ bị tịch thu thì không thấy bóng họ đâu. Một vài cán bộ kiểm lâm không thể nào giữ nổi trước hàng chục lâm tặc rất hung hăng và manh động, sẵn sàng tấn công khi thấy lực lượng kiểm lâm quá ít ỏi. Bên cạnh đó, không ít lần cán bộ của Hạt Kiểm lâm Liên Chiểu bắt được gỗ lậu nhưng sau đó UBND phường Hòa Hiệp Nam lại ký giấy “xin lại” gỗ cho đương sự vì gia cảnh là gia đình chính sách đang làm nhà. Và theo giấy đề nghị của chính quyền phường, Hạt Kiểm lâm lại “tha” và trả gỗ lậu cho đương sự.
Ông Hà cho biết vẫn phải trả lại gỗ lậu cho những trường hợp này, mặc dù bị lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê bình ông. Mặt khác, ông Hà nói phóng viên phát hiện việc gỗ lậu xuôi dòng sông Cu Đê về tập kết ở “Bến gỗ lậu” chỉ là tình cờ, rất ít gặp vì người của ông thường xuyên tuần tra khu vực đó. Ông Hà cũng nêu trách nhiệm của hai trạm kiểm lâm phía đầu nguồn sông Cu Đê. Nếu không thì lâm tặc không thể đưa gỗ về đến tận “Bến gỗ lậu” ở tổ 21, phường Hòa Hiệp Nam. Ông Hà tiết lộ, cán bộ của Hạt luôn bị “trinh sát” của lâm tặc theo dõi “nhất cử, nhất động” nên rất khó bắt gỗ lậu.
Nhóm P.V